Ngoại trưởng Pháp Colonna cho rằng Tổng thống Syria al-Assad nên bị xét xử sau “hàng trăm cái chết” và “việc sử dụng vũ khí hóa học” trong nội chiến.
Khi được hỏi trong cuộc phỏng vấn trên truyền hình ngày 23/5 rằng có muốn xét xử Tổng thống Syria Bashar al-Assad hay không, Ngoại trưởng Pháp Catherine Colonna nói “câu trả lời là có”. Bà nhấn mạnh thêm rằng “cuộc chiến chống tội phạm, chống lại sự miễn trừ trách nhiệm là một phần chính sách ngoại giao của Pháp”.
Bình luận được đưa ra trong bối cảnh quan hệ giữa Syria và các nước trong khu vực đang ấm lên sau hơn một thập niên căng thẳng. Ông Assad hôm 18/5 tới Arab Saudi dự hội nghị thượng đỉnh Liên đoàn Arab, sau 12 năm Syria bị tổ chức này đình chỉ tư cách thành viên.
Tuy nhiên, bà Colonna cho biết Paris sẽ không thay đổi chính sách đối với lãnh đạo Syria. “Chúng ta phải nhớ Bashar al-Assad là ai. Ông ấy là lãnh đạo đối nghịch với chính người dân của mình hơn 10 năm”, Ngoại trưởng Pháp nói.
Bà nhấn mạnh thêm rằng Liên minh châu Âu (EU) chắc chắn không có kế hoạch dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với chính quyền Syria.
“Chừng nào ông ấy còn không thay đổi, không cam kết hòa giải, chống khủng bố, chống ma túy và cũng không thực hiện cam kết của mình, thì không có lý do gì để chúng tôi thay đổi thái độ đối với ông ấy”, bà Colonna cho hay. “Tôi nghĩ ông ấy phải thay đổi, không phải nước Pháp thay đổi thái độ”.
Một số chính phủ và tổ chức quốc tế cáo buộc chính quyền ông Assad sử dụng vũ khí hóa học chống lại dân thường. Hồi tháng một, Tổ chức Cấm Vũ khí Hóa học nói rằng không quân Syria năm 2018 thả xuống các hộp chứa khí độc tại Douma, khi đó là một trong những thành trì cuối cùng của phe đối lập gần thủ đô, khiến 43 người chết. Damascus nhiều lần bác bỏ các cáo buộc về vũ khí hóa học.
12 năm trước, Liên đoàn Arab đình chỉ tư cách thành viên của Syria để phản đối cách ứng phó với các cuộc biểu tình trong nước. Biểu tình sau đó biến thành cuộc nội chiến kéo dài đến ngày nay, khiến hơn 500.000 người thiệt mạng và hàng triệu người phải sơ tán. Đầu tháng này, Liên đoàn Arab tái kết nạp Syria, chấm dứt chính sách cô lập với Tổng thống Assad.
Các quốc gia trong khu vực từng muốn lật đổ Tổng thống Assad, nhưng dần thay đổi quan điểm khi ông tiếp tục nắm quyền và giành lại lãnh thổ đã mất dưới sự hỗ trợ quan trọng từ Nga và Iran. Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) thiết lập lại quan hệ với Syria vào năm 2018 và gần đây đang dẫn đầu nỗ lực đưa Damascus tái hòa nhập khu vực.
Hoạt động ngoại giao giữa các nước với Damascus tăng lên sau trận động đất xảy ra ở Syria và Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 2, thúc đẩy nhiều bên viện trợ nhân đạo cho nước này.
Tuy nhiên, không phải mọi quốc gia trong khu vực đều nhanh chóng hàn gắn quan hệ với chính quyền ông Assad. Qatar cho biết sẽ không bình thường hóa quan hệ với Syria khi chưa có giải pháp cho khủng hoảng.
Mỹ cũng kịch liệt phản đối việc Liên đoàn Arab tái kết nạp Syria. “Chúng tôi không tin rằng Syria xứng đáng được tái kết nạp vào Liên đoàn Arab tại thời điểm này. Chúng tôi sẽ không bình thường hóa quan hệ với chính quyền Assad và cũng không ủng hộ các đồng minh, đối tác của mình làm như vậy”, Bộ Ngoại giao Mỹ Vedant Patel tuyên bố hôm 8/5.
Huyền Lê (Theo AFP)