Những địa phương nào gộp hoá đơn tiền điện?
Những ngày qua, trên các diễn đàn mạng xã hội, người dân, khách hàng sử dụng dịch vụ của Tổng công ty Điện lực Hà Nội (EVN Hà Nội) đăng tải bài viết, cùng với hình ảnh ghi chỉ số công tơ phản ánh việc hóa đơn tiền điện tháng 2 tăng đột biến. Đáng nói hơn, đây là tháng mà nhiều hộ dân tại thủ đô “cửa đóng then cài” nhiều ngày để về quê nghỉ Tết Nguyên đán 2024.
Theo tìm hiểu của Lao Động, kế hoạch thay đổi lịch chốt số công tơ điện về ngày cuối tháng tại 21 quận, huyện của thành phố đã được EVN Hà Nội công bố từ đầu tháng 10.2023 và chính thức áp dụng vào ngày 30.11.2023.
Tuy nhiên, phía EVN Hà Nội cho biết, thời điểm đó chưa thực hiện được do biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt tăng trong tháng, việc tăng thêm thời gian sử dụng điện trong tháng sẽ ảnh hưởng tới cuộc sống sinh hoạt của người dân.
Do vậy, sang tháng 2.2024, đơn vị này mới thực hiện thay đổi đồng bộ ở 30 công ty điện lực trên địa bàn. Theo cơ quan điện lực, việc thay đổi khoảng thời gian chốt số công tơ điện sẽ giúp cơ quan quản lý dễ theo dõi, thống nhất số liệu để báo cáo, hạn chế các sai sót liên quan.
Theo tìm hiểu của Lao Động, việc thay đổi ghi chỉ số công tơ, gộp hoá đơn trong kỳ thanh toán tiền điện tháng 2 (sau Tết) chỉ duy nhất thành phố Hà Nội thực hiện. Trước Hà Nội, có một số địa phương như TPHCM, Phú Yên, Khánh Hoà, Quảng Bình, Thái Nguyên đã áp dụng từ tháng 9.2023.
Trong đó cũng có nơi vấp phải ý kiến trái chiều trong việc thay đổi ghi chỉ số công tơ, gộp hoá đơn thanh toán tiền giống trường hợp của Hà Nội.
Cụ thể, ở TPHCM, sau kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 2.9, hoá đơn tiền điện của người dân tăng đột biến do ngành điện thành phố gộp hoá đơn. Đại diện Tổng công ty Điện lực TPHCM thời điểm đó cũng giải thích, lịch ghi điện cũ là ngày 10 hằng tháng, song điện lực chuyển sang ghi điện vào cuối tháng kể từ tháng 8.2023.
Do đó, thay vì số ngày ghi điện là 31 ngày nếu ghi từ 11.7 đến 10.8 thì nay chuyển sang 52 ngày vì ngày ghi điện kéo dài đến 31.8.
Với kỳ ghi hóa đơn tiền điện 31 ngày, định mức cho bậc 1 theo quy định là 50kWh, còn với kỳ ghi tăng lên 52 ngày, định mức bậc 1 sẽ là 84kWh do số ngày ghi tăng lên, đơn giá không thay đổi. Với các bậc thang còn lại, định mức cũng sẽ tăng lên tương ứng.
Điện lực Hà Nội giải thích nhưng khách hàng chưa thấy thoả đáng
Trước băn khoăn việc tiền điện người dân phải trả sẽ tăng khi dời ngày ghi chỉ số công tơ vào cuối tháng, bà Tô Lan Phương – Trưởng ban kinh doanh Tổng công ty Điện lực Hà Nội giải thích mức sử dụng điện tử từng bậc thang sẽ được điều chỉnh theo số ngày thực tế dùng điện của kỳ ghi chỉ số. Do đó, tiền điện thực tế người dân thanh toán sẽ không đổi.
EVN Hà Nội chốt công tơ ngày 29.2, khiến thời gian sử dụng điện của người dân tăng thêm 11 – 28 ngày. Do số ngày thực tế của kỳ hóa đơn này tăng lên, kéo dài thành 57 ngày nên EVN Hà Nội cũng tăng số kWh để hưởng giá điện bậc 1, bậc 2 sẽ từ 50kWh (theo quy định) được giãn rộng tới 92kWh; bậc 3, bậc 4 được giãn rộng từ 100 số lên 184 số.
Con số tối đa 92kWh và 184kWh mà chúng tôi đưa ra không cố định. Tùy theo số ngày tiêu thụ điện tăng thêm của mỗi hộ gia đình sẽ có cách tính toán cụ thể, phù hợp. Nếu số ngày tiêu thụ điện tăng thêm ít đi, đồng nghĩa với sản lượng tính trên giá bậc thang sẽ giảm xuống tương ứng (nhỏ hơn 92kWh đối với bậc 1, bậc 2 và nhỏ hơn 184kWh đối với bậc 3, bậc 4).
“Chúng tôi xây dựng bộ công cụ tính toán sản lượng điện sử dụng ở từng bậc thang, người dân có thể kiểm tra lượng điện tiêu thụ của hộ gia đình qua ứng dụng hoặc website của ngành điện. Quyền lợi khách hàng dùng điện được đảm bảo”, Trưởng ban Kinh doanh EVN Hà Nội nói.
Dù EVN Hà Nội đã lên tiếng, song khách hàng vẫn thấy không thỏa đáng. Anh Huy (Thanh Trì) nói, nếu trong trường hợp ngành điện có tính tiền theo từng tháng, sao không tách riêng số tiền ra cho dễ hiểu. Ví dụ số tiền điện tháng 1 là X đồng (có bảng tính chỉ số điện năng tiêu thụ và lũy kế theo bậc), số tiền tháng 2 là Y đồng, tổng 2 tháng bằng X+Y. Như thế, cũng không cần rắc rối nâng chỉ số tính bậc thang từ 50 số lên 90 số làm gì cho phức tạp.
“Cứ cho là việc tính gộp không gây thiệt hại cho khách hàng, thì rõ ràng chính ngành điện đang làm cho vấn đề trở nên rối rắm, khó hiểu, gây dư luận không tốt. Chưa kể, nếu tách 2 tháng, thì áp lực đóng tiền điện sẽ giảm, ví dụ như nhà tôi, mỗi tháng 2,5 triệu đồng sẽ bớt áp lực hơn để 2 tháng đóng 1 lúc 5 triệu đồng. Trong bối cảnh lạm phát hiện nay, điều này rõ ràng gây ức chế cho khách hàng”, anh Huy phân tích.
PGS.TS Ngô Trí Long – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giá (Bộ Tài chính) cho rằng, thông thường, khách mua hàng càng nhiều thì càng được giảm giá, duy chỉ có ngành điện là khách sử dụng càng nhiều thì càng chịu giá cao. Mà giá tính bậc thang nên việc gộp 2 tháng để tính tiền 1 lần gây lo lắng hay hiểu nhầm là điều khó tránh khỏi.
Ông cho rằng, việc thay đổi ghi chỉ số công tơ cũng là trong chỉ đạo chung từ quản lý Nhà nước đến doanh nghiệp, đến người dân. Việc thống nhất ngày ghi chỉ số sẽ đảm bảo quyền lợi của khách hàng sử dụng điện, cũng như dễ dàng trong công tác quản lý, vận hành và thanh quyết toán của bên đơn vị bán điện, người sử dụng điện.
Song ông lưu ý tiền điện đang tính theo biểu lũy kế, tức dùng nhiều sẽ phải trả ở bậc thang giá cao hơn. Do đó, ngày chốt chỉ số công tơ cần được cơ quan quản lý giám sát để tránh phát sinh chi phí, khiến người tiêu dùng chịu thiệt không đáng có.