(CLO) Quyết định phỏng dựng cổ phục theo lối nguyên bản, chàng trai trẻ 9x, Nguyễn Đức Huy đã dành nhiều năm tìm tòi, nghiên cứu để đưa những gì thuần túy nhất của cổ phục Việt đến gần hơn với công chúng, đặc biệt là các bạn trẻ.
Bước ngoặt bất ngờ
Nói về cơ duyên đến với nghề phục dựng cổ phục Việt, Nguyễn Đức Huy (sinh năm 1994) là người sáng lập thương hiệu cổ phục Đông Phong cho biết, vào năm 2015, khi đang theo học ngành quy hoạch tại Đức, phong trào phục dựng cổ phục ở Việt Nam bắt đầu manh nha phát triển.
Một lần tình cờ, anh thấy một dự án phục dựng cổ phục do các bạn trẻ thực hiện và rất bất ngờ khi nhận ra rằng Việt Nam lại có nhiều trang phục đẹp đến như vậy. Chính khoảnh khắc đó đã khơi dậy tình yêu đối với cổ phục Việt trong anh, từ đó anh bắt đầu tìm hiểu và quan tâm đến lĩnh vực này nhiều hơn.
Hết năm thứ ba đại học, sau thời gian cân nhắc, Đức Huy quyết định dừng theo học chuyên ngành hiện tại để chuyển sang học dự thính ngành Đông Á học để được học bài bản hơn và tìm hiểu xem dưới góc nhìn của người phương Tây về văn hóa Việt Nam như thế nào.
Năm 2018, khi trở về nước, anh quyết định gia nhập một công ty – đây cũng là đơn vị đầu tiên tại Việt Nam làm về cổ phục. Tuy nhiên, do định hướng khác nhau, Đức Huy quyết định rời công ty và tự mình thành lập thương hiệu cổ phục riêng, đánh dấu bước đi đầu tiên trong hành trình gìn giữ và phát triển giá trị văn hóa truyền thống.
Những bước đi đầu tiên
Ra đời vào khoảng tháng 4 năm 2019, nói về việc thành lập thương hiệu Đông Phong, Đức Huy cho biết: “Hồi năm 2019, rất nhiều bạn bè của mình lúc đấy muốn may cổ phục nhưng mà khó có thể tìm được các bên làm và nếu có thì giá thành của các bộ trang phục lại quá cao. Bản thân mình cũng muốn may cho bạn bè, đồng thời có thể giúp nhiều bạn trẻ có cơ hội tiếp cận với cổ phục Việt, nên mình mới nghiên cứu và cố gắng tạo ra những bộ cổ phục với giá cả phải chăng”.
Những ngày đầu thành lập thương hiệu với Đức Huy là quãng thời gian vô cùng khó khăn. Khi ấy, mức độ nhận diện của công chúng về cổ phục Việt Nam còn hạn chế, anh kể, có thời điểm, anh tập trung làm các mẫu trang phục thời Nguyễn, nhưng mọi người lại nhầm lẫn chúng với trang phục tuồng chèo hoặc đồ hầu đồng, chứ không nhận ra đó từng là trang phục phổ biến của một thời kỳ lịch sử.
Vì vậy, khách hàng vào thời điểm đó rất hiếm và nhóm của anh thường xuyên phải cung cấp thông tin về nguồn gốc và ý nghĩa của từng mẫu trang phục để giúp mọi người hiểu và trân trọng hơn giá trị văn hóa mà cổ phục Việt mang lại.
Bên cạnh đó, vì còn mới chập chững bước vào nghề, kiến thức về lịch sử, văn hóa và kỹ thuật phục dựng vẫn còn hạn chế nên nhiều khi anh phải vừa làm vừa tìm hiểu. Tuy nhiên, chính những khó khăn ấy lại trở thành động lực, thôi thúc chàng trai trẻ nỗ lực học hỏi không ngừng để hoàn thiện bản thân và các sản phẩm của mình.
Lối đi riêng
Trong những năm gần đây, cổ phục Việt Nam ngày càng nhận được sự quan tâm của giới trẻ, trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều người nghiên cứu và thiết kế. Trước sự phát triển mạnh mẽ đó, chàng trai 9X nhận thấy cần tạo ra sự khác biệt để làm nổi bật giá trị của sản phẩm. Thay vì chỉ tập trung vào kiểu dáng hay họa tiết, anh quyết định chuyển hướng, đặt trọng tâm vào việc nghiên cứu và cải tiến chất liệu vải.
Để thực hiện ý tưởng này, Đức Huy không sử dụng vải nhập khẩu mà mong muốn trang phục của người Việt sẽ dùng những chất liệu sản xuất trong nước. Anh dành nhiều thời gian đi khắp các làng nghề dệt vải truyền thống trải dài từ Bắc vào Nam như Vạn Phúc, La Khê, Nam Cao, Mã Châu nhằm tìm kiếm những chất liệu vải phù hợp nhất để đưa vào cổ phục. Chàng trai 9X tin rằng việc nâng cao chất lượng vải không chỉ đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ mà còn góp phần tôn vinh giá trị văn hóa Việt trên từng sản phẩm.
Là người trẻ quan tâm đến lối sống bền vững, Đức Huy mong muốn kết hợp cổ phục với thời trang bền vững, đưa các chất liệu tự nhiên vào sản phẩm. Anh tin rằng việc này không chỉ giúp mọi người làm quen với các loại vải thân thiện với môi trường mà bên cạnh đó, những bộ cổ phục do anh tạo ra sẽ có chất lượng cao, sử dụng được lâu dài. Đây cũng chính là mục tiêu ban đầu mà anh theo đuổi khi bắt tay vào hành trình này.
Sau một thời gian nghiên cứu, Đức Huy nhận ra nhuộm vải tự nhiên còn hỗ trợ anh trong việc tìm hiểu màu sắc cổ phục. Khi nghiên cứu về trang phục xưa, anh gặp khó khăn vì không có hiện vật trực tiếp, mà chỉ dựa vào tranh ảnh hoặc số ít các tài liệu chữ. Tuy nhiên, việc mô tả màu sắc trong các tài liệu cổ thường không rõ ràng, do tên gọi màu sắc thời xưa khác với hiện nay, khiến việc hình dung trở nên càng khó khăn.
Khi tìm được một số tài liệu ghi chép về nguyên liệu nhuộm vải thời xưa, anh còn đến các vùng miền núi để học hỏi thêm các kỹ thuật nhuộm vải thủ công từ đồng bào dân tộc. Từ những kiến thức thu thập được, Đức Huy bắt đầu thực hành nhuộm vải tơ sống, tơ chín, đũi bằng các nguyên liệu như lá bàng, hoàng đằng, tổ cánh kiến, củ nâu, vỏ lựu,…
Qua quá trình thử nghiệm, anh dần khám phá những sắc thái màu thường xuất hiện trên trang phục cổ, phần nào làm sáng tỏ cách tổ tiên lựa chọn và tạo màu cho các bộ trang phục.
Mong muốn lan toả văn hóa truyền thống
Không chỉ xuất hiện trên phim ảnh, âm nhạc hay các phương tiện thông tin truyền thông đại chúng, cổ phục Việt Nam hiện nay ngày càng được nhiều bạn trẻ lựa chọn trong các dịp đặc biệt như lễ cưới, lễ tốt nghiệp và gần đây nhất là trong phong trào mặc cổ phục Việt tham gia concert “Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai”.
“Hồi mình bắt đầu theo đuổi con đường này, thực sự gần như không có ai biết đến đồ này là cái gì cả. Mình nghĩ rằng là phải rất rất lâu cổ phục mới được đón nhận nhiều. Nhưng mà không ngờ chỉ sau vài năm, cổ phục Việt lại được đông đảo các bạn trẻ yêu thích và quan tâm đến như vậy. Đó là cái mà mình thấy thực sự rất là vui và hạnh phúc”, anh Huy chia sẻ.
Để quảng bá và đưa hình ảnh cổ phục Việt tiếp cận được với đông đảo công chúng, anh cùng đội ngũ Đông Phong thường xuyên chia sẻ, giới thiệu các loại vải nhuộm tự nhiên, các bộ cổ phục do nhóm phỏng dựng lên các nền tảng mạng xã hội.
Đồng thời, nhóm Đông Phong còn tham gia và tổ chức nhiều dự án, hoạt động triển lãm giúp mọi người có cơ hội được tiếp xúc với chất liệu truyền thống cũng như các nguyên liệu nhuộm tự nhiên và trải nghiệm nhuộm tự nhiên…
Tùy từng kiểu dáng, chất liệu vải, cổ phục của Đông Phong có giá thành dao động từ khoảng 1 đến 8 triệu đồng. Khi được hỏi về nguyên do vì sao lại dành nhiều tâm huyết đối với cổ phục dù lợi nhuận mang lại không lớn, anh Huy bộc bạch chân thành rằng không đặt nặng việc kinh doanh, nhưng hiện tại vẫn “sống tốt” với nghề và đủ để tiếp tục theo đuổi đam mê.
“Cổ phục là lĩnh vực mình thấy cần có người làm, có rất nhiều thứ cần mọi người đóng góp vào. Bản thân mình thấy mình có khả năng thì mình đóng góp, mình vẫn sống được với nghề thì mình vẫn sẽ tiếp tục làm…”, Nguyễn Đức Huy tâm sự.
Thu Huyền
Nguồn: https://www.congluan.vn/ngon-gio-dong-khac-biet-giua-lan-song-van-hoa-co-phuc-viet-nam-post327966.html