Làng cổ Đông Sơn hiện có diện tích khoảng gần 4km2, bao gồm 330 hộ dân với 1.300 nhân khẩu đang sinh sống. Bà con nơi đây chủ yếu sinh sống bằng nghề nông. Cuộc sống tuy vất vả nhưng luôn nồng hậu và mến khách. Những người cao tuổi luôn răn dạy con cháu rằng phải cố gắng duy trì nếp sống nhân văn, đoàn kết.
Làng cổ Đông Sơn là nơi hội tụ những yếu tố đặc trưng của một làng quê Việt Nam truyền thống. Đây cũng là vùng đất đầu tiên tìm được trống đồng Đông Sơn và là nơi gắn liền với tên gọi của một nền văn hóa Đông Sơn. Trải qua những thăng trầm của lịch sử, sự tàn phá của chiến tranh và thời gian, nhưng làng cổ Đông Sơn vẫn cơ bản giữ gìn được những giá trị văn hóa vật chất với những đặc trưng của làng quê miền Bắc Trung Bộ. Đó là kết cấu xóm làng, kiến trúc mang đậm dấu ấn của một làng Việt cổ.
Theo những cụ cao niên trong làng kể lại, năm 1924, người nông dân Nguyễn Văn Lắm ở làng khi đi bắt cá ở bờ sông Mã đã tìm thấy trống đồng cổ. Sau đó, người Pháp cho khai quật làng cổ Đông Sơn và tìm ra rất nhiều cổ vật có giá trị khác. Năm 1934, nhà nghiên cứu người Áo R.Heine Geldern (R. Hên-Gien-đơn) đã đề nghị công nhận nền “văn minh Đông Sơn” là nền văn minh tiêu biểu của Việt Nam thời kỳ đầu dựng nước và đến nay, tên làng Đông Sơn đã trở thành tên gọi cho một nền văn hóa khảo cổ học nổi tiếng thế giới – Văn hóa Đông Sơn.
Những bức tường gạch, đá rêu phong hay thậm chí là nền đường nơi đây vẫn còn được lưu giữ, là những nét đẹp của một làng quê xưa. Làng cổ Đông Sơn được bình chọn là 1 trong 10 ngôi làng cổ đẹp nhất Việt Nam, hấp dẫn du khách bởi vẻ đẹp thanh bình, yên ả và cổ kính. Nơi đây đẹp hơn vì nằm giữa những núi đồi hùng vĩ, hướng mình ra dòng sông Mã thơ mộng với cây cầu Hàm Rồng huyền thoại bắc qua. Phía sau làng là ngọn núi Cánh Tiên, phía trước là những thửa ruộng màu mỡ, xanh ngút tầm mắt.
Lối vào làng cổ Đông Sơn theo kiểu hình xương cá, trục đường chính giữa làng, nhiều nhánh nhỏ rẽ ra các hướng gọi là xóm ngõ. Điều thú vị nhất của ngôi làng này chính là những con ngõ được đặt tên mang ý nghĩa phẩm giá con người. Ở mỗi ngõ đều có tên gọi và mang ý nghĩa riêng “Nhân – Trí – Dũng – Nghĩa”.
Từ đầu làng theo trục đường chính vài trăm mét, bước qua cánh cổng ngõ “Trí” uy nghiêm với nhiều vết hằn của thời gian sẽ đến nhà của ông Lương Trọng Duệ – một trong số 13 ngôi nhà cổ vẫn giữ nguyên vẹn nét kiến trúc điển hình ở thế kỷ XIX.
Nhà cổ được xây dựng từ đầu triều Nguyễn cách đây hơn 200 năm. Theo lời kể của những thành viên trong gia đình ông Lương Trọng Duệ cho biết, trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, ngôi nhà đã bị bom đạn dội xuống làm sụt mái sau và hư cửa nhưng đã được tu sửa lại. Từ khi xây dựng đến nay, ngôi nhà trải qua ba lần tôn tạo tuy vậy vẫn được giữ tương đối nguyên vẹn những nét kiến trúc, kết cấu vật liệu của ngôi nhà, với mong muốn giữ một không gian văn hóa cổ điển hình của đồng bằng Bắc Trung Bộ.
Là người con sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Đông Sơn, cụ Dương Thị Cúc (80 tuổi) chia sẻ, những năm kháng chiến bom đạn dội xuống làm hư hỏng hết các ngôi nhà trong làng. Về sau người dân đã cố gắng tu sửa lại để giữ gìn những giá trị văn hóa vật chất với những đặc trưng của làng.
Theo ông Nguyễn Văn Hải – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu lịch sử và Bảo tồn di sản văn hóa Thanh Hóa, làng cổ Đông Sơn là một làng cổ với cấu trúc còn tương đối nguyên vẹn với di chỉ Đông Sơn nổi tiếng thế giới, với thắng cảnh núi Rồng động Tiên, sông Mã, các núi non, hang động di tích gắn liền với các truyền thuyết dân gian hấp dẫn và các di tích cách mạng điển hình là chiến thắng Hàm Rồng trong kháng chiến chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ.
Trong những năm qua, các cấp chính quyền đã có nhiều quan tâm tới việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị Làng cổ Đông Sơn. Đề án bảo tồn và phát huy giá trị di sản Làng cổ Đông Sơn, phường Hàm Rồng, TP. Thanh Hóa gắn với phát triển du lịch được thực hiện sẽ tạo cơ sở cho các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Làng cổ Đông Sơn; góp phần tôn vinh nét văn hóa truyền thống, làm đẹp thêm quê hương, đất nước, một vùng quê cổ kính lâu đời của xứ Thanh, đáp ứng nguyện vọng và nhu cầu tín ngưỡng của đông đảo người dân trong làng và các xã vùng phụ cận. Qua đó, tạo nên một điểm đến văn hóa, tâm linh, du lịch, vui chơi giải trí cho Nhân dân TP. Thanh Hóa và du khách thập phương.
Theo dòng thời gian có thể thấy lịch sử của làng cổ Đông Sơn gắn liền với những thăng trầm của lịch sử vùng đất xứ Thanh. Những chứng cứ từ lòng đất làng cổ Đông Sơn như các bộ nông cụ, vũ khí, đồ gốm, đồ trang sức đặc sắc… đã ghi dấu các thời kỳ, triều đại trong lịch sử dân tộc, là minh chứng sự hình thành, phát triển liên tục và sức sáng tạo của người Việt trên vùng đất Thanh Hóa.
Với đặc điểm độc đáo của một làng cổ nằm ngay trong lòng thành phố Thanh Hóa, Đông Sơn đã và đang trở thành điểm đến ngày càng thu hút đông du khách.
Anh Thảo