Ngày 22-8, Báo SGGP đăng tải bài viết: “Miền Trung – người bệnh vật vã vì thiếu thuốc, vật tư y tế”, phản ánh nhiều bệnh viện (BV), trung tâm y tế tại khu vực miền Trung vẫn rơi vào cảnh thiếu thuốc, vật tư khiến người bệnh khốn khổ vì phải chờ đợi. Ngay sau khi bài viết đăng tải, nhiều bạn đọc thông tin, một số địa phương cũng gặp phải tình trạng tương tự. Câu chuyện thiếu thuốc, vật tư y tế tồn tại dai dẳng từ nhiều năm nay vẫn chưa có lời giải.
Mòn mỏi chờ thuốc, vật tư y tế
Thông tin đến Báo SGGP, anh N.V.H. (36 tuổi, quận 7, TPHCM) cho biết, anh được chẩn đoán bệnh nhược cơ vào tháng 6-2024. Đây là bệnh lý điều trị suốt đời, rất tốn kém và phải trông chờ vào bảo hiểm y tế (BHYT). Theo anh H., loại thuốc Mestinon 60mg (một loại biệt dược) có hiệu quả rất tốt với bệnh nhân nhược cơ và được BHYT chi trả.
Tuy nhiên, gần đây, nguồn cung ứng thuốc bị đứt gãy, các bác sĩ phải kê loại thuốc có hoạt chất tương tự khiến anh H. gặp nhiều tác dụng phụ. “Mòn mỏi vì chờ thuốc, không chịu được phản ứng phụ của thuốc mới, tôi buộc phải đến BV tư nhân để khám và mua được thuốc Mestinon với giá đắt (trên 1 triệu đồng/lọ). Có BHYT mà phải bỏ tiền túi ra mua thuốc là không công bằng”, anh N.V.H. chia sẻ.
Tương tự, nhiều tháng qua, tình trạng thiếu thuốc phóng xạ dùng chụp PET/CT chẩn đoán ung thư vẫn âm ỉ kéo dài tại các BV trên địa bàn thành phố. Điển hình tại BV Ung bướu TPHCM, người bệnh có chỉ định chụp PET phải chờ khoảng 10 ngày mới đến lượt do không đủ thuốc phóng xạ 18F-FDG. Thuốc phóng xạ này do BV Chợ Rẫy cung ứng với liều lượng chụp từ 7-9 ca/ngày và 3 ngày/tuần, đáp ứng chưa đến 1/3 nhu cầu thực tế.
Trong khi đó, 2 máy PET/CT của BV Ung bướu TPHCM có thể đạt công suất tối đa 30 ca/máy/ngày. Sự bị động về thuốc phóng xạ nhiều năm qua dẫn đến việc nhiều người bệnh ung thư phải chờ đợi, máy móc hoạt động cầm chừng. Không ít người bệnh từ phía Nam phải ra Đà Nẵng, Hà Nội để chụp PET/CT và cung cấp kết quả cho bác sĩ.
TS-BS Nguyễn Xuân Cảnh, Trưởng Khoa Y học hạt nhân, BV Chợ Rẫy, cho biết, hiện trên địa bàn TPHCM có BV Chợ Rẫy, BV Quân y 175 và BV Ung bướu TPHCM trang bị máy PET/CT sử dụng dược chất phóng xạ 18F-FDG. Đặc điểm của chất phóng xạ này là tuổi thọ ngắn (dưới 12 giờ), thời gian bán hủy ngắn (khoảng 110 phút) nên phải sử dụng ngay sau khi sản xuất.
“Thời gian qua, BV Chợ Rẫy vẫn duy trì việc chuyển nhượng thuốc phóng xạ 18F-FDG cho BV Ung bướu và BV Quân y 175. Tuy nhiên, hệ thống Cyclotron sản xuất thuốc phóng xạ tại BV có tuổi đời trên 15 năm. Thời điểm hệ thống cần bảo trì, hoạt động chụp PET/CT tại các BV TPHCM phải ngưng trệ hoàn toàn. Hiện người bệnh đăng ký chụp PET/CT tại BV Chợ Rẫy cũng phải chờ khoảng 2 tuần để được thực hiện”, TS-BS Nguyễn Xuân Cảnh thông tin.
Có tác động nhưng… không đáng kể!
Phản ứng trước việc một số BV ở miền Trung bị thiếu một số loại thuốc phục vụ điều trị do gặp vướng mắc về đấu thầu, mua sắm, Bộ Y tế cho rằng, việc thiếu thuốc, vật tư y tế chỉ là việc thiếu cục bộ ở một số địa phương, đơn vị y tế do khó khăn vướng mắc về đấu thầu và xây dựng kế hoạch mua sắm. Bên cạnh đó, các cơ sở y tế, địa phương chưa sát sao trong việc chỉ đạo đảm bảo cung ứng thuốc, như: thiếu chủ động trong dự trù, xác định nhu cầu, lập kế hoạch, thực hiện công tác đấu thầu, mua sắm.
Để khắc phục việc này, mới đây, Bộ Y tế đã có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo người đứng đầu các cơ sở y tế thuộc phạm vi quản lý thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong hoạt động lựa chọn nhà thầu, bảo đảm đủ thuốc, hóa chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế và các dịch vụ liên quan phục vụ công tác khám chữa bệnh. Đồng thời, người đứng đầu các đơn vị chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng thiếu thuốc, hóa chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế và các dịch vụ liên quan tại cơ sở y tế thuộc quyền quản lý.
Theo các chuyên gia y tế, tình trạng thiếu thuốc chưa được giải quyết triệt để ảnh hưởng không nhỏ đến lòng tin của người bệnh, kéo theo nguy cơ người bệnh dồn lên tuyến trên gây tình trạng quá tải, nối dài chờ đợi, khó khăn lại đổ lên người bệnh và nhân viên y tế – những người trực tiếp khám chữa bệnh. Thời điểm này, khi những than phiền về điểm nghẽn đấu thầu đã được giải quyết, hành lang pháp lý đã thông thoáng thì công tác mua sắm, đấu thầu phụ thuộc rất lớn vào việc người đứng đầu các đơn vị sẽ tổ chức thực hiện ra sao.
Mỗi sự chần chừ, e ngại, thiếu quyết liệt của từng lãnh đạo BV, cơ sở y tế có thể sẽ khiến hàng ngàn người bệnh phải chờ đợi phía sau. Bộ Y tế cần rà soát và chủ động phối hợp với các bộ, ngành liên quan để tạo cơ chế đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế bảo đảm nguyên tắc minh bạch, khả thi và tạo sự yên tâm cho cán bộ thực thi công vụ, tránh tâm lý sợ việc đấu thầu… làm ảnh hưởng đến sức khỏe nhân dân.
Theo BS Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, vấn đề thuốc, vật tư cung ứng là áp lực lớn với các BV do tình trạng quá tải, có hiện tượng đẩy người bệnh từ tuyến dưới lên hoặc từ cơ sở này sang cơ sở khác. Bên cạnh đó, một số tỉnh, thành phố hạn chế mua sắm, cho nên người bệnh dồn lên các BV tại thành phố, nhất là với chuyên khoa tim mạch và chấn thương chỉnh hình. Sở Y tế TPHCM nắm bắt tình hình mỗi tuần, đưa ra giải pháp, hỗ trợ điều chuyển thuốc, tổ chức mua sắm, cung ứng kịp thời cho người bệnh. Sở Y tế thành phố cũng đã thành lập tổ công tác hỗ trợ các BV trong mua sắm điều phối thuốc.
THÀNH AN – MINH KHANG – GIAO LINH
Nguồn: https://www.sggp.org.vn/nguoi-benh-vat-va-vi-thieu-thuoc-vat-tu-y-te-do-dia-phuong-chua-sat-sao-trong-chi-dao-cung-ung-post755478.html