Mục tiêu của anh là đến thăm tất cả quốc gia trên thế giới mà không cần bay.
10 năm đi 203 quốc gia/điểm đến
Pedersen, 44 tuổi, đặt ra ba quy tắc cơ bản cho chính mình: dành ít nhất 24 giờ ở mỗi quốc gia, sống với khoảng 20 đô la Mỹ một ngày và không trở về nhà cho đến khi kết thúc hành trình.
Ngày 24.5 vừa qua, sau gần 10 năm du hành, Pedersen đã tới quốc gia/điểm đến thứ 203 và nước cuối cùng của chuyến đi là Maldives. Từ đây, anh bắt đầu trở về quê hương Đan Mạch.
Tuy nhiên, anh cũng không bay mà lên tàu container MV Milan Maersk cho chuyến đi kéo dài 33 ngày.
Vào 26.7, Pedersen xuống cầu tàu ở cảng Aarhus, trên bờ biển phía đông của Đan Mạch, nơi có khoảng 150 người đang chờ anh để ăn mừng.
Trong số đám đông cổ vũ có Le, vợ anh. Pedersen đã cầu hôn bạn gái trên đỉnh Mt Kenya vào năm 2016 và kết hôn vào năm 2022 khi đang trong cuộc hành trình…
Trước khi lên đường vào năm 2013, Pedersen làm việc trong lĩnh vực vận chuyển và hậu cần. Trên thực tế, anh đã không thay đổi nhiều so với kế hoạch ban đầu của mình, ngoài một vài điều bất ngờ. Chẳng hạn, anh gần như bỏ cuộc khi xin thị thực vào Guinea Xích đạo, một trong những quốc gia khó tiếp cận nhất thế giới, sau bốn tháng và nhiều lần thất bại mới thành công.
Hay trường hợp khác, Pedersen nghĩ rằng có thể xin được thị thực Trung Quốc ở biên giới với Mông Cổ và sau đó đến Pakistan. Tuy nhiên, do thời gian xét duyệt lâu, anh phải quay lại gần 17.500 km qua nhiều quốc gia để đến Pakistan trước khi thị thực hết hạn.
Trong khi đó, thời gian bắt đầu tăng lên ngoài dự tính. Ban đầu, anh tính toán sẽ mất 4 năm để tới 203 quốc gia/điểm đến (Liên Hiệp Quốc công nhận 195 quốc gia có chủ quyền) nhưng lại kéo dài tới 10 năm.
Trong những năm rong ruổi trên đường, Pedersen đã phải chịu đựng sự chậm trễ thị thực kéo dài hàng tháng ở những nơi như Syria, Iran, Nauru và Angola.
Anh ấy cũng đã vượt qua cơn sốt rét não nghiêm trọng ở Ghana, sống sót sau một cơn bão dữ dội kéo dài 4 ngày khi băng qua Đại Tây Dương từ Iceland đến Canada, chuyển hướng khi các biên giới đất liền bị đóng cửa trong những khu vực xung đột và phải dời lại nhiều chuyến đi do tàu bị hỏng hoặc bản thân kiệt sức, hay tệ nạn quan liêu.
Tuy nhiên, chẳng có sự chậm trễ nào bằng đại dịch Covid-19 khi anh mắc kẹt ở Hồng Kông trong hai năm ở thời điểm chỉ còn 9 quốc gia nữa là hết hành trình.
Ngày 5.1.2022, đại dịch kết thúc và Pedersen rời Hồng Kông, tiếp tục băng qua Thái Bình Dương. Phải mất 6 tháng chờ đợi chính phủ Palau mới cho phép anh đến bằng tàu container. Sau đó anh trở lại Hồng Kông và một tháng sau đến Úc, rồi New Zealand, Samoa, Tonga, Vanuatu.
Ở Vanuatu, nơi anh gặp hôn thê là Le và làm lễ kết hôn ở hòn đảo này. Bốn quốc gia cuối cùng trên hành trình của anh gồm: Tuvalu, Fiji, Singapore và Maldives.
9 vòng trái đất và bài học tình người
Từ đầu đến cuối, Pedersen đã thống kê những con số đáng kinh ngạc trong chuyến du hành của mình: 3.576 ngày, 379 tàu container, 158 chuyến tàu, 351 xe buýt, 219 taxi, 33 thuyền và 43 xe kéo.
Anh ấy đã vượt qua 223.000 dặm, tương đương với 9 vòng trái đất, chưa kể hành trình dài về nhà.
Nhưng chuyến đi không phải hoàn toàn là những con số. Hơn hết là tôn vinh lòng tốt của mọi người và chia sẻ cách nhìn tích cực về thế giới.
“Tôi bắt đầu cuộc hành trình này với phương châm, ‘Một người lạ là một người bạn chưa từng gặp trước đây’ và tôi đã hết lần này đến lần khác chứng minh rằng điều này đúng”, anh chia sẻ.
Pedersen nói rằng, anh đã gặp những người ấm áp, thân thiện, hay giúp đỡ trên khắp thế giới, nhiều người trong số họ đã mời anh uống trà, ăn tối, hỗ trợ dịch thuật hoặc chỉ đơn giản là chỉ đường.
“Tôi đã ở trong nhà của rất nhiều người lạ trong suốt chuyến đi của mình và tôi đã đi qua mọi quốc gia trên thế giới – những quốc gia có xung đột vũ trang, những quốc gia có dịch bệnh bùng phát – mà không hề hấn gì. Hoặc tôi là người đàn ông may mắn nhất hành tinh, hoặc thế giới đang tốt đẹp hơn nhiều so với những tin tức đáng sợ, kịch tính trên mạng xã hội và các kênh tin tức”, anh nói.
Chuyến đi cuối cùng của anh trên con tàu container MV Milan Maersk xuyên Ấn Độ Dương đến biển Đỏ, qua kênh đào Suez, vào Địa Trung Hải, lên kênh English, qua Đức và cuối cùng Đan Mạch.
Sau khi có thời gian nghỉ ngơi và lấy lại thăng bằng, Pedersen dự định tiến về phía trước theo những cách khác. Trước mắt, anh mong muốn được dành nhiều thời gian hơn cho vợ và cùng nhau xây dựng gia đình.
Pedersen cũng đang hợp tác với nhà làm phim người Canada Mike Douglas để thực hiện “Hành trình bất khả thi”, một bộ phim tài liệu và dự định viết một cuốn sách về chuyến đi.