Ngưng thi hành quy định “cấm cho vay”
Ngày 28/6/2023, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) ban hành Thông tư số 06/2023/TT-NHNN, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/9/2023. Tuy nhiên, doanh nghiệp cho rằng Thông tư 06 có những điều khoản như khoản 8, khoản 9 và khoản 10 Điều 8 tạo “rào cản” dòng tiền vào doanh nghiệp.
Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) cho rằng những điều khoản này dẫn đến tình trạng một số doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực của nền kinh tế có nhu cầu vay vốn, trong đó có các doanh nghiệp bất động sản, người mua nhà, nhà đầu tư bất động sản sẽ rất khó tiếp cận được tín dụng, mà việc tiếp cận vốn tín dụng là “phao cứu sinh” để vượt qua khó khăn hiện nay, bởi lẽ thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang rất khó khăn, trong lúc doanh nghiệp bất động sản cũng chưa thể huy động được nguồn vốn từ khách hàng do dự án bị vướng mắc pháp lý nên chưa thể triển khai, thực hiện.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẩn trương rà soát, sửa đổi Thông tư số 06/2023/TT-NHNN theo hướng ngưng hiệu lực thi hành các quy định gây khó khăn, hoàn thành trong ngày 25/8/2023 nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn tín dụng.
Ngày 23/8, Ngân hàng Nhà nước cho biết trong bối cảnh nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, để ưu tiên hơn nữa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 10/2023/TT-NHNN ngày 23/08/2023 ngưng hiệu lực thi hành khoản 8, khoản 9 và khoản 10 Điều 8 của Thông tư số 39/2016/TT-NHNN (đã được bổ sung theo khoản 2 Điều 1 Thông tư số 06/2023/TT-NHNN) từ ngày 01 tháng 9 năm 2023 cho đến ngày có hiệu lực thi hành của văn bản quy phạm pháp luật mới quy định về các vấn đề này.
Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan để nghiên cứu, xem xét các giải pháp phù hợp nhằm kiểm soát rủi ro, đảm bảo an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp.
Bất động sản, xây dựng kiếm đậm
Khi các quy định này ngưng lại, bất động sản, xây dựng được cho là những ngành được hưởng lợi nhiều nhất. Trong phiên chứng khoán 24/8, cổ phiếu bất động sản đồng loạt tăng trần dù có mã đầu phiên giảm nhẹ.
Đóng cửa phiên chứng khoán 24/8, cổ phiếu DIG của Tổng Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng tăng trần, tăng 1.750 đồng/CP lên 26.900 đồng/CP. Đáng chú ý, hồi đầu phiên, DIG giảm nhẹ xuống 25.100 đồng/CP. Vốn hóa thị trường DIG có thêm 1.067 tỷ đồng.
Hai cổ phiếu “họ” Đất Xanh cũng chốt phiên chứng khoán 24/8 trong sắc tím. DXG tăng 1.300 đồng/CP lên 20.200 đồng/CP. DXS tăng 700 đồng/CP lên 10.800 đồng/CP.
Cổ phiếu HBC của Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình khi tăng trần và thị giá tìm lại mốc 10.000 đồng/CP. Đóng cửa phiên chứng khoán 24/8, HBC tăng 680 đồng/CP lên 10.400 đồng/CP.
Cổ phiếu HTN của Công ty Cổ phần Hưng Thịnh Incons cũng may mắn khi tăng trần cuối phiên dù đầu phiên giao dịch trong sắc đỏ. HTN tăng 1.200 đồng/CP lên 19.050 đồng/CP.
Một vài mã khác cũng chốt phiên trong sắc tím có thể kể đến như SJS, ITC, L61.
Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn thuộc ngành bất động sản không tăng trần nhưng cũng cải thiện khá mạnh, từ đó góp phần giúp VN-Index sớm lấy lại được sắc xanh.
Chốt phiên 24/8, VHM tăng 900 đồng/CP, tương đương 1,7% lên 55.400 đồng/CP, VRE tăng 300 đồng/CP, tương đương 1% lên 29.050 đồng/CP. Vốn hóa thị trường Vinhomes và Vincom Retail có thêm 3.919 tỷ đồng và 699 tỷ đồng.
Trên sàn Hà Nội, cổ phiếu bất động sản vốn hóa lớn có công lớn trong việc giúp HNX30-Index có tốc độ tăng mạnh nhất thị trường châu Á – Thái Bình Dương.
CEO tăng 2.100 đồng/CP, tương đương 8,8% lên 26.100 đồng/CP; L14 tăng 3.100 đồng/CP, tương đương 5,9% lên 55.900 đồng/CP; HUT tăng 1.000 đồng/CP, tương đương 4,2% lên 24.900 đồng/CP; L18 tăng 1.400 đồng/CP, tương đương 3,7% lên 39.000 đồng/CP,….