Thay vì săn vé xe trước cả tháng, vật lộn nửa ngày trên ôtô mới đến nhà, Trần Du quyết định ở lại Hà Nội để ngủ suốt 5 ngày nghỉ lễ 30/4 năm nay.
Mỗi năm, chàng trai 25 tuổi quê Nghệ An có ba dịp về quê thăm bố mẹ, thường là dịp 30/4-1/5, Quốc khánh và Tết Nguyên đán. Chuyến đi nào cũng khiến Du mệt lử, gần như kiệt sức.
Năm nay anh quyết định ở lại Hà Nội tham gia thử thách “Ngủ 5 ngày 5 đêm xuyên lễ” trên mạng xã hội. Du nói “bắt trend” chỉ là đùa vui nhưng mong muốn lớn nhất của anh đúng là được nghỉ ngơi trọn vẹn, tách biệt đám đông, tránh cảnh nhồi nhét trên xe.
Quyết định của Du được bố mẹ ủng hộ, chỉ họ hàng phàn nàn, nói anh “sống phóng khoáng, không quan tâm đến gia đình”.
Hoàng Linh, 30 tuổi, nhân viên truyền thông tại Hà Nội cũng không về quê ở Nam Định đợt nghỉ lễ 5 ngày này. Chỗ làm cách nhà chỉ hơn 100 km, cô thường đi xe đêm hoặc lùi giờ sang hôm sau để tránh tắc đường.
Muốn về nhà nghỉ ngơi, tránh xa công việc nhưng liên tục đối diện với những câu hỏi khó chịu như Bao giờ lấy chồng? Lương thưởng bao nhiêu? Sắp mua nhà Hà Nội chưa?… cũng khiến Linh mệt mỏi. Đây cũng là lý do khiến cô quyết định dùng 5 ngày nghỉ lễ để ngủ. “Đã rất lâu tôi không được ngủ đủ 8 tiếng mỗi ngày hay thư thái xem trọn vẹn một bộ phim yêu thích”, Linh nói.
Không chỉ người trẻ, nhiều gia đình cũng chọn ở nhà trong dịp lễ.
Năm nay vợ chồng chị Thúy Hà, 40 tuổi ở quận 3, TP HCM cùng hai con chọn “nghỉ dưỡng tại gia” bởi chưa hết ám ảnh với cảnh ùn tắc khắp các ngả đường, giá vé máy bay và phòng khách sạn đắt đỏ.
Kỳ nghỉ Quốc khánh năm ngoái, gia đình chị đi nghỉ ở đảo Cát Bà, Hải Phòng. Ngoài 4-5 tiếng chờ được xuống phà, 45 phút lênh đênh trên biển, cả gia đình mất gần hai tiếng để nhích từng bước đến khách sạn. Thậm chí họ phải tranh thủ ra tắm biển lúc sáng sớm và tối muộn để bớt người, tránh lạc con.
“Đi du lịch mà còn hơn đi hành xác”, chị Hà kể. Người này cũng định đến các điểm du lịch quanh thành phố, nhưng nhiệt độ ban ngày ở TP HCM đều trên 40 độ, không muốn các con sốc nhiệt nên chọn ở nhà bật điều hòa.
Số người chọn ở lại thành phố nghỉ ngơi thay vì về quê hay đi du lịch như Trần Du, Hoàng Linh và gia đình Thúy Hà không ít. Khảo sát gần 4.000 người của VnExpress hôm 22/4 với câu hỏi “Bạn làm gì trong 5 ngày nghỉ lễ 30/4?”, 62% nói “nghỉ ngơi ở nhà”.
Còn trên mạng xã hội, thử thách “Ngủ 5 ngày 5 đêm trong kỳ nghỉ 30/4-1/5” thu hút hàng nghìn người quan tâm. Nhiều bài viết liên quan nhận hàng chục nghìn lượt yêu thích, bình luận. Dưới các bài bài đăng, không ít người khẳng định sẽ “nghiêm túc thực hiện”.
Chuyên gia tâm lý Trần Hương Thảo (TP HCM) cho rằng quyết định ở lại thành phố thay vì về quê hoặc đi du lịch của nhiều người là phù hợp với hoàn cảnh thực tế bởi các lý do như tình trạng ùn tắc giao thông, giá vé tàu xe dịp lễ cao, cảnh đông đúc tại các điểm du lịch. Kỳ nghỉ năm nay rơi vào đợt nắng nóng diện rộng cũng khiến nhiều người ngại di chuyển.
“Và quan trọng nhất khi thu nhập giảm, thất nghiệp tăng, việc cắt giảm chi tiêu và chọn các phương thức nghỉ ngơi giá rẻ, khiến bản thân thoải mái được ưu tiên”, chuyên gia nói.
Trong một số trường hợp, các cá nhân có thể chọn ở nhà hoặc trải nghiệm xu hướng staycation (nghỉ dưỡng trong thành phố). Như Trần Du, trọ ở quận Ba Đình, Hà Nội, nhưng vừa có lịch được nghỉ năm ngày anh đặt ngay một homestay ở cạnh Hồ Tây giá 200.000 đồng một đêm. Mức giá này theo anh chỉ bằng một nửa vé xe về quê nhưng được hưởng các dịch vụ tốt nhất.
Còn với chị Thúy Hà, thay vì chi 40-50 triệu đồng cho bốn người đi du lịch, chị nói ở nhà chỉ tốn 1/10. Mỗi ngày, các thành viên sẽ cùng trồng cây, dọn dẹp và nấu cơm. Đến tối, họ có thể mời bạn bè qua nhà chơi thay vì trầy trật dưới cái nóng thiêu đốt.
Ngoài các lý do đông đúc, vật giá leo thang, nhiều người chọn ở lại thành phố vì muốn ngủ bù. Từng trả lời trên VnExpress, GS.TS Lê Văn Thành, nguyên trưởng bộ môn thần kinh, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP HCM), cho biết số người trẻ gặp các vấn đề về rối loạn giấc ngủ có xu hướng gia tăng nhanh khoảng vài năm trở lại đây. Việc thiếu ngủ thường do gặp các vấn đề xã hội như áp lực công việc, chế độ sinh hoạt không điều độ, thời gian sử dụng máy tính nhiều.
Hãng nghiên cứu thị trường Wakefield Research công bố kết quả khảo sát ở 8 quốc gia, ghi nhận khoảng 37% người trẻ Việt bị mất ngủ, 73% thừa nhận gặp tình trạng căng thẳng (stress) do rối loạn giấc ngủ. Đáng chú ý, 79% người tham gia khảo sát nói không có thời gian nghỉ ngơi mỗi ngày và trung bình mỗi nhân viên văn phòng dành 10 ngày một năm chỉ để ngủ bù.
Với một nhân viên truyền thông cho doanh nghiệp như Hoàng Linh, có một ngày nghỉ ngơi đúng nghĩa là điều xa xỉ. Từ khi đi làm, các ngày trong tuần cô đều gặp gỡ đối tác, tham gia giám sát dự án quảng cáo. Đến cuối tuần lại tăng ca, đi công tác và liên tục nhận việc của cấp trên bất kể giờ giấc. Mỗi ngày Linh chỉ ngủ 4-5 tiếng. “Với tôi ngủ là cách chữa lành hiệu quả nhất”, Linh nói.
Trước một số ý kiến cho rằng việc người trẻ dần xa cách gia đình, quan tâm đến bản thân hơn gia đình khi chọn nghỉ ngơi thay vì đoàn tụ, chuyên gia Hương Thảo cho rằng đó là quan điểm sai lệch. “Còn rất nhiều dịp để gặp gỡ, không nhất thiết phải đoàn tụ đúng kỳ nghỉ, vừa tốn tiền lại chuốc mệt mỏi”, chuyên gia nói.
Làm việc ở TP HCM, Nhật Hà quê Hà Nội nói năm nào cũng đợi hết lễ mới xin nghỉ phép về bù. “Có đợt cố về đúng lễ để cả gia đình cùng sum họp nhưng tôi ốm cả tháng sau đó bởi sức khỏe yếu”, Hà nói.
Từ đó đến nay cô gái 25 tuổi đều ở lại thành phố đúng dịp lễ, tận hưởng cảm giác một mình một đường, tránh cảnh bon chen.
Thanh Nga – Quỳnh Nguyễn