Theo tài liệu của người Pháp, trước đây nơi này là chợ Phú Hòa (thuộc làng Phú Hòa). Năm 1926, Pháp xây lại thành chợ Tân Định. Năm 1927, chợ khánh thành với sự tham dự của các quan chức cao cấp nhất chính quyền thuộc địa thời bấy giờ.
Chợ được thiết kế và xây dựng bởi Société Indochinoise d’Études et de Constructions -SIDEC (nhà thầu này cũng là đơn vị thi công Bệnh viện Saint-Paul, tức Bệnh viện Mắt ngày nay). Mái cao, rộng và hệ cửa sổ lớn chạy dọc theo tường giúp thông thoáng tự nhiên rất tốt. Xung quanh đưa dầm console đỡ mái hiên ra rất dài nên có khoảng 50% ki-ốt trong chợ và 50% ki-ốt ngoài mái hiên.
“Dù cũng là không gian vượt nhịp (không có cột ở giữa) kiểu nhà công nghiệp, nhưng do đúc bằng bê tông nên hệ khung và mặt tiền của chợ Tân Định có tạo hình thẩm mỹ riêng. Xây thế này cũng là kỳ công”, KTS Linh Hoàng nhận xét.
Mặt tiền chính của chợ (hướng ra đường Hai Bà Trưng) với 3 tháp chuông (tháp ở giữa cao nhất vẫn còn quả chuông cổ). Tại sao chợ lại có 3 tháp chuông trang trí như vậy? Lý giải khá hợp lý là những tháp chuông này mang hơi hướng của kiến trúc nhà thờ, để “hòa nhịp” với nhà thờ Tân Định (ngay đối diện) cũng có một tháp chính ở giữa và hai tháp phụ hai bên.
Theo nhà nghiên cứu Tim Doling, phong cách thiết kế ấn tượng đã khiến chính quyền Pháp chi thêm tiền làm mô hình về ngôi chợ để trưng bày tại Triển lãm thuộc địa ở Paris (Pháp) năm 1931.
Lúc mới khánh thành, cửa chính của chợ không phải hướng ra đường Hai Bà Trưng như ngày nay mà hướng ra đường Mã Lộ (nay là mặt sau). Đây là nơi ngày trước xe ngựa thường đậu để đưa đón khách đi chợ.
Chợ có bốn mặt. Đây là chợ “nhà giàu” vì giá cả cao hơn các chợ khác, bù lại thì đồ tươi ngon, chất lượng. Năm 2003, chợ Tân Định được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp thành phố.
Nguồn: https://thanhnien.vn/ngoi-cho-co-mang-net-kien-truc-nha-tho-185241116212314996.htm