Người bệnh cao huyết áp tập thể dục cơ thể sẽ thay đổi ra sao?
Người cao huyết áp (hay còn gọi là tăng huyết áp) tập thể dục thường xuyên sẽ giúp cơ thể luôn khỏe mạnh và dẻo dai. Bởi với hoạt động thể chất thường xuyên, tim trở nên khỏe hơn, do đó, cần ít nỗ lực hơn để bơm máu, giúp giảm áp lực lên động mạch và hạ huyết áp xuống mức khỏe mạnh hơn.
Hoạt động thể chất đóng một vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa và kiểm soát huyết áp cao. Nghiên cứu từ Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ cho thấy những người tập thể dục 4 giờ mỗi tuần có nguy cơ bị huyết áp cao thấp hơn 19% so với những người ít vận động hơn.
Lựa chọn bài tập thể dục phù hợp với người bệnh cao huyết áp
Người bệnh cao huyết áp thường được khuyên cần phải tập thể dục thường xuyên, với những bài tập phù hợp với thể trạng của mình để tránh làm tăng huyết áp đột ngột, phòng nguy hiểm đến sức khỏe.
Bài tập thích hợp cho người bệnh tăng huyết áp độ 1
Theo lý thuyết, người bệnh tăng huyết áp nhưng chưa xảy ra biến chứng rõ rệt, có huyết áp tâm thu 140-159 mmHg và huyết áp tâm trương 90-99 mmHg được hiểu là tăng huyết áp độ 1.
Trong giai đoạn này, mục tiêu chính của quá trình điều trị là hạn chế dùng thuốc, cân bằng huyết áp bằng các thói quen lành mạnh kết hợp với những bài tập nhẹ nhàng như:
– Đi bộ nhanh: 5-6 km / giờ, tập khoảng 30-60 phút, mỗi ngày trong tuần.
– Chạy gằn hoặc đạp xe: hiệu quả hơn ở nhóm đối tượng dưới 50 tuổi, người cao tuổi có thể mua loại xe đạp lực kế để tập ở nhà.
– Bơi lội: chỉ nên bơi chứ không nên lặn, không đi bơi khi nhiệt độ ngoài trời đang lạnh.
– Thiền, yoga, thái cực quyền: đặc biệt phù hợp với người cao tuổi, tập trung vào việc giữ tinh thần thoải mái nhưng cần sự hướng dẫn của chuyên gia.
Bài tập thích hợp cho người bệnh tăng huyết áp độ 2
Người bệnh tăng huyết áp độ 2 có mức huyết áp tâm thu 160-179 mmHg, huyết áp tâm trương 100-109 mmHg, đã bắt đầu xuất hiện tổn thương nhẹ ở cơ quan đích hoặc kèm một số biến chứng khác.
Chính vì vậy, bác sĩ sẽ khuyên bạn kết hợp dùng thuốc điều trị tăng huyết áp với tích cực rèn luyện thói quen sống lành mạnh để đưa huyết áp về ngưỡng 140 / 90 mmHg.
Khác với tăng huyết áp độ 1, bạn nên lựa chọn kỹ các bài tập để đạt hiệu quả cao nhất. Người tăng huyết áp độ 2 chỉ nên tập luyện ở mức độ vừa phải, tránh những môn phải gắng sức như bóng đá, bóng rổ, tập tạ…
Thay vào đó, hãy chăm chỉ đi bộ, đạp xe, tập yoga mỗi khi cảm thấy cơ thể bình thường, không có dấu hiệu chóng mặt hay buồn nôn.
Bài tập thích hợp cho người bệnh tăng huyết áp độ 3
Tăng huyết áp độ 3 xảy ra khi huyết áp của bạn liên tục ở trên mức 180-209 mmHg (huyết áp tâm thu) hoặc 110-119 mmHg (huyết áp tâm trương), đi kèm nhiều biến chứng và tổn năng rõ rệt ở cơ quan đích.
Nếu thuộc trường hợp này, bạn cần ngay lập tức đến bác sĩ để được chẩn đoán, tư vấn và lập ra tiến trình điều trị phù hợp nhất.
Người bệnh tăng huyết áp độ 3 thường không nên vận động thể dục thể thao quá nhiều, tránh gây thêm sức ép lên hệ tim mạch. Nếu vẫn muốn rèn luyện thể lực, bạn nên uống thuốc để cân bằng huyết áp rồi mới bắt đầu tập nhẹ trong 20-30 phút / ngày.
Khi có dấu hiệu suy tim, nên chống chỉ định hoàn toàn với hoạt động thể dục thể thao, chỉ nên đi dạo và hít thở đều.
“Nguyên tắc” tập thể dục cho người bệnh cao huyết áp
– Tập thể dục vừa sức, không nên tập nhẹ quá cũng không nên nặng quá.
– Trước khi tập phải khởi động từ từ toàn thân và giảm dần tốc độ luyện tập trước khi dừng lại để đảm bảo an toàn khi luyện tập.
– Nên tập đều đặn mỗi ngày. Mỗi ngày dành khoảng 20-30 phút/ngày và khoảng 3 lần mỗi tuần.
– Nên tập chung với bạn bè, người thân hoặc báo trước địa điểm mình sẽ tập luyện.
– Tuyệt đối không dùng các chất kích thích trước, trong và sau khi tập thể dục như thuốc lá, rượu bia, cà phê.
– Dùng máy đo huyết áp tại nhà để theo dõi chỉ số huyết áp trước và sau tập luyện để có thể thay đổi cường độ, loại hình bài tập sao cho phù hợp với tình trạng lúc bấy giờ.
Dấu hiệu người bị cao huyết áp
Cao huyết áp đôi khi không có triệu chứng, biểu hiện rõ ràng nhưng có thể để lại hậu quả nặng nề nếu không được điều trị sớm.
Những triệu chứng thường gặp ở người bị cao huyết áp là hoa mắt, chóng mặt, nhức đầu, ù tai, hồi hộp, nóng bừng mặt,… Một số người có biểu hiện dữ dội hơn như đau vùng tim, thị lực giảm, thở gấp, mặt đỏ bừng hoặc tái nhợt, nôn ói, dễ hồi hộp, hốt hoảng.
Bác sĩ khuyến cáo, khi cơ thể xuất hiện những dấu hiệu trên, tốt nhất cần được thăm khám bác sĩ để có biện pháp phòng và chữa bệnh.