Người bệnh thận nên đi bộ, đạp xe, bơi lội, khiêu vũ, tránh hoạt động thể lực quá sức, tác động mạnh vùng thắt lưng dễ gây tổn thương thêm.
Bệnh thận mạn tính có 5 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 5 là giai đoạn cần điều trị thay thế thận, bao gồm chạy thận nhân tạo, lọc màng bụng hoặc ghép thận. BS.CKII Hồ Tấn Thông, khoa Thận học – Lọc máu, Trung tâm Tiết niệu – Thận học – Nam khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết ngoài tuân thủ các chỉ định điều trị bằng thuốc, chế độ ăn uống, sinh hoạt, tập thể dục cũng góp phần duy trì và cải thiện sức khỏe của người bệnh thận.
Tập thể dục có tác dụng tích cực đến sức khỏe tổng thể, mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh thận như hạ huyết áp, giảm cholesterol, kiểm soát đường huyết. Duy trì tập thể dục đều đặn và lâu dài giúp xương chắc khỏe, tăng sức bền và sức mạnh cơ bắp, giữ cân nặng ổn định và cải thiện giấc ngủ, máu lưu thông tốt hơn. Hơn nữa, hoạt động này còn cải thiện trạng thái tinh thần, giúp người bệnh duy trì lối sống lành mạnh.
Theo bác sĩ Thông, các môn thể thao phù hợp với người bệnh thận là đi bộ, đạp xe (với các dụng cụ trong nhà hoặc hoạt động ngoài trời), bơi lội, khiêu vũ, aerobic hoặc các hoạt động có sử dụng các nhóm cơ lớn của cơ thể. Các hoạt động khác như bài gym nhẹ nhàng, đơn giản hoặc làm vườn, làm việc nhà… cường độ thấp cũng tốt.
Người bệnh thận không nên tham gia các môn thể thao dễ va chạm, cường độ nặng, có tính đối kháng và phải theo hoặc hơn sức của đối phương như bóng đá, bóng rổ, tennis, võ thuật, nâng tạ, xách đồ nặng, thực hiện các động tác yoga như trồng chuối, đu dây.
Không nên thực hiện bài tập tác động nặng lên vùng thắt lưng như hoạt động dùng lực để đẩy tạ từ dưới lên trên hoặc khuân vác vật nặng. Các hoạt động này có thể gây áp lực lên cầu thận và tăng thoát đạm ra đường tiểu, góp phần làm bệnh nặng hơn.
Hoạt động thể lực mạnh, quá sức có thể gây tổn thương cơ, hủy cơ và giải phóng các chất từ cơ. Từ đó có thể dẫn đến tắc ống thận và gây ra tình trạng tổn thương thận cấp, cần phải nhập viện để điều trị. Đôi khi tình trạng diễn tiến nặng cần chạy thận nhân tạo vài lần để điều trị. Người bệnh nên hỏi bác sĩ để có lời khuyên về hoạt động thể lực phù hợp với thể trạng và bệnh nền như bệnh tim mạch, huyết áp, đái tháo đường…
Bác sĩ khuyến cáo người bệnh thận nên tập thể dục khoảng 30 phút một ngày, vài ngày hoặc tất cả ngày trong tuần, với cường độ mà bản thân cảm thấy thoải mái nhất. Sau khi đã quen, thời gian luyện tập có thể nâng lên 45 phút hoặc 60 phút một ngày.
Thời gian vận động thích hợp nhất là buổi sáng và chiều, tránh lúc thời tiết nóng bức; ưu tiên tập sau ăn một giờ và trước khi đi ngủ một giờ. Khi đang sốt, đau nhức xương khớp, hoặc vừa ăn no… tránh hoạt động thể chất.
Người bệnh chạy thận nhân tạo nên tập luyện vào ngày không chạy thận. Người bệnh lọc màng bụng tập thể dục lúc bụng trống, tức là đang không ngâm dịch lọc màng bụng.
Nên làm nóng, khởi động cơ thể trước khi bắt đầu, giúp cơ thể làm quen và tránh các chấn thương khi vận động đột ngột. Có thể kết hợp luyện tập với bạn bè, người thân để có thêm động lực.
Trong lúc tập, nếu xuất hiện dấu hiệu như khó thở, hồi hộp tim đập nhanh, choáng váng, đau ngực, đau khớp nhiều, chân sưng phù, đi tiểu bọt (lớp bọt dày, bọt lâu tan hoặc không tan), nước tiểu màu hồng hoặc đỏ… người bệnh cần ngưng và tới bệnh viện ngay. Người từng phải ngưng tập vì một trong các lý do trên nên hỏi lại bác sĩ trước khi bắt đầu lại.
Anh Thư