Dân Hà thành chúng tôi thường nói “Ngon như bánh chưng làng Tranh Khúc”, bởi biết rằng bánh chưng dịp tết nhà ai cũng có thể tự làm, nhưng riêng ở Tranh Khúc có hương vị hấp dẫn nổi trội.
Hồi nhỏ, tôi khá sợ bánh chưng vì ngấy, tuổi thơ có lẽ ai cũng thích đồ ngọt hơn. Lớn dần, tôi càng ngày càng thích ăn bánh chưng, loại cỡ nhỏ tôi thường ăn mỗi sáng.
Nguyên liệu quan trọng nhất để làm bánh chưng là gạo nếp, thường là gạo nếp nhung hoặc nếp cái hoa vàng ở Hải Hậu (Nam Định); lá dong lấy lá dong nếp Tràng Cát (H.Thanh Oai) được trồng bằng nước sông Đáy. Đậu xanh nên chọn đậu xanh Gia Lai, tuy hạt không to nhưng béo ngậy và thơm hơn, lên màu vàng óng. Thịt ba rọi sắt miếng to rồi tẩm ướp gia vị.
Đậu xanh và thịt lợn được coi là nhân bánh nên được gói với nhau trước thành từng phên, khi gói chỉ cần đặt từng phên vào trong gạo và gói lại. Tuy nhiên, không lấy đậu bọc kín thịt mà luôn để hở để mỡ chảy ra thấm vào lớp vỏ gạo.
Đặc biệt, người thợ gói chỉ gói bằng tay mà không dùng khuôn, chỉ trong khoảng 30 – 40 giây là có thể gói xong một đồng bánh chưng. Bánh luộc trong khoảng 9 tiếng. Khi vớt bánh, rửa qua nước lạnh cho bánh sạch, lá không bị khô, nhàu lá. Rồi dùng một tấm phên chèn để nước trong vỏ bánh chảy hết ra ngoài khi bánh vẫn còn đang mềm, như vậy bánh sẽ nở đều, các góc chặt, vuông.
Cụ Tỵ bảo tôi rằng, bánh chưng có màu xanh tươi như lá là có bí quyết đấy, nhưng chẳng ngại nói ra đâu. Chỉ là lấy nước lá riềng trộn với gạo, luộc lên bánh chưng sẽ xanh mướt, rền. Hơn nữa, trong lúc luộc phải thêm nước đúng lúc, cách một tiếng cho một lần bánh mới không bị nhão.
Giờ, tôi cứ ước đến rằm và mùng một để được đi mua và thưởng thức bánh chưng Tranh Khúc, mỗi sáng 5.000 đồng một cái bánh chưng là ấm bụng đến trưa. Bánh chưng chấm với mật mía thì khỏi chê, ăn vài bữa thay cơm cũng được.
|
Nguồn: https://thanhnien.vn/ngon-nhu-banh-chung-lang-tranh-khuc-1851105845.htm