Trường tân thời trong ngôi làng cổ
Trong tiết trời lất phất mưa bay, làng Nhị Khê thuộc huyện Thường Tín, Hà Nội càng hiện lên vẻ trầm mặc của một ngôi làng cổ có tuổi đời hàng trăm năm. Vùng quê văn hiến này có nhiều di tích lịch sử gắn liền với những tên tuổi lớn của văn hóa dân tộc như danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi, nhà yêu nước Lương Văn Can, nhà cách mạng Lương Ngọc Quyến… Tại ngôi làng nổi tiếng này còn có một ngôi trường làng đặc biệt. Ngôi trường này vốn là một trường học kiểu mới được cụ Lương Văn Can xây dựng từ đầu thế kỷ XX và giờ đã trở thành di tích lịch sử.
Gần 1 thế kỷ qua với bao biến động lịch sử, ngôi trường xưa giờ đã phủ một lớp rêu phong in dấu thời gian. Ngày nay, với người dân ở làng Nhị Khê, ngôi trường là một địa chỉ văn hóa và họ xem như báu vật của làng. Dân làng Nhị Khê gọi ngôi trường đặc biệt này một cách trân trọng bằng cái tên rất đỗi tự hào: Trường Lương Văn Can.
Theo nhiều tài liệu ghi chép, cuối năm 1906, sau khi hội kiến với nhà cách mạng Phan Bội Châu ở Nhật, cụ Phan Chu Trinh về nước đã gặp gỡ cụ Lương Văn Can và nêu ý định thành lập một trường học kiểu mới, giống mô hình của trường Khánh Ứng Nghĩa thục ở Nhật. Một thời gian sau, nhà cách mạng Phan Bội Châu cũng về nước, cùng cụ Phan Chu Trinh, cụ Lương Văn Can và cụ Tăng Bạt Hổ họp tại phố Hàng Đào, quyết định mở trường, lấy tên là Đông Kinh Nghĩa thục với mục đích: khai chí (trí) cho dân, mở những lớp dạy học không lấy tiền. Đông Kinh là tên trường, Nghĩa Thục là trường làm việc nghĩa. Cụ Lương Văn Can được cử làm Thục trưởng (Hiệu trưởng).
Tháng 3/1907, mặc dù chưa được giấy phép của chính quyền thuộc địa, trường vẫn tạm thời khai giảng tại gác trên nhà số 4, phố Hàng Đào, với 2 lớp chuyên dạy Quốc ngữ có khoảng 70 học sinh, phần đông là con cháu hội viên. Đây vốn là căn nhà cụ Lương Văn Can cho mượn. Đến tháng 5, Thống sứ Bắc Kỳ mới chính thức cấp giấy phép cho trường hoạt động. Trường phải mượn thêm căn nhà số 10 gần đó để mở rộng, nhằm đáp ứng sự phát triển của trường.
Năm 1924, nhà yêu nước Lương Văn Can cùng với người thân đã bỏ tiền ra xây dựng trường. Ở thời đó, việc tự bỏ tiền để xây trường chắc chắn là một nỗ lực lớn lao, cũng cho thấy tầm nhìn vượt thời đại.
Theo quan sát của phóng viên, Trường Lương Văn Can được xây dựng theo lối kiến trúc pha trộn phong cách Đông Tây. Trường xây kiên cố bằng xi măng, nhưng mái nhà lại làm bằng gỗ lim lợp ngói đỏ truyền thống. Trường có hai lớp học chính được quét vôi vàng, cửa mái vòm, trước mặt có sân rộng. Ban đầu dân làng mong muốn lấy tên cụ Lương Văn Can để đặt tên trường, nhưng chính quyền Pháp không đồng ý. Thế nên, trường chính thức mang tên Nhị Khê.
Thời gian trôi qua, mặc cho gió mưa nhưng những bức tường kiên cố, những xà nhà bằng gỗ lim vẫn vững chãi như chứng minh cho tâm huyết của bậc tiền nhân hết mình vì thế hệ trẻ. Có lẽ với người sáng lập trường thì sự nghiệp trồng người là một sự nghiệp cao cả và nghiêm túc.
Các cụ cao niên tại làng Nhi Khê vẫn còn kể rằng, trước đây sân trường rợp bóng những cây bàng xanh cổ thụ. Có cây bàng lớn đến mấy người ôm. Cây bàng xanh phủ bóng xuống sân trường đã chứng kiến bao nhiêu thế hệ người con của làng Nhị Khê được học và trưởng thành. Trường có nhiều cán bộ cách mạng từng học, trong đó có cố Tổng Bí thư Đỗ Mười. Năm 2005, trường Lương Văn Can được công nhận là Di tích lịch sử cấp thành phố.
Nơi nuôi dưỡng tâm hồn yêu nước
Thời gian thấm thoắt thoi đưa, ngôi trường nổi danh một thuở giờ vắng tiếng thầy dạy, tiếng trò đọc bài. Trong tiết trời sang xuân, cảnh cũ vẫn còn, người xưa đã trở thành thiên cổ, bỗng chốc khiến hậu thế cảm thấy mình bé nhỏ trước tầm vóc lớn lao của người thầy mở trường năm xưa. “Tiến vi quan, đạt vi sư” là lối sống và cốt cách của những bậc đại trí xưa nay. Cụ Lương Văn Can cũng là một con người như thế. Để tưởng nhớ đến một con người có tấm lòng yêu trẻ, tại ngôi trường này, hậu thế dựng lên một tượng đài Lương Văn Can để tôn vinh tiền nhân.
Ngôi trường cụ Lương Văn Can xây dựng tại làng Nhị Khê chỉ là một trong những minh chứng về tâm huyết của nhà yêu nước này dành cho giáo dục. Bởi tên tuổi của cụ Lương Văn Can đã vốn nổi danh gắn liền với phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục.
Theo PGS Đặng Quốc Bảo – Nguyên Hiệu trưởng Trường Cán bộ Quản lý Giáo dục và Đào tạo (nay là Học viện Quản lý Giáo dục), cái hay trong triết lý giáo dục của cụ Lương Văn Can và các chí sĩ yêu nước khi thành lập ra Trường Đông Kinh Nghĩa Thục gói gọn trong hai câu: “Á Âu chung lại một lò. Đúc nên nhân cách mới cho là người”.
Theo đó, thời bấy giờ Đông Kinh Nghĩa Thục đã chủ trương tiếp nhận tinh hoa của cả phương Tây và phương Đông để dạy học. Mà mục đích của dạy học là hình thành nên nhân cách làm người. “Nhân cách ở đây được hiểu là cốt cách, phẩm cách, cách thức làm người. Cụ Hoàng Xuân Hãn từng cho rằng, Đông Kinh Nghĩa Thục là một cuộc cách mạng thầm lặng trong phát triển giáo dục Việt Nam đầu thế kỷ 20” – PGS Đặng Quốc Bảo nhấn mạnh.
Theo ông Đặng Quốc Bảo thì trong bối cảnh lịch sử nước ta đầu thế kỷ XX, việc dám bỏ nền cựu học Nho giáo của Khổng Tử để chuyển sang việc tiếp nhận nền giáo dục của Tây học đã là một cuộc cách mạng. Đông Kinh Nghĩa Thục được hiểu: Đông – là Đông Kinh tức Tokyo – hướng về duy tân Minh Trị của Nhật Bản; Thục là trường; còn Nghĩa là đại nghĩa. “Chúng ta hiện nay nhiều mô hình giáo dục, có nhiều tên trường nhưng chưa cái tên nào đạt được ý nghĩa lớn và hàm súc như Đông Kinh Nghĩa Thục” – Phó Giáo sư Đặng Quốc Bảo nhận định.
Ông Đặng Quốc Bảo còn cho rằng, trong hoàn cảnh của Việt Nam thì mô hình và triết lý của Trường Đông Kinh Nghĩa Thục đã vượt thời đại. Khi so sánh với công cuộc đổi mới giáo dục hiện nay ta vẫn chưa tạo ra được triết lý giáo dục nào cao cả mà gần gũi với cuộc sống đến như vậy.
“Cụ Lương Văn Can và các nhà yêu nước đầu thế kỷ XX thành lập Trường Đông Kinh Nghĩa Thục là mục tiêu đào tạo nhân cách. Ngoài ra, tiền để chi trả cho học tập là do quyên góp từ cộng đồng. Trường học này có lớp cho nam, cho nữ và cho người già. Đây là trường bách khoa có tính tổng hợp và đây là ngôi trường vì “Nghĩa” không có tính vụ lợi. Người đi học còn được ăn trưa miễn phí. Tôi thực sự ngạc nhiên với cách tổ chức một mô hình trường học nhân văn như vậy” – ông Đặng Quốc Bảo nói.
Phân tích thêm, vị chuyên gia này cho rằng Trường Đông Kinh Nghĩa Thục được tổ chức quản lý rất bình đẳng, dân chủ. “Hiện nay, chúng ta đang nói đến dân chủ hóa, tự chủ nhưng nếu như trường nào cũng làm được như Đông Kinh Nghĩa Thục thì tuyệt vời cho đổi mới giáo dục. Đây là mô hình giáo dục mà ai cũng có thể đóng góp và ai cũng được quyền thụ hưởng. Đông Kinh Nghĩa Thục có tồn tại 9 tháng, Pháp thấy đây là cuộc cách mạng vô cùng nguy hiểm nên tìm cách bãi bỏ nhưng Trường Đông Kinh Nghĩa Thục để lại di sản một cách dài lâu. Tôi cho rằng, triết lý đổi mới giáo dục ngày nay so với triết lý của Đông Kinh Nghĩa Thục cần phải học hỏi thêm” – ông Đặng Quốc Bảo đánh giá.
Giáo dục là quốc sách hàng đầu của mỗi quốc gia, ở trong bối cảnh đầu thế kỷ XX, những bậc trí thức nho học như cụ Lương Văn Can đã sớm nhận ra vai trò của giáo dục và dấn thân vì sự đổi mới giáo dục, cho thấy tầm vóc trí tuệ của một bậc đại trí, đại nhân. Có thể thấy, ngọn cờ chấn hưng đất nước bắt đầu từ giáo dục của những người như cụ Lương Văn Can vẫn còn là tấm gương để hậu thế mãi noi theo.
Trinh Phúc