Nhiều người sau khi cầm nắm một đồ dùng, đồ vật quá lâu khiến khớp ngón tay co lại, khó duỗi thẳng, nhức mỏi. Theo các bác sĩ, biểu hiện này nếu kéo dài có thể dẫn đến tình trạng ngón tay lò xo, gây khó khăn trong sinh hoạt hằng ngày.
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Dung, khoa tâm thần kinh, Bệnh viện Việt Nam Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh), ngón tay lò xo là tình trạng viêm bao gân của các gân gấp các ngón tay gây chít hẹp bao gân.
Khi gân gấp bị viêm có thể xuất hiện hạt xơ, làm di động của gân gấp qua vị trí hạt xơ bị cản trở, các động tác gấp hay duỗi ngón tay khó khăn hơn, hoặc đau nhức. Người bệnh phải cố gắng mới bật được ngón tay ra hoặc phải dùng tay bên lành kéo ngón tay ra như kiểu ngón tay có lò xo.
Có rất nhiều yếu tố nguy cơ gây nên bệnh lý ngón tay lò xo như do bệnh nghề nghiệp. Những người hoạt động bàn tay nhiều, thường xuyên làm việc có sự tỳ đè vào vị trí các gân gấp nhiều lần như giáo viên, thợ cắt tóc, bác sĩ phẫu thuật, thợ thủ công, nhân viên đánh máy, đầu bếp…
Hoặc do hậu quả của một số bệnh lý như đái tháo đường, viêm khớp dạng thấp, gout, lupus…có nguy cơ tổn thương viêm gân gấp cao hơn bình thường.
Ngoài ra, chấn thương cũng là một trong những nguyên nhân gây bệnh.
Những biểu hiện của bệnh có thể gặp như đau ở lòng bàn tay vị trí các gốc ngón tay, có thể sưng nhẹ, ấn đau chói, đau tăng khi gập ngón tay…
Trường hợp bệnh lâu ngày dẫn đến xơ hóa gân gấp khiến khó cử động ngón tay, ngón tay có thể bị kẹt ở tư thế gấp vào lòng bàn tay (tư thế cò súng) hoặc duỗi thẳng.
Khi siêu âm tại vị trí tổn thương có thể thấy gân gấp ngón tay dày lên và có dịch bao quanh. Khi đó người bệnh sẽ được làm xét nghiệm máu đánh giá tình trạng viêm.
Theo bác sĩ Dung, hiện có nhiều phương pháp điều trị bệnh như dùng thuốc chống viêm, giảm đau, tiêm corticoid tại chỗ, kết hợp với các phương pháp trong y học cổ truyền hoặc vật lý trị liệu, can thiệp ngoại khoa giải phóng bao gân trong trường hợp gân xơ hóa nặng.
“Bên cạnh đó, cần tích cực dự phòng mắc bệnh ngón tay lò xo bằng một chế độ lao động, nghỉ ngơi sinh hoạt hợp lý. Có thể kết hợp với dùng thuốc, vật lý trị liệu và phục hồi chức năng”, bác sĩ Dung khuyến cáo.
Bài tập trị liệu cải thiện vận động ngón tay
Các bác sĩ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cũng khuyến cáo có thể áp dụng các biện pháp không dùng thuốc như chườm lạnh để giảm đau, giảm viêm. Hạn chế vận động ngón tay bị bệnh. Có thể dùng nẹp để hỗ trợ ngón tay bị bệnh, giữ cho ngón tay này luôn thẳng.
Hoặc có thể áp dụng một số bài tập trị liệu để cải thiện khả năng vận động của ngón tay. Các bài tập kéo giãn được đánh giá là đơn giản, dễ thực hiện và có thể mang lại hiệu quả cao.
– Bài 1: Chụm các đầu ngón tay đến ngón tay cái tạo thành hình chữ O. Giữ tư thế này trong 5 giây, sau đó duỗi thẳng các ngón tay. Lặp lại động tác này 5 lần.
– Bài 2: Đặt bàn tay lên một mặt phẳng, duỗi thẳng các ngón tay, cố gắng mở rộng các ngón tay hết mức có thể. Giữ tư thế này trong 30 giây
– Bài 3: Dùng một dây chun, lồng vào đầu ngón tay, cố gắng duỗi căng các ngón tay, sau đó khép lại rồi lại duỗi ra, lặp lại động tác này 5 lần.
Nguồn: https://tuoitre.vn/ngon-tay-gap-kho-duoi-co-nguy-hiem-khong-20240922135645793.htm