Người bệnh nên hạn chế thực phẩm chiên rán, thức ăn chế biến sẵn, rượu bia để tránh biến chứng tim mạch trong và sau Tết.
ThS.BS.CKII Nguyễn Thị Ngọc, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết duy trì chế độ ăn uống lành mạnh là một trong những cách hiệu quả nhất để giảm nguy cơ mắc bệnh tim hoặc biến chứng nguy hiểm. Bác sĩ khuyến nghị người bệnh tim mạch chọn thực phẩm lành mạnh, hạn chế một số món ăn, thức uống dưới đây trong dịp Tết.
Nên kiêng
Bánh chưng, bánh tét
Bánh chưng, bánh tét với thành phần chính là gạo nếp, thịt mỡ, chứa nhiều đường, muối và chất béo có hại không tốt cho người cao huyết áp, rối loạn mỡ máu, tim mạch và bệnh thận. Người bệnh tim mạch chỉ nên ăn một lượng nhỏ hai loại bánh này dịp Tết.
Thực phẩm chế biến sẵn
Giò chả, giăm bông, thịt xông khói, xúc xích, lạp xưởng chứa chất béo bão hòa làm tăng cholesterol xấu (LDL-c) và triglyceride, tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim, đột quỵ.
Thực phẩm chế biến sẵn nhiều muối còn làm tăng huyết áp, khó kiểm soát chỉ số mục tiêu. Huyết áp cao ảnh hưởng trực tiếp đến các mạch máu của tim khiến thành mạch, tim phải tăng hoạt động. Lâu ngày, cấu trúc cơ tim dày lên dẫn đến phì đại cơ tim có thể suy tim, đột quỵ tim.
Thức ăn chiên rán
Ăn nhiều thực phẩm chiên rán làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2, béo phì và tăng huyết áp. Đây là các yếu tố nguy cơ gây bệnh tim mạch có thể dẫn đến suy tim.
Bác sĩ Ngọc khuyến cáo gia đình nên dùng dầu ô liu hoặc các loại dầu thực vật để chiên xào vì chúng chứa chất béo không bão hòa đơn và không bão hòa đa có lợi cho tim.
Dưa hành, dưa món
Người Việt có thói quen ăn bánh chưng, bánh tét kèm củ kiệu muối, dưa hành, dưa món để giảm cảm giác ngấy. Song người bệnh tim mạch cần tránh những món này. Thực phẩm được lên men và chứa nhiều muối, đường làm tăng huyết áp và khó kiểm soát đường huyết ở bệnh nhân tiểu đường.
Các loại mứt
Mứt dừa, mứt bí, mứt hạt sen chứa nhiều chất béo và đường tinh chế, ăn nhiều dễ gây thừa cân, tăng lượng mỡ tích trữ và rối loạn lipid máu. Đây là các yếu tố nguy cơ gây bệnh tim mạch có thể dẫn đến đột quỵ, nhồi máu cơ tim.
Nước uống có ga
Người uống nhiều nước có ga, nước ép đóng hộp, soda dễ mắc bệnh tiểu đường type 2, huyết áp cao và các bệnh tim mạch. Loại thức uống này có thành phần chính là đường tạo ngọt, uống nhiều làm tăng lượng đường trong máu, cholesterol xấu, thúc đẩy quá trình xơ vữa mạch máu diễn ra nhanh hơn.
Rượu bia
Nam giới không nên uống quá hai ly một ngày và nữ giới giới hạn một ly mỗi ngày. Uống quá nhiều rượu làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch bao gồm huyết áp cao, béo phì, đột quỵ.
Người có bệnh tăng huyết áp hoặc chỉ số chất béo trung tính cao dù uống lượng rượu vừa phải cũng có thể gây hại tim.
Nên ăn
Các loại rau củ quả
Chế độ ăn nhiều rau củ quả có liên quan đến giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Rau củ quả chứa nhiều chất xơ và chất chống oxy hóa hỗ trợ ngăn ngừa tổn thương động mạch cũng như kiểm soát cholesterol trong máu.
Ngũ cốc nguyên hạt
Yến mạch, diêm mạch, gạo lứt giàu chất xơ góp phần duy trì mức cholesterol khỏe mạnh. Bác sĩ Ngọc dẫn các nghiên cứu cho thấy thay thế ngũ cốc tinh chế bằng ngũ cốc nguyên hạt có thể giảm nguy cơ mắc bệnh mạch vành.
Các loại hạt
Hạt óc chó, hạt dẻ, hạnh nhân, hạt điều chứa nhiều protein, vitamin và chất xơ hỗ trợ điều hòa hệ tim mạch, ngăn ngừa mảng bám hình thành trong thành động mạch – tác nhân gây ra các bệnh tim mạch.
Các loại cá béo
Cá hồi, cá thu, cá mòi giàu axit béo omega-3 có tác dụng giảm tỷ lệ mắc bệnh tim, bệnh mạch vành, nhồi máu cơ tim, đột quỵ và suy tim.
Bác sĩ Ngọc khuyến cáo người có bệnh nền tim mạch hay các yếu tố nguy cơ bệnh tim mạch cần kiểm tra sức khỏe tim trước kỳ nghỉ dài để điều tiết chế độ ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý dịp Tết.
Hạ Vũ