Trước đó, bệnh nhân (BN) này đến BV trong tình trạng sốt, chóng mặt, nôn, ngứa khắp người; có tình trạng tê cứng, mẩn đỏ và phát ban ở da. BN cho biết trước đó anh có ăn gỏi cá. Khi có biểu hiện ngứa nhiều khắp người, BN gãi đến trầy xước da, bội nhiễm, gây áp xe mủ trên da.
Tại BV Bệnh nhiệt đới T.Ư, qua thăm khám, bác sĩ Lê Văn Thiệu phát hiện BN có nhiều tổn thương ban đỏ rải rác toàn thân dạng nấm hắc lào gây nên. Đặc biệt vùng da mặt, dưới cánh tay và dưới đùi 2 bên có hình ảnh ký sinh trùng di chuyển dưới da (ảnh). Trong đó vùng đùi 2 bên có ổ áp xe đã vỡ. Vùng dưới cẳng tay có biểu hiện viêm mủ, lộ đầu giun.
BN đã được xử lý và lấy được bệnh phẩm ký sinh trùng là con giun dài khoảng 30 cm. Kết quả xét nghiệm và khám lâm sàng xác định BN nhiễm dracunculus sp (giun rồng). Ngoài ra, các xét nghiệm huyết thanh còn cho kết quả BN dương tính với nhiều loại giun sán khác như: sán máng, sán dây chó, sán lợn, giun lươn, giun đũa chó mèo.
Hiện BN được theo dõi các tổn thương trên cơ thể. Với tình huống tổn thương vỡ, có thể giun sẽ chui ra, nhân viên y tế có thể lấy dụng cụ kẹp lôi giun ra.
Bác sĩ Thiệu cho hay, cách điều trị duy nhất hiện nay là lấy giun rồng ra, hoặc giun sẽ tự chui ra từ những tổn thương như mụn vỡ chảy nước trên da. Nếu giun không tự chui ra hoặc không được lôi ra, nó có thể gây áp xe tại chỗ trú trên cơ thể người. Hiện chưa có vắc xin và thuốc điều trị bệnh giun rồng mà chỉ có thể điều trị theo triệu chứng.
Nguồn: https://thanhnien.vn/ngua-va-ap-xe-do-nhiem-ky-sinh-trung-185240724180444988.htm