Suốt hơn 40 năm qua, món bánh canh cua của gia đình bà Phạm Thị Lan (62 tuổi) nằm ở khu chợ Bình Tây gần 100 tuổi là địa chỉ quen thuộc của nhiều thực khách.
Từ đời mẹ truyền tới đời con
Trưa trưa, TP.HCM mưa lất phất. Chưa có gì bỏ bụng, tiện đường đi ngang chợ Bình Tây, tôi gửi xe rồi vào trong chợ tìm quán quen. Tất nhiên, đó là quán bánh canh cua nơi tất cả các thành viên trong gia đình bà Lan, từ vợ chồng bà đến 2 con cùng bán.
Quán nằm ở cuối chợ, bên cạnh là những quán ăn, uống khác nằm san sát nhau tạo thành khu ẩm thực. Dù không phải là giờ “cao điểm”, nhưng khách ngồi chật kín mấy cái ghế được đặt phía trước quầy đồ ăn, ăn uống, nói cười vui vẻ.
Cả gia đình bà chủ, mỗi người đều có công việc của riêng mình, vã mồ hôi làm liên tục những phần ăn tại chỗ cũng như mang đi. Điều này khiến tôi có phần bất ngờ, bởi trong thời điểm khó khăn của nhiều hàng quán ở TP.HCM, quán bánh canh của bà vẫn buôn bán đắt.
Thế nhưng, chuyện gì cũng có nguyên do của nó. Bởi ở chợ Bình Tây này, dường như không ai không biết quán bánh canh có tuổi đời hơn 40 năm của bà chủ.
Tâm sự với tôi, bà Lan cho biết từ trước 1975, mẹ bà mở gánh bánh canh bán ở khu vực chợ Cải (nay đã giải thể, cũng nằm ở khu Chợ Lớn này) để cùng chồng nuôi 7 con (5 gái, 2 trai) khôn lớn.
Nghe vậy, tôi cười, hỏi: “Ủa! Vậy cô có cạnh tranh với mẹ cô không?”. Nghe xong, bà chủ cười tươi, nói: “Làm gì có con! Mẹ cô bán buổi sáng, cô bán buổi chiều! Sau này bà già cô cũng đi chợ cho mẹ, làm cho mẹ bán”.
Bánh gánh được mấy chục năm, bà Lan cho biết mới dọn tới vị trí hiện tại, bán từ đó tới nay cũng ngót nghét 28 năm ở đây. Nhắc về mẹ – cụ Định, bà Lan nói rằng năm nay mẹ đã 88 tuổi. Sau một tai nạn năm 2005, mẹ bà nghỉ bán để lại cho các con. May mắn là ở hiện tại, cụ Định vẫn còn minh mẫn, được con cháu trong nhà phụng dưỡng chu đáo.
[CLIP]: Khách cứ tìm đến quán bánh canh cua 40 năm ở chợ Bình Tây này
“Hồi đó, cũng có nhiều anh chị em của tôi kế thừa quán bánh canh của mẹ để bán. Sau này ai cũng lập gia đình, rồi chuyển nghề. Giờ còn mỗi tôi nấu bánh canh bán. Hiện có chồng, 2 con của tôi phụ tôi bán, vui và hạnh phúc khi nó là chén cơm của cả gia đình”, bà chủ xúc động.
“Ăn tới giọt cuối cùng!”
Bà chủ giới thiệu hiện tại, quán bánh canh của bà bán 40.000 – 60.000 đồng/phần, tùy loại. Nếu khách muốn có nguyên con cua trong tô, thì mỗi phần có thể là 120.000 đồng, hoặc hơn tùy vào chất lượng cua và thời giá.
Bánh canh ở đây, theo cảm nhận của cá nhân tôi có hương vị “lạ” hơn những chỗ khác mà tôi từng ăn qua với sự phối hợp của sợi bánh canh bột gạo cùng tô, cua, chả cá, mề gà, huyết vịt, giò heo…. Thêm một chút nước lèo sền sệt và rắc một ít hành, ngò, tiêu lên trên là hết sẩy.
Anh Diệp Đức (36 tuổi, ngụ Q.5) cho biết mình là khách ruột ăn ở quán này hơn 10 năm nay, nhờ một lần cùng người thân đến chợ Bình Tây mua sắm rồi vô tình ăn ở quán cô Lan.
“Các nguyên liệu tươi, ngon, nhất là phần nước lèo đậm đà, ăn khác biệt với những chỗ khác. Cái tô bánh to nhưng tôi ăn tới giọt cuối cùng vì ngon”, anh cười khanh khách, nói vui.
Tương tự, chị Hạnh (45 tuổi, ngụ Q.6) cho biết mỗi lần thèm bánh canh cua là chị ghé chợ để ăn, nhiều khi, không có nhu cầu mua sắm gì. Theo chị, hương vị bánh canh đậm đà, có nhiều nguyên liệu “lạ” như mề gà, chả cá… được phối hợp trong món ăn khiến chị cảm thấy hợp vị.
Với bà Lan, quán bánh canh này là công sức mà cả cuộc đời của mẹ, của bà gây dựng nên. Nếu không bán bánh canh cua, bà không biết cuộc đời mình sẽ làm gì nữa. Quán ăn cũng là nơi bà được gặp gỡ những thực khách thân thương, để mỗi ngày phục vụ những phần ăn tâm huyết…
Bánh canh cua xào 40 năm gia truyền hút khách ở quận 3
Chợ Bình Tây nằm trong khuôn viên 25.000 m2 giữa 4 tuyến đường Tháp Mười – Lê Tấn Kế – Phạm Văn Khỏe – Trần Bình (Q.6), có 12 cổng, kiến trúc hình bát quái, được xây dựng vào năm 1928 bởi một thương gia người Hoa. Năm 2015, chợ được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật tại TP.HCM. Chợ qua nhiều lần tu sửa, khoác áo mới.
Theo tài liệu của Ban Quản lý chợ Bình Tây: “So với chợ Tân Kiểng của người Việt thì chợ Sài Gòn (khu vực Bưu điện Chợ Lớn ngày nay) lớn hơn nên mới có tên gọi là Chợ Lớn. Tuy nhiên, do đời sống ngày càng sung túc, cư dân khắp nơi tìm đến mưu sinh lập nghiệp nên ngôi chợ dần trở nên chật hẹp. Chính quyền tỉnh Chợ Lớn thời đó dự định xây dựng chợ ở nơi mới nhưng chưa tìm được đất.
Khi hay tin này, thương gia Quách Đàm đã bỏ tiền ra mua mảnh đất sình lầy rộng trên 25.000 m2 ở thôn Bình Tây và cho san lấp bằng phẳng, hoàn thành chợ mới bằng bê tông cốt thép đem tặng lại cho nhà nước. Có thể nói, đây là ngôi chợ đồ sộ, quy mô hiện đại bậc nhất ở Nam kỳ thời bấy giờ. Để ghi nhớ công lao của Quách Đàm, sau khi ông mất, tượng ông được dựng lên vào năm 1930 trên bệ cao, dưới chân tượng có kỳ lân chầu và rồng phun nước ngay trong khu vực trung tâm của chợ Bình Tây”.