Người bệnh tiểu đường ăn vải có tốt không?
Vải là loại quả mọng, có vị ngọt đậm, vì vậy đa sống người bệnh tiểu đường loại khỏi thực đơn của mình.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia dinh dưỡng, người bệnh tiểu đường vẫn có thể thưởng thức vải bởi đây là loại quả không nằm trong nhóm có mức độ GI cao (GI của vài là 57). Vải lại cung cấp nhiều chất xơ, vitamin và chất khoáng quan trọng cho cơ thể. Theo nghiên cứu, trong 100 gram trái vải tươi chứa 16,5 gram carbohydrate, 0,83 gram protein, 0,44 gram chất béo, 1,3 gram chất xơ, 15,2 gram đường và 71,5 miligam vitamin C.
Do giàu chất xơ nên vải sẽ làm chậm quá trình hấp thu các dưỡng chất khác trong bữa ăn, hạn chế tình trạng tăng đường huyết đột ngột sau ăn. Trái vải không có cholesterol xấu hoặc chất béo bão hòa là lựa chọn dành cho người bệnh đái tháo đường.
6 công dụng của quả vải với người bệnh tiểu đường
Chỉ số đường huyết thấp
Theo Boldsky, chỉ số đường huyết của quả vải là 57 và tải trọng đường huyết là 9 trên 100 g. Kết quả này nằm dưới chỉ số đường huyết vừa phải. Điều này có nghĩa là khi tiêu thụ vải, nó có xu hướng giải phóng đường glucose từ từ và ổn định, không làm tăng lượng đường cùng một lúc. Do đó, quả vải được xem là một trong những loại trái cây lành mạnh trong chế độ ăn kiêng của người bệnh tiểu đường.
Hàm lượng chất xơ cao
Chất xơ rất cần thiết trong việc kiểm soát bệnh tiểu đường. Quả vải thiều rất giàu chất xơ và không có cholesterol hoặc chất béo bão hòa. Nó cũng chứa một lượng lớn các chất dinh dưỡng như magiê, vitamin B,… được biết đến là chất có tác dụng giảm stress oxy hóa, bảo vệ các tế bào tuyến tụy và cải thiện việc sản xuất insulin trong cơ thể.
Tăng khả năng miễn dịch
Tăng đường huyết là một trong những nguyên nhân chính làm cho hệ thống miễn dịch của cơ thể bị rối loạn, dẫn đến lây lan mầm bệnh ở bệnh nhân tiểu đường. Các hợp chất hoạt tính sinh học trong vải giúp tăng cường hệ thống miễn dịch ở người, bảo vệ con người trước các bệnh vặt.
Ngăn ngừa đục thủy tinh
Bệnh tiểu đường có thể tiến triển gây ra một biến chứng lớn tức là đục thủy tinh thể, đặc biệt là ở những người trên 50 tuổi. Quả vải đóng một vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa bệnh đục thủy tinh thể do đường nhờ vào các hợp chất có tác dụng ức chế mạnh đối với glucose.
Ngừa tổn thương tế bào thần kinh
Bệnh tiểu đường có thể là nguyên nhân của nhiều bệnh lý thần kinh. Điều này là do lượng glucose trong cơ thể cao kéo dài làm suy yếu các thành dây thần kinh và cản trở việc cung cấp oxy và chất dinh dưỡng cho các dây thần kinh. Điều này có thể khắc phục nhờ hạt vải, bởi chúng có tác dụng bảo vệ thần kinh và có thể giúp ngăn ngừa tổn thương tế bào thần kinh.
Ngừa các biến chứng bệnh tim do tiểu đường
Quả vải có nhiều chất chống oxy hóa như vitamin C và cũng có một lượng khoáng chất tốt như kali, sắt, magiê. Những khoáng chất quan trọng này có thể giúp duy trì lượng đường trong cơ thể và điều chỉnh huyết áp, do đó, ngăn ngừa một loạt các triệu chứng bệnh tim do bệnh tiểu đường gây ra như đột quỵ và huyết áp cao.
Người bệnh tiểu đường ăn vài bao nhiêu là đủ?
Theo các chuyên gia y tế, người bệnh tiểu đường khi lựa chọn trái cây hay thực phẩm giàu carbohydrate nên kiểm tra chỉ số đường huyết (GI). Các thực phẩm có chỉ số GI cao là trên 70, người bệnh đái tháo đường chỉ nên ăn số lượng ít và thỉnh thoảng. Nhóm có mức độ GI thấp (20-49) gồm táo, bơ, cherry, bưởi, đào, lê, mận, dâu tây… Nhóm có GI trung bình (50-69) gồm trái vải, sung, nho, trái kiwi, xoài, cam, nho khô, chuối có vỏ còn xanh…
Vải có chỉ số đường huyết 57 (thuộc nhóm trung bình). Khi ăn loại quả này, đường glucose sẽ được giải phóng chậm và ổn định, không khiến đường huyết tăng cao, đột ngột. Nhưng nếu ăn quá nhiều có thể làm lượng đường trong máu tăng đột biến, ảnh hưởng đến sức khỏe.
Vì vậy để ăn vải an toàn, người bệnh tiểu đường cần căn cứ vào cơ địa của mình. Trung bình người tiểu đường có thể ăn vào một phần trái cây tương đương 15 gram đường mỗi ngày. 15 gram đường tương đương 6 trái vải. Do đó, người bệnh tiểu đường không nên ăn quá 6 quả vải mỗi ngày.
Lưu ý, khi ăn đủ 6 trái vải trong ngày thì không nên dùng trái cây khác.
2 thời điểm không nên ăn vải
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, thời điểm tốt nhất để ăn vải là sau bữa cơm, bởi lúc này cơ thể đã tích lũy đủ lượng nước muối qua thức ăn nên không sợ say, nóng. Lưu ý, không nên ăn vài trong 2 thời điểm sau
Không ăn vải khi đói
Ăn vải tươi khi đói sẽ khiến cơ thể nạp quá nhiều đường trong một thời gian ngắn có thể gây say với các triệu chứng hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn, chân tay bủn rủn.
Nếu gặp hiện tượng say vải, bạn nên uống một cốc nước đường để cải thiện sức khỏe. Điều đó giúp bù đắp lượng đường do insuline trong cơ thể đã tăng lên để hạ nồng độ đường trong máu xuống quá mức.
Không ăn vải trước và trong kỳ “đèn đỏ”
Trong một vài ngày trước chu kỳ kinh nguyệt, phụ nữ thường lo âu, trầm cảm, căng thẳng về tình cảm, mất ngủ, khó chịu, bồn chồn, mệt mỏi, do sự mất cân bằng hormone estrogen và progesterone. Do đó, khi đang trong giai đoạn này, chị em cần hạn chế ăn nhiều vải thiều.
Nguồn: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/nguoi-benh-tieu-duong-khong-can-kieng-an-vai-an-theo-cach-nay-de-tang-mien-dich-va-ngua-bien-chung-tieu-duong-172240617145959439.htm