Thông tin trên được ông Nam đưa ra tại hội thảo “Vai trò, nhiệm vụ của khuyến nông, khuyến nông cộng đồng khi thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL (đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao)” do Bộ NNPTNT phối hợp với UBND tỉnh Trà Vinh tổ chức.
Ông Nam nhấn mạnh, Ngân hàng Thế giới (Word Bank) sẽ mua tất cả tín chỉ các bon trong đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao. Theo đó, 1 tấn lúa được khoảng 10 USD, 1 ha năng suất khoảng 10 tấn thì được tương đương 100 USD. “Đây là tính toán ban đầu và có khả năng đạt được” – ông Nam nói.
Để việc đo đếm đạt và được chi trả tín chỉ các bon hợp lý ngoài việc bán lúa, ông Nam yêu cầu người dân phải thực hiện đúng quy trình mà ngành nông nghiệp đưa ra.
Về quy trình, Cục Trồng trọt cùng các đơn vị có liên quan sẽ ban hành dự thảo vào tháng 4 tới, sau khi lấy ý kiến rộng rãi các bên.
Sau khi có dự thảo, Bộ NNPTNT sẽ tổ chức thực hiện thí điểm Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao tại 5 địa phương (trong đó có Trà Vinh). Mỗi địa phương thực hiện từ 50-70ha, để tính ra được kết quả giảm phát thải.
“Tháng 5 tới, bắt đầu làm thí điểm, đến tháng 8, tháng 9 sẽ có lúa giảm phát thải. Sau 3 vụ trồng liên tiếp, chúng ta ra được quy trình chính thức. Lúc này, Bộ NNPTNT sẽ có được định mức phát thải, trên cơ sở đó làm việc với Word Bank về việc chi trả tín chỉ các bon” – Thứ trưởng Bộ NNPTNT thông tin thêm.
Như Dân Việt đã thông tin, trong Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao đã được phê duyệt, có 12 tỉnh, thành vùng ĐBSCL tham gia thực hiện (trừ Bến Tre).
Trong giai đoạn 1 (2024 – 2025), các địa phương sẽ tập trung củng cố các diện tích đã có của Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT) là 180.000 ha. Giai đoạn 2 (2026 – 2030), sẽ mở rộng thêm 820.000 ha.
Mục tiêu của đề án là hình thành 1 triệu ha vùng chuyên canh lúa chất lượng cao theo chuỗi giá trị, áp dụng các quy trình canh tác bền vững nhằm gia tăng giá trị, phát triển bền vững của ngành lúa gạo, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thu nhập và đời sống của người trồng lúa.
Ngoài ra đề án còn nhằm mục tiêu bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.