Không ngại khó, không ngại khổ, hiện thực hóa giấc mơ mang sản phẩm thủ công Việt từ cộng đồng người khuyết tật vươn tầm thế giới, 11 năm nay, anh Phạm Việt Hoài – nhà đồng sáng lập xưởng sản xuất linh vật trên phố Trung Văn (quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội) cùng những người công nhân của mình, vẫn miệt mài, cần mẫn sáng tạo nên những sản phẩm thú nhồi bông tinh xảo, bắt mắt.
Tết cổ truyền của dân tộc đang cận kề, nhịp sống lao động cũng vì thế trở nên tất bật, hối hả hơn. Trong xưởng sản xuất linh vật của những người thợ khuyết tật trên phố Trung Văn (quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội), những đôi tay thoăn thoắt, những mũi kim dứt khoát, hòa cùng tiếng máy khâu, máy nhồi bông,… dẫn dắt những người thợ “đặc biệt” tạo nên những chú rồng nhồi đẹp mắt, chào đón năm mới.
Nếu chỉ nhìn cách thao tác công việc, khó có thể nhận ra họ có “khiếm khuyết” về sức khỏe. Bởi họ cũng làm những công việc như những người công nhân bình thường như: Cắt, may, khâu, nhồi bông,… thậm chí những công đoạn đòi hỏi tay nghề cao, họ cũng hoàn thành tốt. Điểm khác biệt ở đây là giao tiếp, vì phần lớn công nhân tại đây là người khiếm thính nên mọi giao tiếp công việc đều sử dụng thủ ngữ, những kí hiệu dành riêng cho cộng đồng người câm, điếc.
Anh Phạm Việt Hoài, chủ tịch hội đồng quản trị của xưởng may Kymviet cho biết: “Tôi và những người bạn thành lập nên Kymviet vào năm 2013, đến nay đã 11 năm trôi qua, Kymviet vẫn mãi là ngôi nhà chung của 30 công nhân khuyết tật, là cầu nối việc làm cho họ. Cái tên Kymviet cũng gửi gắm khát vọng mang những sản phẩm thủ công Việt từ cộng đồng nhỏ bé, vươn tầm thế giới.”
Trải lòng về hành trình thành lập xưởng may cho những người khuyết tật, anh Phạm Việt Hoài nghẹn ngào: “Bản thân tôi cũng là một người khuyết tật, tôi đồng cảm và thấu hiểu những người khuyết tật hơn ai hết. Tôi hiểu họ có rất nhiều tiềm năng, tố chất bên trong chưa được khai phá, họ hoàn toàn có thể cống hiến, tạo ra những giá trị tốt đẹp cho bản thân và cộng đồng bằng chính năng lực của họ. Họ mang đến xã hội những sản phẩm tinh xảo, đưa văn hóa Việt Nam vào từng sản phẩm. Tôi mong muốn cả xã hội có thể nhìn người khuyết tật theo một góc nhìn khác và chung tay tạo việc làm cho những người khuyết tật, để họ có cuộc sống bình thường, có thể tự lập được.”
Nhiều năm làm việc tại xưởng may, chị Nguyễn Thị Thùy Trang bồi hồi nhớ lại quãng thời gian không có việc làm, ở nhà “sống dựa” bố mẹ: “Trước khi đi làm ở Kymviet, tôi không có việc làm, tôi chỉ quanh quẩn ở nhà… Đó là một thời gian cam chịu, nhiều khó khăn, rào cản trong cuộc sống của tôi”.
Tình cờ một lần “trốn nhà” đi chơi cùng những người bạn cùng hoàn cảnh, chị Trang được giới thiệu đến Kymviet học nghề. “Thời gian đầu có nhiều khó khăn, vất vả vì tôi chưa nắm bắt được công việc, nhưng với mục tiêu vượt lên chính mình để chứng minh cho gia đình, rằng tôi có thể đi làm, có thể dùng chính sức lực của mình tạo nên giá trị tốt đẹp, tôi đã nhanh chóng khắc phục và có công việc ổn định đến hiện tại.”
Với phương châm “Chúng ta là những người khuyết tật nhưng không để sản phẩm chúng ta là những sản phẩm khuyết tật”. Hơn 1 thập kỷ trôi qua, những công nhân của xưởng may “không tiếng nói” luôn hăng say, miệt mài hoàn thiện từng công đoạn của sản phẩm. Dù là những con thú nhồi bông có thiết kế đơn giản, hay những linh vật Tết cầu kỳ, tinh xảo, đều không làm khó được những người thợ nơi đây.
Mừng Tết Giáp Thìn 2024, xưởng may cho “trình làng” nhiều sản phẩm rồng nhồi bông, trong đó có những phiên bản rồng giới hạn tinh xảo, đẹp mắt. “Đây là phiên bản rồng giới hạn, được thực hiện cầu kỳ, tốn nhiều thời gian, công sức. Trong sản phẩm này chúng tôi ứng dụng những chất liệu địa phương như: Lụa, thổ cẩm,… kết hợp với nhiều chất liệu truyền thống khác của dân tộc. Tôi cũng rất tự hào khi sản phẩm này hiện đang được trưng bày trong phòng khách của Hoàng gia Nhật Bản”.- Anh Hoài chia sẻ.
Ngoài ra, năm nay xưởng may của anh Hoài có thêm sản phẩm đồng hồ gỗ treo tường. Điểm đặc biệt là những chi tiết rồng uốn lượn tinh tế, lấy cảm hứng từ hình tượng rồng thêu trên long bào của nhà vua triều Nguyễn, kết hợp với những chi tiết đắp nổi dạng phù điêu càng làm tăng vẻ thu hút, bắt mắt.
“Chúng tôi xử lý cẩn thận các chi tiết trong đồng hồ để đảm bảo độ bền và đắp nổi dạng phù điêu để gia tăng nét thu hút. Những sản phẩm này có thể khắc tên lên chân đế, mang yếu tố cá nhân hóa” – Anh Hoài cho biết.
Dưới mái nhà Kymviet, những người công nhân đầy nghị lực được gắn kết lại với nhau, cùng học hỏi và làm việc vui vẻ. Tạo hóa “cướp đi” tiếng nói, tai nghe,… của họ, nhưng “bù đắp” cho họ một ý chí, một tâm hồn cao đẹp. Bằng ngôn ngữ ký hiệu của riêng mình, họ luôn chia sẻ, lan tỏa yêu thương, nhiệt huyết lao động của mình cho mọi người xung quanh.