(TN&MT) – Năm 2022, tôi có dịp trở lại Trường Sa cùng Đoàn công tác số 2 Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam trong chuyến thăm, kiểm tra đảo và Nhà giàn DKI.
Ngay trước ngày xuất phát, bản tin dự báo thời tiết của Trung tâm Khí tượng thủy văn cho hay, Biển Đông chuẩn bị đón 2 cơn áp thấp nhiệt đới nghịch mùa. Áp thấp đồng nghĩa với biển động, với sóng to gió lớn. Dù vậy, sau khi cân nhắc mọi tình huống, với công tác chuẩn bị rất kỹ càng, Bộ Tư lệnh Hải quân cùng Thủ trưởng đoàn công tác hạ quyết tâm thực hiện chuyến đi theo kế hoạch.
Hai ngày biển động, gió lớn và sóng dữ cũng qua đi, mọi người bắt nhịp quen dần với sóng. Giữa trùng khơi mênh mang sóng nước, không sóng điện thoại, không internet, con người dường như bị cách ly khỏi thế giới hiện đại. Cũng chẳng hề hấn gì, bởi điều đó lại đem tới cơ hội giao tiếp, hòa nhập trong một tập thể mà trước đó, khi còn trên đất liền, chẳng ai quen biết ai. Tất cả đều hiểu rằng, chỉ có đoàn kết, đùm bọc nhau mới giúp họ vượt qua và chiến thắng mọi gian nan, thử thách. Rồi mọi cảm xúc bất chợt vỡ òa, khi những hòn đảo nhỏ lần lượt hiện ra trong tầm mắt.
Hồn quê đất Việt
Những đảo nổi, đảo chìm nằm xen kẽ, rải rác, có lúc kết thành từng cụm trên Quần đảo Trường Sa. Ấn tượng về những đảo nổi mà đoàn ghé thăm, như Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn, Trường Sa Lớn là những hàng cây xanh mướt mắt. Những cây phong ba, bão táp, mù u, bàng vuông, với sức sống mãnh liệt, kiên cường như chính tinh thần của những người lính đảo, đã thích nghi với thổ nhưỡng khô cằn và khí hậu khắc nghiệt giữa trùng dương, bám trụ cùng thời gian, vươn lên những tán xanh đầy kiêu hãnh, tỏa bóng mát, từng hàng dày chắn sóng chắn gió biển, chở che bao bọc những người con đất Việt.
Trên đảo Sinh Tồn, Chùa Sinh Tồn mang dáng dấp trầm mặc, nép bên hàng cây phong ba bão táp, hiện lên mờ ảo trong lớp mưa dày hạt, gợi nhớ hình ảnh bình yên của đất liền nơi hải đảo. Một chiều mưa trên đảo Sinh Tồn, trong không gian chỉ có tiếng mưa rơi và tiếng sóng vỗ dạt dào, tiếng chuông chùa bỗng ngân vang trong không gian tĩnh mịch thoảng mùi trầm hương. Bấy nhiêu thôi cũng đủ khiến lòng người chùng xuống, nhắm mắt thả hồn mường tượng như ta đã trở về với chốn quê hương thanh bình, yên ả. Chợt bắt gặp một ngôi trường tiểu học, mái chùa cong nép mình bên tán lá xanh. Trường Tiểu học xã Sinh Tồn nom khá khang trang. Cả trường chỉ có chừng chục học sinh, nhưng có tới 2 thầy giáo: Thầy Phạm Xuân Diệu và thầy Nguyễn Công Khoa. Bởi lũ học trò rải rác các lứa tuổi khác nhau, nên 2 thầy phải chia nhau giảng dạy kiến thức từ lớp 1 đến lớp 5. Chương trình học ở đây cũng giống trong đất liền, cũng có những giờ ngoại khóa, mỗi tội người thưa nên học trò không được trải nghiệm nhiều trò quậy phá “nhất quỷ nhì ma”. Gia đình vẫn ở trong đất liền, nên sau giờ dạy, thầy Diệu và thầy Khoa lại lọ mọ cơm nước với nhau, đợi đến nghỉ hè mới tranh thủ về đất liền vác ra nào sách vở, nào dụng cụ học tập cho năm học mới.
Nói vậy thôi, chứ ở đảo, từ cư dân, thầy giáo, cán bộ chính quyền đến các chú bộ đội…, tất cả đều sống quây quần, đoàn kết thành một khối, tạo nên một mối liên hệ bền chặt, san sẻ với nhau từ lá rau, con cá, từ vật chất đến tinh thần, để mà đủ sức chống chọi với thiên nhiên, vượt qua khó khăn trong đời sống thường nhật, bám biển bám đảo, trở thành chỗ dựa cho ngư dân, là cột mốc chủ quyền, bảo vệ vững chắc lãnh hải Tổ quốc.
Gần 5 năm bám đảo dạy học, tình yêu với biển, với lũ trẻ trong sáng ngây ngô, với từng gốc phong ba, bàng vuông, với cả tiếng sóng biển và hơi gió biển mặn mòi., biển mặn mòi cứ lớn dần trong tim thầy Diệu. Đến nỗi, một tháng nghỉ hè trong đất liền, chen chúc nơi phố thị, lá phổi dường như không chịu nổi mùi xăng xe khói bụi, bởi đã quen hít bầu không khí thanh sạch nơi biển cả…
Ngời sáng tinh thần người lính đảo
Khác với các đảo nổi, đảo Đá Lát được hình thành trên nền san hô nằm dưới mực nước biển. Thủy triều lên, bãi san hô ngập nước, tòa nhà trên đảo trơ trọi giữa trùng khơi mênh mông; lúc triều xuống, nước chỉ còn xâm xấp bãi san hô, từ đó hiện ra một làn nước trong vắt xanh màu ngọc bích, nhìn rõ cả bầy cá tung tăng bơi lội, những cụm rong biển lẫn trong nhánh san hô đan chằng chịt dưới đáy nước…, một cảnh tượng đẹp đến bất ngờ. Song cũng vì thế, việc ra vào đảo phải hết sức cẩn trọng, nếu không muốn xuồng bị mắc cạn hoặc va vào dãy san hô. Là đảo chìm nên Đá Lát không có lấy một khoảnh đất, việc trồng cây trên đảo tưởng chừng là không thể.
Ấy thế nhưng, bước chân lên đảo, hình ảnh đầu tiên đập vào mắt ta là một cây dừa xanh tốt cao quá đầu người, được trồng trong chiếc chậu nhỏ. Kề bên là những chậu hoa sứ, hoa giấy đang tưng bừng khoe sắc. Mỗi cái cây nơi đây cũng mang trong mình một câu chuyện cổ tích. Nguồn gốc cây dừa ấy là từ quả dừa trôi dạt vào cầu cảng, được lính đảo vớt lên rồi đem ươm. Sau 4 năm nâng niu chăm sóc, cây đã cao chừng ấy, xanh ngời. Đó là cũng là minh chứng cho sức sống mãnh liệt trong điều kiện ngặt nghèo của tự nhiên. Chuyện cây dừa khiến tôi liên tưởng đến truyện cổ tích Mai An Tiêm, tới tinh thần nghị lực, ý chí phi thường của những người lính đảo, dẫu quanh năm đối mặt với sóng gió biển khơi, vẫn kiên trung bám biển giữ vững chủ quyền, giữ vẹn nguyên từng tấc đất, tấc biển của Tổ quốc. Vượt qua mọi gian lao, thử thách, vẫn luôn ngời sáng lên tinh thần kiên cường, bất khuất của người lính Cụ Hồ, của dòng giống Lạc Hồng.
Quân với dân như cá với nước
Ở Đá Lát, tôi gặp Thiếu úy QNCN Nguyễn Văn Phúc – nhân viên radar – một chàng trai có nụ cười tỏa nắng. Chỉ tay ra những con tàu gần đó, Phúc bảo nơi đây tàu cá ngư dân neo lại khá nhiều. Từ Bình Thuận, Ninh Thuận ra khu vực ngư trường ở Đá Lát hết chừng 2 ngày. Sau thời gian đánh bắt, ngư dân thường ghé đảo xin tiếp dầu, tiếp nước ngọt, thuốc men. Lần nào ghé đảo, dân cũng đem cho bộ đội những mớ hải sản vừa đánh bắt; ngược lại, bộ đội cũng san sẻ cho bà con rau củ quả, lương thực, thực phẩm. Thế mới biết, tình cảm quân – dân luôn gắn bó như cá với nước, bộ đội ở đâu cũng được dân quý mến, tin yêu. Có bộ đội giữ đảo là ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển, yên tâm đánh bắt trên ngư trường, ấy là xác nhận rõ ràng nhất về chủ quyền biển đảo Tổ quốc.
Cũng tại Đá Lát, tôi được chứng kiến cuộc hội ngộ bất ngờ đầy cảm động giữa hai người bạn: Đại úy Bùi Xuân Long ở Binh đoàn 12 và Đại úy Hoàng Văn Thảo – Chính trị viên đảo Đá Lát. Họ đã có tình bạn gắn bó suốt 5 năm dưới mái trường Đại học Chính trị. Nay, một người từ đất liền lần đầu ra thăm đảo, một người đã nhiều năm nhận nhiệm vụ canh giữ đảo xa. Sau phút ngỡ ngàng nhận ra nhau, dù khuôn mặt còn bịt kín sau lớp khẩu trang, là cái ôm chặt mừng rỡ giữa người ở biển và người từ đất. Còn gì xúc động hơn khi bất ngờ được gặp người thân giữa trùng khơi biển cả.
Trên đảo Phan Vinh B, một nhóm cán bộ chiến sĩ đang ôm cây đàn guitar cất cao giọng hát. Khoảng sân nhỏ biến thành sân khấu, những người lính biển trở thành những “ca sĩ” mê mải thả hồn trong câu hát. “Hát mãi khúc quân hành”, “Bác đang cùng chúng cháu hành quân”, “Cuộc đời vẫn đẹp sao”…, chẳng ai còn để ý đến cái nắng bỏng rát của biển, chỉ còn tiếng đàn tiếng hát hòa trong tiếng sóng biển ngân vang mãi tận chân trời.
Một trong số đó là Đại úy QNCN Nguyễn Đức Tâm – kỹ thuật viên gây mê của Bệnh viện Quân y 5 tại Ninh Bình, nhận công tác tại đảo Phan Vinh từ tháng 8 năm trước. Cái Tết đầu tiên trên đảo, anh nhớ nhà, thương vợ phải vất vả xoay chong chóng với hai bé sinh đôi, dù có thêm bà nội bà ngoại trợ giúp. Nhiều lúc, anh nhớ con, nhớ giọng nói líu lo của hai đứa trẻ đến nao lòng…
Cũng là lính quân y, Trung úy QNCN Vũ Công Đạt – kỹ thuật viên gây mê thuộc kíp quân y 7 người của Bệnh viện Quân y 103 được cử ra nhận nhiệm vụ trên đảo Sơn Ca ngay trước Tết Nguyên đán 2022. Khi anh đi, cô con gái nhỏ mới vừa tròn 3 tháng tuổi. Chuyến đi biển đầu tiên của Đạt là hơn nửa tháng ròng trải nghiệm sóng gió trên con tàu thay quân giữa mùa biển động. Nhưng Đạt cũng chẳng có thời gian để buồn. Công việc của kíp quân y đảo Sơn Ca khá bận rộn, với những ca mổ ruột thừa, viêm phúc mạc, những ca sơ cứu chấn thương cả cho bộ đội các đảo bạn, cả cho ngư dân gặp nạn trên ngư trường xung quanh.
Ươm mãi những mầm xanh
Chuyến đi này, Đại tá Nguyễn Trang Minh – Phó Giám đốc Viện Khoa học và Công nghệ Quân Sư – Bộ Quốc phòng và Trung tá Lê Văn Tâm – Phó Viện trưởng Viện Nhiệt đới môi trường (thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Quân sự) đem theo nhiều sản phẩm thiết thực do viện nghiên cứu, sản xuất để phục vụ đời sống sinh hoạt của cán bộ, chiến sĩ trên các đảo và nhà giàn, như: Chất tẩy rửa dầu mỡ trên bề mặt tàu; Sữa tắm gội toàn thân (dùng cho nước mặn, nước ngọt); Nước giặt, nước rửa bát (dùng cho nước mặn, ngọt, cứng)… Vô cùng thiết thực, bởi lẽ trong môi trường nước biển mặn, các sản phẩm tẩy rửa thông thường như trong đất liền không phát huy được hiệu quả. Ngoài ra còn có các sản phẩm đặc dụng khác như: Áo phao sinh tồn; Viên tăng lực SUTAB/SUTAB-SOB; Thực phẩm chức năng KPAP; Khẩu phần ăn dạng tuýp…
Đặc biệt, có một loại sản phẩm không thể thiếu trong mỗi phần quà tặng các đảo, đó là phân vi sinh. Loại phân bón này phù hợp cho cây trồng trên các vùng thổ nhưỡng khắc nghiệt như Quần đảo Trường Sa, giúp cây tăng trưởng tốt, cho năng suất thu hoạch cao. Chẳng thế mà lên thăm các điểm đảo và nhà giàn, ai cũng bất ngờ trước những vườn rau xanh tốt bời bời, bất chấp hơi muối biển, gió táp, nắng táp cháy lá… Từ những túi phân bón vi sinh, bao đất thịt, gói hạt giống, những mầm cây bé nhỏ từ đất liền, trải bao ngày sóng gió lênh đênh, qua bàn tay nâng niu, chăm chút, che chở của anh em lính đảo, đã đâm chồi nảy lộc thành những vạt rau tươi tốt, những giàn mướp, giàn dưa leo lúc lỉu quả, những chậu cây xanh mát mắt…
Vĩ thanh
Thời điểm trước Tết Nguyên đán hằng năm là lúc những chuyến tàu đổi quân, những chuyến tàu đưa quà Tết từ đất liền tấp nập ra đảo. Nhiều cán bộ chiến sĩ sẽ được trở về đất liền đón cái Tết sum vầy bên gia đình, sau thời gian đằng đẵng xa nhà. Cũng nhiều người lính khác sẽ đón cái Tết đầu tiên giữa trùng khơi. Dẫu xa xôi nhưng bên các anh luôn có đồng đội, có Tổ quốc, cả dân tộc đồng lòng hướng về, những người lính kiên trung giữ biển!.