Trong một nghiên cứu chuyên sâu về mối liên hệ giữa giấc ngủ trưa và các vấn đề chuyển hóa của cơ thể được công bố trên tạp chí khoa học Obesity (Béo phì) mới đây, nhóm nhà khoa học Tây Ban Nha phát hiện ra rằng thời lượng giấc ngủ có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của chúng ta, theo đài Euronews.
Cụ thể, nghiên cứu được tiến hành trên hơn 3.000 người Tây Ban Nha đã chỉ ra rằng những người thường xuyên có giấc ngủ trưa dài hơn 30 phút thường có chỉ số khối cơ thể (BMI) cao hơn 2% so với những người không ngủ.
Ngoài ra, những người thường xuyên có giấc ngủ trưa dài hơn 30 phút cũng có nguy cơ béo phì cao hơn 23% và nguy cơ mắc hội chứng chuyển hóa (làm tăng nguy cơ phát triển bệnh tim mạch) cao hơn 40% so với nhóm không ngủ.
Dữ liệu sức khỏe của nhóm người tham gia có thời gian ngủ trưa ngắn hơn 30 phút lại cho thấy khả năng giảm đến 21% nguy cơ hình thành bệnh cao huyết áp.
Đại diện nhóm tác giả nghiên cứu, Giáo sư Marta Garaulet – chuyên gia sinh lý học tại Đại học Murcia (Tây Ban Nha), đồng thời là giảng viên thỉnh giảng của Đại học Harvard (Mỹ), cho biết giấc ngủ trưa với thời lượng dưới 30 phút cho thấy khả năng bảo vệ sức khỏe tốt hơn so với việc ngủ quá nhiều.
Giáo sư Garaulet cũng cho biết ngoài khả năng giảm nguy cơ mắc cao huyết áp, giấc ngủ trưa vừa phải (dưới 30 phút) cũng có thể giúp cải thiện khả năng tập trung, tăng cường sự tỉnh táo và hiệu suất làm việc, học hành.