Tham dự buổi lễ có Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn, Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Lê Thu Hà, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách khu vực châu Á – Thái Bình Dương Daniel Kritenbrink, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper cùng đông đảo đại biểu và quan khách.
Phát biểu tại lễ khởi công, Ngoại trưởng Antony Blinken đã gọi đây là “một ngày lịch sử” trong mối quan hệ ngoại giao Việt – Mỹ.
“Xin gửi tới tất cả đại diện của Chính phủ Việt Nam và đội ngũ của chúng tôi tại Đại sứ quán Mỹ đang có mặt ở đây, cũng như các cựu đồng nghiệp. Cảm ơn tất cả các bạn đã nỗ lực để biến ngày lịch sử này trở thành hiện thực. Sự kiện này đã được chuẩn bị trong nhiều năm, và đó là kết quả đỉnh cao có được nhờ sự gắn kết tận tâm và sáng tạo giữa rất nhiều nhà ngoại giao Mỹ và Việt Nam”, Ngoại trưởng Blinken phát biểu.
Theo Ngoại trưởng Blinken, khu phức hợp Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội sẽ là biểu tượng cho bước tiến to lớn trong việc tăng cường mối quan hệ đối tác quan trọng giữa 2 quốc gia và nhân dân 2 nước. Ngoại trưởng cũng kỳ vọng công trình này sẽ là dấu mốc cho một chương mới trong quan hệ Việt – Mỹ.
Ngoại trưởng Blinken cho hay, dự án xây dựng khu phức hợp Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội sẽ kéo dài 6 năm. Trong thời gian này, khoảng 1.800 việc làm sẽ được tạo ra cho lao động địa phương, đóng góp thêm 350 triệu USD cho nền kinh tế Việt Nam.
Đại sứ quán mới của Mỹ sẽ bao gồm 8 tầng, đủ lớn để có thể tăng gấp 4 lớn số quầy làm thủ tục lãnh sự so với hiện nay, cho phép Mỹ cấp thị thực và hộ chiếu cho nhiều người và nhanh chóng hơn.
Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper cho biết đây là một sự kiện đặc biệt và đã được 2 nước chuẩn bị từ rất lâu.
“Chúng ta đã bàn bạc về vấn đề này từ khi tôi có mặt tại Việt Nam hơn 15 năm trước”, Đại sứ Knapper chia sẻ.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và các đại biểu cùng chung tay làm lễ khởi công với nghi thức xúc những xẻng đất đầu tiên.
Với diện tích 3,2ha và tọa lạc tại vị trí đắc địa giữa Công viên Cầu Giấy và phố Phạm Văn Bạch, một trong những khu vực năng động tại Hà Nội, khu phức hợp Đại sứ quán Mỹ sẽ đóng vai trò tích cực trong việc mở rộng quan hệ ngoại giao, an ninh và thương mại giữa Việt Nam và Mỹ.
Tính bền vững trong công tác thiết kế, xây dựng và vận hành của khu phức hợp Đại sứ quán thể hiện những chuẩn mực cao nhất về kiến trúc, kỹ thuật và chuyên môn xây dựng của Mỹ. Công trình sẽ có sự kết hợp hòa giữa thành phố Hà Nội nhộn nhịp với sự bình yên vốn có của Công viên Cầu Giấy.
Các loại vật liệu dùng để xây dựng công trình được lấy cảm hứng từ Vịnh Hạ Long của vùng Đông Bắc Việt Nam, đồng thời sự tổng hòa của các vật liệu này thể hiện cách tiếp cận hướng về tương lai, có chiều sâu, thích ứng và minh bạch trong chính sách ngoại giao của Mỹ.
Kiến trúc bằng đá bazan trong khối nhà chính tượng trưng cho sức mạnh và sự ổn định, trong khi các mái che bằng kính và các tấm thép không gỉ sẽ phản chiếu hình ảnh bầu trời và mang lại cảm giác rộng mở. Khuôn viên Đại sứ quán mới cũng có một ao sen, loài quốc hoa của Việt Nam và là biểu tượng cho sự thanh cao, lòng cam kết và lạc quan về tương lai.
Ngoài ra, đơn vị thiết kế cũng sử dụng một giải pháp xây dựng được lấy cảm hứng từ những cánh đồng lúa cho cảnh quan mái hiên, nhằm giảm thiểu tác động của nước mưa chảy tràn.
Vị trí khu đất 3,2ha xây trụ sở Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội tiếp giáp Công viên Cầu Giấy qua phố Trương Công Giai. Mặt chính quay ra phố Phạm Văn Bạch. Theo dự kiến, công trình khu phức hợp Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam sẽ có tổng giá trị 1,2 tỷ USD (Đồ họa: Tuấn Huy).
Một bên sườn phía bắc khu đất tiếp giáp với tòa nhà FPT qua một con đường nhỏ.
Khu phức hợp Đại sứ quán sẽ trưng bày các tác phẩm thuộc nhiều lĩnh vực nghệ thuật, bao gồm hội họa, điêu khắc, chế tác gốm và in ấn của nhiều nghệ sĩ Việt Nam và Mỹ. Những tác phẩm này truyền tải thông điệp về các giá trị chung giữa nhân dân 2 nước, trong đó nổi bật là những tác phẩm được sáng tác cho một không gian cụ thể, phản ánh sự thấu hiểu về tính đa dạng và chiều sâu của di sản văn hóa Việt Nam và Mỹ.
Phía Nam khu đất ngăn cách với khu dân cư bởi phố Hoàng Quán Chi.
Khu vực cổng chính khu phức hợp sẽ quay ra mặt phố Phạm Văn Bạch, tiếp giáp Viện Huyết học Truyền máu Trung ương và Trụ sở Tòa án Nhân dân tối cao.