1. Là một nhà báo lỗi lạc, người sáng lập nền báo chí cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành mối quan tâm sâu sắc đến việc phát huy sức mạnh to lớn, sắc bén của báo chí, xây dựng và rèn luyện đội ngũ người làm báo để đóng góp đắc lực cho sự nghiệp cách mạng của Đảng. Dưới sự chỉ đạo của Người, Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng được thành lập 4/4/1949 tại chiến khu Việt Bắc là dấu son đặc biệt trong lịch sử báo chí cách mạng nước ta.
Ngày 9/8/2024, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Thái Nguyên tổ chức Lễ khánh thành Di tích Quốc gia Địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng. Có mặt tại buổi lễ từ rất sớm, ông Nguyễn Hồng Vinh – nguyên Tổng biên tập Báo Nhân dân, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam vô cùng xúc động khi gặp hai cha con ông Từ Linh, Từ Lương, thân nhân gia đình của Giáo sư, bác sĩ, nhà báo Từ Giấy – một trong những người thầy dạy đầu tiên của Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng.
Ông Từ Linh có 9 năm làm Tổng Biên tập Tạp chí Khoa học Quân sự. Còn Nhà báo Từ Lương, cháu nội cụ Từ Giấy, hiện là Giám đốc Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại TP.HCM. “Trong một phòng trưng bày truyền thống của Trường daỵ làm báo Huỳnh Thúc Kháng có 3 nhà báo trong một gia đình. “Lớp cha trước lớp con sau/Đã thành đồng chí chung câu quân hành”(Thơ Tố Hữu) – 3 thế hệ làm báo chí cách mạng và song hành cùng đất nước và dân tộc”, ông Hồng Vinh bồi hồi.
Thêm một cuộc gặp gỡ để lại ấn tượng sâu sắc đối với ông Hồng Vinh tại ngôi trường này đó là gặp lại vợ nhà báo Trần Kiên. Bà cũng là học viên của Trường Huỳnh Thúc Kháng, nay đã 95 tuổi không quản đường xá xa xôi lặn lội tới dự Lễ khánh thành. Ông Hồng Vinh chia sẻ, nhà báo Trần Kiên tên khai sinh ở lớp học viết báo là Phạm Văn Thái. Khi tổng kết lớp học ông được vinh danh là học viên xuất sắc.
Sau đó, đồng chí Trần Kiên được bầu giữ chức Bí thư Đảng ủy, Phó Tổng Biên tập thường trực Báo Nhân Dân – tờ báo chính trị lớn nhất của đất nước ta. Khi đồng chí trở thành phóng viên thường trú của Báo Nhân Dân tại Liên Xô, lần nào đi thăm Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa, Bác Hồ đều gọi đi cùng để vừa trao đổi nghề nghiệp, vừa chỉ đạo những ý kiến, bài viết về sự trưởng thành, lớn mạnh của các nước xã hội chủ nghĩa, cũng như mối quan hệ của Việt Nam với các nước anh em. Ngoài đồng chí Trần Kiên còn có chị Lý Thị Trung, sau này nhiều năm làm Tổng Biên tập Báo Phụ Nữ, anh Mai Thanh Hải, Thư ký tòa soạn của Báo Nhân Dân…
“Có thể nói, đó là những “hạt giống đỏ”của báo chí cách mạng, là tấm gương sáng về tinh thần dấn thân, không ngại khó khăn, gian khổ để giới báo chí, nhất là thế hệ trẻ hôm nay học tập và noi theo”, ông Hồng Vinh nhận định.
Một thông tin đáng chú ý được ông Nguyễn Hồng Vinh chia sẻ, địa điểm của Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng cũng là nơi sơ tán của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội trong những năm chống Mỹ cứu nước. “Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã trưởng thành, được kết nạp Đảng trong những năm học đại học ở vùng đất Đại Từ này. Và giới báo chí chúng ta có quyền tự hào về một nhà báo Nguyễn Phú Trọng đã kế tục xuất sắc những chiến sĩ đã được đào tạo tại Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng”, nhà báo Hồng Vinh bày tỏ.
2. Ông Hồ Quang Lợi, nguyên Phó Tổng biên tập Báo Quân đội Nhân dân, nguyên Tổng Biên tập Báo Hànộimới, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, chia sẻ: “Vào dịp kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Trường, khi đó tôi là Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam đã vô cùng xúc động khi đón nhận Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia và Khánh thành Bia Di tích Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng. Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng như một ngọn lửa nghề, từ chiến khu Việt Bắc lan tỏa, chiếu sáng nền báo chí cách mạng Việt Nam”.
Di tích Quốc gia Địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng là điển hình của cách dạy và học nghiêm túc dù trong hoàn cảnh kháng chiến vô cùng khó khăn. 42 học viên và 29 giảng viên thực sự là những hạt nhân của báo chí cách mạng; góp phần to lớn làm nên những trang sử vẻ vang của báo chí nước nhà suốt 75 năm qua.
Thế hệ được đào tạo đầu tiên sau 3 tháng tại Trường đã toả đi các mặt trận trở thành chiến sĩ xung kích trên mặt trận văn hoá tư tưởng của Đảng, góp phần vào chiến thắng vĩ đại của dân tộc Việt Nam. Nhiều tác phẩm báo chí đã thật sự là “lời hịch cách mạng”, “tiếng gọi non sông” thúc giục đồng bào cả nước đoàn kết, đứng lên xóa bỏ xiềng xích nô lệ, đấu tranh giành chính quyền và góp phần làm nên những chiến thắng vang dội. Từ trong máu lửa chiến tranh, lớp lớp các nhà báo xung phong ra trận, ngòi bút của các nhà báo cách mạng đã góp phần to lớn bồi dưỡng, hun đúc lòng yêu nước và tự hào dân tộc. Và điều không tránh khỏi, chiến tranh đã cướp đi sinh mạng của hàng trăm nhà báo quả cảm, sự hi sinh cao cả của họ đã tô thắm thêm trang sử vẻ vang của báo chí cách mạng và của dân tộc.
Vinh dự và tự hào được công tác tại Báo Quân đội nhân dân – một trong những tờ báo cách mạng có lịch sử vẻ vang, ông Hồ Quang Lợi cho biết, ở chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ – lần đầu tiên ở Việt Nam và cũng có thể là lần đầu tiên trên thế giới có một toà soạn được tổ chức ngay tại mặt trận đó là Báo Quân đội nhân dân. “Tại chiến trường Điện Biên Phủ, Báo đã phát hành 33 số báo in đưa vào chiến hào cho bộ đội đọc. Đó là những số báo lịch sử trong một chiến dịch lịch sử- lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu. Báo chí đã có những đóng góp rất tích cực hiệu qủa vào thắng lợi chung của Tổ quốc”, ông Hồ Quang Lợi cho hay.
3. Vinh dự, tự hào và xúc động là cảm xúc của tôi khi được đến thăm và tác nghiệp tại Di tích Quốc gia Địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng. Ngắm nhìn tấm phù điêu là chân dung 48 thành viên Ban Giám hiệu, giảng viên và học viên của Trường như tạc vào thời đại hình tượng bất tử về một thế hệ làm báo hào hùng và vinh quang.
Những bức vách với lời hiệu triệu đầy quyết tâm, cùng hình ảnh những trang báo lịch sử với nụ cười của những người lính cầm bút đã cống hiến hết mình cho công cuộc kháng chiến kiến quốc đã để lại cho tôi và những người có mặt tại buổi Lễ khánh thành ấn tượng vô cùng sâu sắc. Họ – những thanh niên làm báo thời đó đã vượt mọi khó khăn, thách thức trở thành một trong những cánh quân chủ lực, đóng góp trực tiếp vào sự nghiệp đấu tranh cách mạng vẻ vang của dân tộc và trang sử vàng của báo chí cách mạng Việt Nam.
Thế hệ làm báo hôm nay luôn ghi nhớ công ơn cha anh đi trước, tiếp tục là đội quân chủ lực đi đầu trong việc định hướng dư luận xã hội. Nhiều nhà báo bằng tài năng sắc sảo, nhãn quan tinh tường, dấn thân, lăn lộn trong thực tiễn, nhạy bén với thời cuộc đã có nhiều tác phẩm có tính “khai phá, mở đường”, đấu tranh mạnh mẽ với sự trì trệ, bảo thủ; bảo vệ và cổ vũ cho những cách làm hay, mô hình sáng tạo, những đột phá trong tư duy.Đứng trước thời kỳ cách mạng công nghệ, báo chí đang chứng kiến những sự chuyển dịch vĩ đại, đội ngũ nhà báo hôm nay vẫn luôn có ý thức học hỏi và trau dồi để giữ được “lửa nghề”.
Nhiệt huyết, bản lĩnh, dấn thân của lớp báo chí đầu tiên ở mái trường đơn sơ Huỳnh Thúc Kháng tiếp tục là ngọn lửa soi đường dẫn dắt, giúp đội ngũ những người làm báo trẻ vững tin vào con đường mình đã chọn và cống hiến viết tiếp trang sử vẻ vang của nền báo chí cách mạng Việt Nam.
Hoà Giang
Nguồn: https://www.congluan.vn/ngon-lua-nghe-soi-sang-nhiet-huyet-cach-mang-cua-nhung-nguoi-lam-bao-post310766.html