Sau khi dẫn đầu Đoàn dân binh làng Tú Bình tiến về Phủ đường Tam Kỳ cùng với lực lượng quần chúng cách mạng các địa phương khác cướp chính quyền về tay nhân dân thành công, tháng 12/1945 đồng chí Nguyễn Xuân Cúc (người làng Tú Bình, Tổng Vĩnh Quý) được phân công làm Trung đội trưởng, trực tiếp huấn luyện dân quân tự vệ xã. Tháng 4/1947 đồng chí được bầu vào Thường vụ Đảng ủy, Ủy viên Ủy ban hành chính, Xã đội trưởng, Đại đội trưởng Đại đội du kích tập trung xã Tam Dân.
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc bằng Hiệp định Giơ-ne-vơ. Đề phòng sự lật lọng của giặc, thực hiện chủ trương của Trung ương về việc bố trí một số cán bộ dân sự nằm lại miền Nam nhằm vận động nhân dân đấu tranh theo phương pháp hòa bình, Huyện ủy Tam Kỳ cử 64 cán bộ cốt cán trụ lại ở địa phương, trong đó có Nguyễn Xuân Cúc.
Trong những năm tháng hoạt động ở thời kỳ đen tối nhất trên chính quê nhà, Nguyễn Xuân Cúc đã vượt qua biết bao hiểm nguy để tồn tại. Tại làng Tú Bình, vào đêm 14/9/1954, trong tình thế bị bao vây, lợi dụng lúc địch dụ hàng bắt sống, ông bất ngờ hạ gục một tên ác ôn, mở đường tháo chạy. Sau 2 tháng, ngày 14/11/1954, ông đóng giả lái buôn, đi từ Đức Bố đến ngã ba Chiên Đàn bị một nhóm dân vệ chặn bắt, nhốt tại Hội đồng xã. Nửa đêm, lợi dụng lúc địch sơ hở, ông dùng chiếc gối gỗ đánh trọng thương 2 tên dân vệ, biến vào đêm tối thoát thân. Tối 14/12/1954, đang họp với một số cán bộ cơ sở tại nhà ông Nhiều, thôn Khánh Tân, Tam Dân, địch đến vây kín, ông dụ địch tập trung về phía mình để cán bộ cơ sở vượt vòng vây, trong lúc địch sơ hở ông hạ gục 2 dân vệ, thoát ra sân rồi lăn hòn đá xuống giếng, dụ địch tập trung vây giếng, ông vọt chạy.
Tháng 1/1956, có tin báo: Nguyễn Xuân Cúc đương ở Rừng Rang, thôn Tân Vinh, xã Kỳ Thịnh (Tam Vinh ngày nay), Quận trưởng Đặng Văn Lai lệnh cho cảnh sát quận, dân vệ các xã đến vây chặt cả khu vực suốt 2 ngày đêm, song ông đã bình tĩnh thoát khỏi vòng vây. Tháng 6/1956, địch phát hiện Nguyễn Xuân Cúc đang ẩn mình ở vùng núi Gành Đá Kiều, thôn Ngọc Tú, Kỳ Long, chúng huy động tổng lực vây chặt 15 ngày đêm, nhưng được nhân dân che chở, ông lại an toàn thoát khỏi vòng vây…
Sau nhiều sự kiện vây hãm, quyết bắt cho được “Việt cộng nằm vùng Nguyễn Xuân Cúc” nhưng bọn địch chỉ thu nhận được một khoảng không, chúng kháo nhau: Nguyễn Xuân Cúc có phép tàng hình.
Sau năm 1956, xác định rõ kẻ thù đã thực sự phản bội Hiệp định, Nguyễn Xuân Cúc cùng một số đồng chí vừa thoát ngục kéo vào núi giáp ranh giữa Tam Kỳ – Tiên Phước xây dựng mật cứ: Dương Ngươn, Sũng Mè, Tiểu Tây…, cùng cam cộng khổ với đồng đội, đồng chí, ngày ẩn mình trong núi, đêm lần xuống các làng xã liên tục gầy dựng cơ sở, giữ gìn giềng mối cách mạng, chờ thời cơ đứng lên giải phóng quê hương.
Cuối năm 1958, Nguyễn Xuân Cúc được Huyện ủy Tam Kỳ, Tỉnh ủy Quảng Nam cử tháp tùng đoàn cán bộ khu 5 ra miền Bắc tiếp thu Nghị quyết 15. Cuối năm 1959 sau khi tiếp thu Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng, Nguyễn Xuân Cúc về lại Huyện ủy Tam Kỳ cùng các đồng chí Huỳnh Sự, Nguyễn Mậu Đông, Võ Ngọc Hải, Nguyễn Mại giúp Bí thư Huyện ủy Đỗ Thế Chấp triển khai nghị quyết.
Khởi đầu thực hiện đường lối đấu tranh theo Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng tại đất Tam Kỳ, Nguyễn Xuân Cúc đã làm nên một sự kiện mang dấu ấn lịch sử tại quê nhà. Với vai trò Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy phụ trách xây dựng phong trào, từ căn cứ địa của huyện ở tận phía tây nam Tam Kỳ, ông lần theo đường núi ra phía tây bắc Tam Kỳ móc nối lại các cơ sở cũ ở Phước Tân (Tiên Phong) – Tiên Phước, Kỳ Long (Tam Dân) – Tam Kỳ. Vào đêm 19/12/1960, Nguyễn Xuân Cúc cùng các đồng chí cơ sở bí mật vác tre lên núi Dương Bút dựng cột, treo cờ cách mạng. Sự xuất hiện cờ cách mạng trên đỉnh núi cao kia là lời hiệu triệu, báo hiệu cho nhân dân toàn vùng biết rằng: cách mạng vẫn tồn tại, cách mạng đã về, cách mạng đã có mặt tại vùng đất Tam Kỳ. Sự kiện lịch sử đó đã khơi dậy lòng tin của nhân dân Tam Kỳ hướng về Đảng, tin tưởng vào thắng lợi ngày mai.
Cũng trong giai đoạn này, lực lượng bộ đội, du kích của tỉnh Quảng Nam, của huyện Tam Kỳ và ở các xã hình thành, bắt đầu vũ trang tiêu diệt những tên ác ôn đầu sỏ, dằn mặt kẻ thù, khơi dậy khí thế quần chúng. Tháng 1/1962 Nguyễn Xuân Cúc cùng Hồ Thanh Vân sau khi nghiên cứu kỹ tình hình, giữa ban ngày bất ngờ đột nhập vào lòng địch, diệt 2 tên ác ôn. Ngày 12/10/1962, Nguyễn Xuân Cúc cùng với Nguyễn Quang Huy nổ súng tiêu diệt 2 tên Đại diện và Xã đội trưởng Kỳ Thịnh. Sau đó, trong năm 1963 ông tổ chức nhiều cuộc vũ trang, đột nhập Hội đồng xã Kỳ Long, Kỳ Thịnh, những địa điểm thường tập trung bọn ngụy quân ngụy quyền thôn xã, bắt sống và tiêu diệt nhiều tên, chuẩn bị cơ sở cho công cuộc phát động quần chúng nổi dậy giải phóng quê hương.
Cùng với việc chỉ đạo kiên quyết diệt ác phá kèm, Nguyễn Xuân Cúc luôn chú trọng công tác binh địch vận. Là người địa phương, am hiểu rõ tình hình địch ta, ông cho người móc nối với Phan Chút – Trung đội trưởng Trung đội dân vệ xã Kỳ Long và Nguyễn Tấn – Trung đội trưởng Trung đội dân vệ xã Kỳ Thịnh làm cơ sở nội ứng ngay từ những năm 1962 – 1963. Hai người này đã ấp ủ trong lòng tư tưởng “súng Mỹ lòng ta” để mãi đến ngày 27/7/1964, giữa thời cơ đồng khởi, Nguyễn Tấn chỉ huy Trung đội dân vệ nổi dậy làm binh biến, giải phóng các thôn Tam Cẩm, Ao Lầy. Tiếp đến ngày 20/11/1964, Phan Chút chỉ huy Trung đội dân vệ mang toàn bộ vũ khí quay về với cách mạng, tham gia du kích đánh giặc giữ làng. Đây là 2 cuộc binh biến điển hình nhất trong giai đoạn đồng khởi 1964 – 1965 trên địa bàn Tam Kỳ, Quảng Nam, do Nguyễn Xuân Cúc gieo mầm cách mạng trong lòng địch từ những năm trước.
Tháng 9/1963, sau khi Quảng Nam – Đà Nẵng chia tách thành 2 tỉnh: Quảng Nam, Quảng Đà, Nguyễn Xuân Cúc được điều động về làm Trưởng ban Giao bưu tỉnh Quảng Nam. Với khả năng xây dựng lực lượng được tích lũy qua trường cách mạng từ không đến có, Nguyễn Xuân Cúc đã xây dựng hệ thống giao liên bí mật trong vùng địch, công khai trong vùng giải phóng…, thông suốt từ đồng bằng, miền biển đến căn cứ địa Trường Sơn, từ cơ sở đến các cơ quan lãnh đạo đầu não của tỉnh. Dưới sự chỉ đạo của ông các phương tiện điện đài luôn được chú trọng phát triển, đáp ứng yêu cầu thông tin cấp bách thời chiến.
Năm 1969, giữa lúc chiến tranh đang ở đỉnh điểm ác liệt, bộ đội, cán bộ của ta gặp nhiều khó khăn về nguồn cung cấp lương thực, Tỉnh ủy điều Nguyễn Xuân Cúc sang ngành lương thực để chỉ đạo việc mở các cửa khẩu xuống đồng bằng, đưa lương thực về chiến khu…
Sau ngày hòa bình Nguyễn Xuân Cúc tiếp tục công tác, đến năm 1986 về hưu ở tuổi sáu mươi và đã qua đời ở tuổi 63 tại nhà riêng ở một xóm lẻ thuộc phường An Mỹ, Tam Kỳ.
Trong suốt dọc dài trên những chặng đường công tác gian nguy, Nguyễn Xuân Cúc đã rèn luyện, chất chứa trong mình một phẩm chất kiên trung, một khí chất anh hùng vì Đảng vì dân, là một chiến sĩ cách mạng luôn có mặt ở những nơi, những thời điểm khó khăn nhất. Ở đất Tam Kỳ và Phú Ninh, hầu như những người kháng chiến cũ đều nghe, đều biết đến Nguyễn Xuân Cúc như một anh hùng. Ông mãi là tấm gương vì nước vì dân cho các thế hệ trẻ trên quê hương Phú Ninh và Tam Kỳ noi theo.