Năm nay, cá về sớm hơn, ngư dân phấn khởi ra khơi đánh bắt, tàu thuyền về đầy ắp khoang. Nhờ thế, làng nghề hấp cá Tịnh Kỳ (TP Quảng Ngãi) đỏ lửa suốt đêm ngày.
Những ngày này, cảng cá Tịnh Kỳ (TP Quảng Ngãi), trên bến dưới tàu luôn nhộn nhịp. Các chủ vựa, đầu nậu, thương lái và hàng chục xe đông lạnh, xe máy chở cá đợi sẵn các con tàu về bờ trong niềm vui phấn khởi được mùa của nhiều người.
Chủ tàu QNg 11324TS Võ Thành Công cho biết, chuyến biển này tàu đánh bắt được khoảng 3 tấn cá, ít hơn các chuyến trước nhưng nhờ được giá nên anh em bạn tàu có thu nhập cao.
Tàu cá ở xã Tịnh Kỳ (TP Quảng Ngãi) sau một đêm đánh bắt trở về với cá cơm đầy khoang.
Từ mùng 6 tháng Giêng năm Giáp Thìn đến nay, vùng biển gần bờ thuộc tỉnh Quảng Ngãi xuất hiện dày đặc cá cơm nên nhiều chủ tàu sau một đêm ra khơi đánh bắt trở về thu được từ 5 – 10 tấn, với giá tại cảng từ 15 – 40 nghìn đồng/kg.
Nhờ được mùa, được giá, nhiều tàu liên tục ra khơi đánh bắt.
Từ đầu năm đến nay ngư dân xã Tịnh Kỳ đánh bắt hơn 4.000 tấn cá cơm, với giá bình quân từ 15 – 35 nghìn đồng/kg, nhiều chủ tàu thu về hàng trăm triệu đồng sau một đêm.
Nhờ được mùa cá và giá cá cơm tăng cao nên giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương. Bà Nguyễn Thị Cúc, ở thôn An Vĩnh xã Tịnh Kỳ cho biết, hơn 15 năm hành nghề buôn bán cá, ít có năm nào như năm nay, cá dồi dào, lại được giá nên buôn bán cũng dễ dàng. Bình quân mỗi ngày tôi chuyển đi các nơi khoảng hơn 1 tạ cá bán thu lãi được hơn 500 nghìn đồng.
Các dịch vụ cung ứng xăng, đá cây, thực phẩm, nước uống… cũng diễn ra sôi động. Các lò hấp cá ở Tịnh Kỳ hoạt động suốt đêm ngày. Ông Nguyễn Văn Tùng, chủ cơ sở hấp cá xã Tịnh Kỳ cho biết, hơn 1 tháng qua, ngày nào lò cá cũng hấp từ 3 – 4 tấn cá, có hôm hấp hơn 8 tấn. Để cá cơm hấp phơi giòn, giữ được độ tươi ngọt của cá, vị mặn mòi của biển đòi hỏi phải qua nhiều công đoạn từ sơ chế đến thời gian hấp cá, vì vậy đòi hỏi nhiều lao động.
Cơ sở hấp cá của ông Tùng hiện giải quyết việc làm cho 12 lao động, mỗi lao động được chi trả từ 250 – 300 nghìn đồng/ngày.
Chủ tịch UBND xã Tịnh Kỳ Nguyễn Hoài Thanh cho biết, nghề hấp cá cơm ở xã có từ lâu đời. Nghề hoạt động phụ thuộc vào mùa biển, nhưng nhộn nhịp nhất là từ tháng Giêng đến tháng 3 âm lịch khi cá cơm được mùa.
Toàn xã có 8 cơ sở hấp cá, mỗi cơ sở giải quyết việc làm cho hàng chục lao động địa phương. Sau khi chế biến cá, sản phẩm cá cơm được các cơ sở bán đi các nơi và xuất khẩu sang Trung Quốc.
Vì vậy, để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, giữ thương hiệu cá cơm khô Tịnh Kỳ, xã đã tuyên truyền, khuyến cáo các cơ sở chế biến cá không sử dụng hóa chất trong quá trình sơ chế hấp cá, tập huấn cho các chủ cơ sở hấp cá về các quy định kinh doanh trong nghề chế biến cá.
Đến nay, các cơ sở chế biến cá cơm khô Tịnh Kỳ đều có giấy xác nhận vệ sinh an toàn thực phẩm… Nhờ đó, cá cơm Tịnh Kỳ được nhiều nơi ưa chuộng.