AFP đưa tin, theo lịch trình, Ngoại trưởng Blinken sẽ bắt đầu chuyến công du ở Cape Verde trước khi đến Bờ Biển Ngà, Nigeria và Angola. Đây là chuyến đi đầu tiên của ông tới khu vực châu Phi cận Sahara sau 10 tháng, khi ông tạm gác lại những lo ngại về cuộc chiến giữa Israel và Hamas ở Gaza.
Trong bối cảnh nhiều nước châu Phi không hài lòng về việc Washington tập trung vào Trung Đông và Ukraine, cũng như việc Tổng thống Mỹ Joe Biden không thực hiện lời hứa đến thăm lục địa này vào năm 2023, ông Blinken sẽ tìm cách thể hiện khía cạnh nhẹ nhàng hơn của Mỹ trong chuyến đi.
Nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ, một người yêu bóng đá và biết tiếng Pháp, dự kiến sẽ đến xem một trận đấu trong khuôn khổ Cúp các quốc gia châu Phi ở Abidjan, thành phố lớn nhất Bờ Biển Ngà, vào tối 22.1. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã đến thăm quốc gia Tây Phi này tuần trước.
Bà Molly Phee, Trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách châu Phi, cho biết ông Blinken sẽ ca ngợi nỗ lực củng cố nền dân chủ ở Bờ Biển Ngà dưới thời Tổng thống Alassane Ouattara, chuyên gia kinh tế từng du học ở Mỹ. Bờ Biển Ngà đã không chứng kiến một vụ tấn công khủng bố lớn nào trong khoảng hai năm qua.
Chuyến công du của Ngoại trưởng Mỹ diễn ra giữa những lo ngại về tình hình an ninh ở khu vực Sahel, dải đất thường xuyên chứng kiến bất ổn và xung đột tiếp giáp phía nam sa mạc Sahara.
Trong chuyến công khu vực hồi tháng 3.2023, ông Blinken đã trở thành quan chức cấp cao nhất của Mỹ từng đến thăm Niger, quốc gia thuộc khu vực Sahel, với hy vọng thể hiện sự ủng hộ đối với tổng thống khi đó là ông Mohamed Bazoum. Song chỉ 4 tháng sau, quân đội Niger lật đổ ông Bazoum và chính phủ dân cử tại Niamey (thủ đô Niger).
Trong những năm qua, công ty quân sự tư nhân Wagner hùng mạnh của Nga đã hợp tác với Mali, Cộng hòa Trung Phi và được cho là với cả Burkina Faso – các nước gần Niger. Mỹ đã cảnh báo Niamey không nên đi theo con đường tương tự. Tuần trước, thủ tướng của chính phủ bị lật đổ tại Niamey đã đến Moscow để tìm kiếm sự hợp tác sâu sắc hơn.
Niger được xem là trụ cột trong các nỗ lực của Washington nhằm chống lại các nhóm vũ trang đã tàn phá khu vực Sahel suốt nhiều năm qua. Mỹ đã xây dựng một căn cứ quân sự trị giá 100 triệu USD tại thành phố sa mạc Agadez của Niger điều khiển một đội máy bay không người lái.
Căn cứ và binh sĩ Mỹ vẫn hiện diện ở Niger nhưng Washington đang xem xét việc đồn trú ở các quốc gia ven biển ổn định hơn, giữa lúc hy vọng khôi phục chính phủ dân sự ở Niger trở nên mờ nhạt. Chính quyền quân sự ở Niamey đã trục xuất lực lượng của Pháp. Niger là thuộc địa cũ của Pháp.
Tướng James Hecker, chỉ huy lực lượng Không quân Mỹ ở cả châu Âu và châu Phi, cho biết vào cuối năm ngoái rằng “một số địa điểm” khác ở Tây Phi đang được xem xét cho kế hoạch xây dựng căn cứ máy bay không người lái mới.
Theo bà Phee, Ngoại trưởng Blinken sẽ tìm cách hỗ trợ các nước “trên mọi mặt trận để củng cố xã hội của họ, ngăn chặn sự mở rộng của các mối đe dọa khủng bố mà chúng ta thấy ở Sahel”. Ông cũng sẽ khuyến khích các nước ưu tiên “an ninh của dân thường khi thực hiện các hoạt động quân sự, đồng thời thúc đẩy nhân quyền và phát triển cộng đồng, đặc biệt là ở những nhóm dân cư chịu thiệt thòi”.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden năm ngoái đã công bố kế hoạch 10 năm nhằm duy trì sự ổn định và ngăn chặn xung đột ở Benin, Ghana, Guinea, Bờ Biển Ngà và Togo.