Đình thờ thần biển và cá ông
Tờ sắc phong được phóng to và dịch ra đặt trong đình
Đình Vĩnh Thới thờ nữ thần Đại Càn – vị thần khá phổ biến ở khu vực miền Trung, đặc biệt là đối với người đi biển. Theo Đại Việt sử ký toàn thư và Ô Châu Cận Lục, thần Đại Càn vốn là người trần, vì chiến tranh loạn lạc và giữ tiết hạnh mà chết, trôi dạt đến cửa biển nước ta. Do hiển linh và có công phò giúp vua Trần nên vua cho lập đình thờ, cúng tế hàng năm. Dưới thời nhà Nguyễn, thần Đại Càn được tăng đẳng và có nhiều mỹ tự được gia phong như Hàm hoằng, Quang đại, Chí đức, Phổ bác, Hiển hóa, Trang huy, Dực bảo Trung hưng thượng đẳng thần.
Phó ban Quản trị Đình Thần – Lăng Ông Vĩnh Thới, Trưởng ban Công tác Mặt trận ấp Vĩnh Viễn – Trần Ngọc Đáng cho biết: “Trước đây, vùng này gọi là thôn Vĩnh Thới. Đình thờ thần Đại Càn, trong khi người dân ấp Vĩnh Viễn có nghề truyền thống là chài lưới, đánh bắt, đóng đáy nên chúng tôi tin rằng những bậc tiền hiền là ngư dân từ miền ngoài vào đây định cư, khai hoang, lập làng, phát triển ngành nghề truyền thống”.
Đình Thần – Lăng Ông Vĩnh Thới cũng là ngôi đình duy nhất tại huyện Châu Thành có thờ cá Ông. Trong khuôn viên đình hiện nay chia thành 2 gian: 1 gian thờ thần và gian còn lại là Lăng Ông. Đó cũng là lý do vì sao đình có tên gọi Đình Thần – Lăng Ông Vĩnh Thới. Khu vực thờ cá Ông có một quan tài nhỏ đặt trên bàn thờ. Hai bên bàn thờ là gọng buồm và bánh lái ghe biển. Trên bàn thờ, phía trước quan tài là thùng kim loại nhỏ, chứa 1 đốt xương, theo người dân thì đó chính là đốt xương sống cá Ông.
Trưởng ban Quản trị Đình Thần – Lăng Ông Vĩnh Thới – Bùi Văn Út kể: “Xác cá Ông được khách thương hồ phát hiện ở khu vực cột đèn đỏ trên sông Trà. Trên đường kè về đi ngang đình, họ đưa Ông lên bờ, cùng người dân vùng này an vị Ông vào quan tài gỗ và thờ phụng tại đình. Sau này khi trùng tu đình, người dân thay quan tài gỗ bằng quan tài xi măng cho đến bây giờ”.
Một phần đời sống tinh thần người dân ấp vĩnh viễn
Quan tài đá an vị cá Ông được thờ tại Đình Thần – Lăng Ông Vĩnh Thới
Khoảng 1/3 hộ dân ấp Vĩnh Viễn làm nghề đánh bắt cá, chài lưới nên tín ngưỡng dành cho Đình Thần – Lăng Ông Vĩnh Thới rất nhiều. Hàng năm, vào lệ cúng Lăng Ông mùng 10 tháng Giêng, đông đảo người dân trong ấp không ai bảo ai, đều chung tay, góp sức vào tổ chức lễ cúng.
Ông Huỳnh Văn Bé Tư (ấp Vĩnh Viễn, xã Thanh Vĩnh Đông) từng là ngư dân đánh bắt ngoài khơi tại biển Vũng Tàu. Ông cho biết, lệ cúng Lăng Ông được tổ chức vào dịp đầu năm để ngư dân đến cúng, viếng, cầu sự bình an, mong nhận được chở che của Thần và cá Ông trước khi bắt đầu một năm đánh bắt mới. Gia đình ông Bé Tư có truyền thống đi biển nên không năm nào vắng mặt trong lễ cúng.
Ông Bé Tư còn tham gia cùng người dân quanh vùng chung tay chuẩn bị cho ngày cúng Lăng Ông được trang nghiêm, đầy đủ. Ông Bé Tư nói: “Dân trong vùng này, đặc biệt là dân đi biển rất kính trọng Đình Thần – Lăng Ông Vĩnh Thới. Đó là truyền thống, niềm tin của người dân từ mấy trăm năm nay. Cũng từng đi đánh bắt ngoài khơi nên tôi biết, khi đã lên thuyền đi xa thì phải biết kính trọng và tin tưởng”.
Không chỉ có ý nghĩa với người làm nghề biển, Đình Thần – Lăng Ông Vĩnh Thới cũng là nơi người dân làm nông đến cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Như hầu hết những ngôi đình khác, Đình Thần – Lăng Ông Vĩnh Thới cũng có lệ cúng Hạ Điền, Cầu Bông vào tháng 3 và tháng 10 hàng năm.
Đình Thần – Lăng Ông Vĩnh Thới gắn liền với sự thành lập và phát triển cộng đồng tại ấp Vĩnh Viễn nói riêng và xã Thanh Vĩnh Đông nói chung, được người dân trong vùng tin tưởng, trở thành một phần trong đời sống văn hóa, tinh thần của người dân.
Giữa năm 2023, được sự tài trợ của mạnh thường quân, Đình Thần – Lăng Ông Vĩnh Thới được trùng tu lại khang trang, khuôn viên rộng, không gian thờ phụng trang nghiêm. Phía trước đình là khoảng sân rộng, dùng làm nơi sinh hoạt văn hóa của người dân trong ấp. Ông Trần Ngọc Đáng cho biết, tổng kinh phí xây dựng đình khoảng 3 tỉ đồng, trong đó, người dân trong ấp đóng góp trên 100 triệu đồng, phần còn lại do mạnh thường quân tài trợ./.
Quế Lâm