Mỗi sáng, 4 đứa trẻ chân trần xếp thành hàng, hát quốc ca trong lễ chào cờ tại ngôi trường bị nước biển bao quanh.
Đây là những học sinh cuối cùng tại ngôi trường tọa lạc ở làng ven biển Ban Khun Samut Chin đang bị biển “nuốt chửng”.
Ngôi làng cách Bangkok 10 km còn khoảng 200 người bám trụ. Ban Khun Samut Chin là ví dụ điển hình về tương lai của các cộng đồng ven biển khắp thế giới, trước thực trạng biến đổi khí hậu khiến nước biển dâng.
“Cháu từng có khoảng 20 bạn cùng lớp khi học mẫu giáo, giờ thì cháu hơi cô đơn, muốn có bạn mới nhập học”, Jiranan Chorsakul, học sinh 11 tuổi, nói.
Tại ngôi chùa được dựng theo phong cách “nhà sàn” để tránh dòng nước đục ngầu của Vịnh Bangkok, trưởng làng Wisanu Kengsamut cho biết nước biển đã xâm lấn 2 km đất liền trong vòng 6 thập kỷ qua.
“Phía sau tôi từng là một ngôi làng và rừng ngập mặn, bạn có thể dễ dàng đi bộ từ làng đến chùa. Nhưng người dân bắt đầu chuyển sâu vào đất liền, cách xa chùa”, ông kể. Tàn tích còn lại của ngôi làng cũ là những cột điện nhấp nhô trên mặt nước.
Liên Hợp Quốc cảnh báo mực nước biển đã dâng 15-25 cm kể từ năm 1900 và tốc độ này đang tăng nhanh, đặc biệt tại một số vùng nhiệt đới. Nếu tiếp tục, mực nước xung quanh các đảo Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương có thể dâng thêm gần một mét vào cuối thế kỷ này.
Thái Lan được cảnh báo sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề, khi khoảng 11 triệu người, tương đương 17% dân số, sống ven biển và phụ thuộc nghề chài lưới, du lịch làm kế sinh nhai.
Danny Marks, chuyên gia chính trị môi trường từ Đại học Thành phố Dublin, Ireland, cho biết làng Ban Khun Samut Chin là lời cảnh báo “về một thế giới bị tàn phá bởi biển đổi khí hậu”.
“Đây là ví dụ về rủi ro mà tình trạng nước biển dâng mang lại, đặc biệt ở các nước đang phát triển”, ông nói.
Xâm lấn tại Ban Khun Samut Chin đã trầm trọng hơn do quản lý môi trường địa phương yếu kém và các hình thái thời tiết trở nên cực đoan hơn do biến đổi khí hậu. Nước ngầm trong làng bị khai thác quá mức. Khu rừng ngập mặn từng là “đê chắn sóng” cũng bị phá để nhường chỗ cho các trang trại nuôi tôm.
Các con đập ở thượng nguồn sông Chao Phraya chảy qua Bangkok, đổ ra cửa biển gần làng cũng làm chậm quá trình lắng đọng phù sa trong vịnh.
Giới chức làng từng hợp tác với Đại học Chulalongkorn để bố trí các cột tre, bê tông và trồng lại rừng ngập mặn để chống lại biển, song trưởng làng Wisanu lo ngại “những biện pháp có thể không đủ để chống lại sức mạnh thiên nhiên, ngôi làng sẽ bị nuốt chửng”.
“Chúng tôi không có dự định dời làng vào sâu trong đất liền vì không còn đất trống, nên phải cố gắng bảo tồn bằng cách nào đó”, ông nói, cho biết thêm đã từ bỏ hy vọng chính phủ Thái lan can thiệp bởi “những lời kêu gọi giúp đỡ chẳng đi đến đâu”. “Chúng tôi phải tự cứu mình”.
Làng Ban Khun Samut Chin đang khai thác du lịch sinh thái để gây quỹ và khiến công chúng biết đến “cuộc chiến sinh tồn” của họ.
Tại ngôi trường 4 bề là nước biển, hiệu trưởng Mayuree Khonjan cho biết 4 học sinh đang tìm hiểu về hệ sinh thái địa phương, học cách xác định các loài sinh vật. Bà hy vọng một ngày nào đó các em có thể thành hướng dẫn viên du lịch. Ngôi trường sẽ chỉ còn lại ba học sinh khi một em tốt nghiệp vào năm sau.
Trong lớp, Jiranan tập trung cao độ khi giáo viên viết những con số lên bảng. “Cháu muốn thành giáo viên để truyền đạt kiến thức. Cháu muốn dạy ở trường này, nếu nó vẫn còn ở đây”, Jiranan nói.
Đức Trung (Theo AFP)