Những ngày đầu năm Giáp Thìn 2024, cảng cá Hòn Rớ, Nha Trang (Khánh Hòa), tại cảng cá Sa Kỳ (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi), cảng Tịnh Kỳ (xã Tịnh Kỳ, TP. Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) nhộn nhịp trở lại khi mỗi ngày đón hàng chục ghe thuyền khai thác xa bờ cập bến tôm cá đầy khoang. Những chuyến “lộc biển” đầu xuân này đánh dấu khởi đầu hanh thông của ngư dân vùng biển.
Luật Biên phòng Việt Nam giúp ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển
|
Bảo đảm sinh kế cho ngư dân Việt Nam và nguồn cung cho thị trường EU
|
Ngư dân Khánh Hòa: mỗi chuyến đi thu 2-8 tấn cá các loại
Tính từ ngày 1/2 -19/2/2024, tại cảng cá Hòn Rớ ghi nhận 60 lượt tàu cá xuất bến và 68 lượt tàu vào cảng bốc dỡ cá. Hầu hết các tàu này đều khai thác xa bờ gồm tàu câu, tàu lưới vây, lưới rút, mành chụp… Ngư trường rộng lớn, nhất là đối với nghề câu cá ngừ đại dương trải dài từ vùng biển Trường Sa đến khu vực biển Tây Nam. Sản lượng trung bình tàu lưới rê vào khoảng 6-8 tấn cá các loại, còn tàu câu đạt 1,6-2 tấn cá ngừ đại dương sau mỗi chuyến đi. Năm nay, do điều kiện thời tiết, khí tượng thuỷ văn những tháng gần đây thuận lợi, cùng với sức tiêu thụ hải sản có chiều hướng tăng nên ngư dân rất tích cực tham gia khai thác.
Thu mua cá ngừ đại dương tại cảng cá Hòn Rớ, Nha Trang, Khánh Hòa. Ảnh: Báo Hải quân |
Hiện toàn tỉnh Khánh Hoà có gần 3.200 ghe, tàu các loại, trong đó có hơn 665 chiếc đủ tiêu chuẩn khai thác xa bờ (khai thác cá ngừ chiếm 71%). Đây là lực lượng không nhỏ góp phần vào bảo vệ chủ quyền biển, đảo và phát triển kinh tế biển của địa phương.
Anh Nguyễn Biện Xuân Trầm, 40 tuổi (phường Vĩnh Trường, TP. Nha Trang), chủ tàu cá KH 95427 TS đang cùng các thuyền viên sắp xếp lại hệ thống lưới đánh cá, chuẩn bị cho chuyến đi biển chiều nay. Anh chia sẻ: Tàu có 10 thuyền viên làm việc, đủ tiêu chuẩn khai thác xa bờ nhưng mấy ngày đầu năm mới, anh em chủ yếu ở khu vực gần bờ, mùa này thời tiết tương đối thuận lợi, lượng cá khai thác được trong ngày khá đều đặn, vào khoảng trên dưới 1tấn/ngày, chủ yếu là các loại cá nhỏ và vừa, nhiều nhất là cá sọc dưa cỡ từ 1-1,5kg/con, cũng chỉ đủ cung cấp cho chợ dân sinh đầu mối phường Vĩnh Trường.
Theo số liệu của UBND tỉnh Khánh Hòa, trong tháng 1/2024, tổng sản lượng thủy sản toàn tỉnh đạt gần 8.200 tấn, tăng 1,9% so với cùng kỳ năm trước. Có được sự tăng trưởng này một phần là do thời tiết thuận lợi. Mặt khác, vào dịp Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu thụ hải sản tăng cao nên nhiều ngư dân tích cực vươn khơi, bám biển, nhờ đó, sản lượng thủy sản khai thác trong toàn tỉnh tăng so với cùng kỳ năm trước. Dấu hiệu tăng trưởng đáng mừng của những ngày đầu năm mới báo hiệu một năm thuận lợi của ngư dân Khánh Hoà, góp phần phát triển kinh tế biển bền vững.
Ngư dân Quảng Ngãi trúng đậm mẻ cá cơm
Tại cảng cá Sa Kỳ (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn), cảng Tịnh Kỳ (xã Tịnh Kỳ, TP. Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi), hầu hết tàu đều bội thu do gặp nhiều luồng cá cơm.
Theo các ngư dân ở Tịnh Kỳ, khoảng 16h, các tàu đánh bắt cá cơm sẽ nổ máy vươn khơi cách bờ khoảng 12- 15 hải lý. Trung bình sau một đêm, mỗi tàu khai thác được 7 – 10 tấn cá cơm, cá biệt có tàu trúng gần 20 tấn. Với giá từ 10.000 đồng – 20.000 đồng/kg, tùy vào chất lượng cá mà mỗi tàu thu về từ vài chục triệu đến cả trăm triệu đồng.
Được mùa cá cơm, giá bán cũng ổn định, khiến ngư dân rất phấn khởi. Ảnh: Báo Tiền phong |
Ngư dân Trương Thanh An (trú xã Tịnh Kỳ) cho biết, sau một đêm ra khơi, anh cùng 5 thuyền viên khác khai thác được 8 tấn cá cơm. Với giá cá như hiện tại, sau khi trừ các khoản chi phí mỗi thuyền viên được chia từ 3-4 triệu đồng. “Tuy nhiên nghề đánh bắt cá cơm rất vất vả, bởi ngư dân phải làm việc trắng đêm, nhưng bù lại lợi nhuận cao, nên ngư dân rất phấn khởi”, anh An nói.Hay ngư dân Trương Đình Thành – chủ tàu cá QNg 96299 TS – trúng luồng cá cơm khi đánh bắt cách đảo Lý Sơn khoảng 2 hải lý. Tàu của ông thu lưới được 17 tấn cá cơm, bán ra thu về gần 200 triệu đồng.
Phần lớn cá cơm sau khi được đánh bắt sẽ được các cơ sở hấp cá trong và ngoài địa phương thu mua để làm cá cơm khô.Trung bình một ngày, mỗi lao động ở đây có thu nhập từ 100-300 ngàn đồng.