Điều trị cho bệnh nhân ngộ độc rượu tại Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai). Ảnh: Xuân Lộc
Những cái kết đắng lòng
Trong bữa tiệc tại nhà, sau khi gần hết rượu, 4 người ở huyện Đầm Dơi (tỉnh Cà Mau) đã sử dụng chai sát khuẩn tay nhanh pha vào rượu để uống. Ngày hôm sau, tất cả họ đều bị đau đầu, mệt, nôn ói nhưng không đi khám. Đến khi có 1 người mệt và tử vong tại nhà nên gia đình đã đưa 3 người còn lại đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau. Tại đây, cả 3 bệnh nhân được xác định ngộ độc rượu methanol. Do nhập viện điều trị muộn nên những người này đều có biến chứng nguy hiểm, trong đó 1 trường hợp tiên lượng xấu. Từ đầu năm 2023 đến nay, tỉnh Cà Mau đã ghi nhận 3 vụ ngộ độc rượu methanol khiến 3 người tử vong.
Trước đó, Bệnh viện Đa khoa Đông Anh (Hà Nội) cũng đã cấp cứu một nam bệnh nhân (56 tuổi) bị ngộ độc methanol với tiên lượng rất nặng. Bệnh nhân này có tiền sử nghiện rượu và được đưa đến Khoa Cấp cứu của bệnh viện trong tình trạng hôn mê sâu, da tím tái, chân tay lạnh, tiểu tiện không tự chủ. Kết quả xét nghiệm khí máu cho thấy, có tình trạng toan chuyển hóa nặng, bệnh nhân được chẩn đoán bị ngộ độc cấp methanol tiên lượng rất nặng và được chuyển lên Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai). Tại đây, kết quả xét nghiệm cho thấy, nồng độ methanol trong máu rất cao, phải lọc máu cấp cứu.
Ngay từ đầu năm 2023, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã đưa ra cảnh báo về việc, một số tỉnh, thành phố đã ghi nhận nhiều trường hợp phải cấp cứu có liên quan đến việc sử dụng rượu không bảo đảm an toàn, rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ, rượu có hàm lượng methanol cao, trong đó đã có ca tử vong. Methanol hay còn gọi là cồn công nghiệp có nhiều công dụng như làm sơn, dung môi… Tuy nhiên, chất này rất độc với cơ thể và hoàn toàn không được sử dụng làm rượu thực phẩm như ethanol.
Qua mỗi trường hợp phát hiện rượu trôi nổi có chưa methanol, Bệnh viện Bạch Mai đều thông báo cụ thể tới các cơ quan chức năng nhưng thực trạng vẫn tiếp diễn. Tiến sĩ – bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, các trường hợp ngộ độc methanol chủ yếu xuất phát từ 2 nguyên nhân là uống rượu kém chất lượng có pha methanol và uống phải cồn y tế bị làm giả, với thành phần ethanol bị thay thế thành cồn công nghiệp methanol.
“Tùy cơ địa từng người sẽ có những phản ứng khác nhau khi uống rượu chứa methanol. Có người sau khi uống sẽ có biểu hiện say rượu thông thường, sau 2 ngày mới có thể bắt đầu biểu hiện ngộ độc. Thậm chí, methanol được chuyển hóa và thải trừ rất chậm. Do đó, nếu bệnh nhân không tử vong thì methanol có thể vẫn còn phát hiện thấy trong người tới 8 ngày sau uống. Tuy nhiên, nếu để methanol tồn tại trong cơ thể giờ nào thì chất độc này chuyển dần thành a xít formic gây tổn thương mắt và não”, Tiến sĩ – bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên phân tích.
Không ngâm rượu thuốc tùy tiện
Ngoài các trường hợp bệnh nhân bị ngộ độc rượu methanol, Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) còn tiếp nhận điều trị nhiều bệnh nhân nhập viện do bị ngộ độc sau khi uống các loại rượu ngâm với rễ cây để chữa đau lưng, đau khớp gối, bồi bổ cơ thể… Tiến sĩ – bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc cho biết, một số trường hợp xét nghiệm mẫu rượu bệnh nhân mang đến và xét nghiệm máu của bệnh nhân đã phát hiện ra thành phần salicylate có nguồn gốc từ rễ cây. Ngộ độc salicylate có thể dẫn đến những hậu quả nặng nề cho sức khỏe. Bệnh nhân chóng mặt, buồn nôn, ù tai, co giật, hôn mê, tụt huyết áp, có tổn thương não và tổn thương thận, dễ bị tử vong.
Trên thực tế, việc sử dụng rượu thuốc, ngâm rượu thuốc rất tùy tiện theo tâm lý của người tiêu dùng “có gì ngâm nấy”. Có những loại rượu được ngâm các loại thảo dược như: Sâm, nấm linh chi, đinh lăng, cúc hoa, hà thủ ô, chuối chát… hay ngâm các bài thuốc đông y. Nhiều người cho rằng, rượu ngâm các loại thảo dược, rễ cây đều là loại thực phẩm từ thiên nhiên, lành tính. Do đó, họ đã sử dụng bất kỳ loại cây, rễ, lá nào đó có tác dụng chữa bệnh và bổ dưỡng mang ngâm với rượu rồi uống và nghĩ rằng có thể điều trị được bệnh.
Theo các chuyên gia y tế, việc ngâm rượu từ thực vật cũng như động vật cũng phải có sự chỉ định của các bác sĩ đông y. Rượu thuốc phải uống như thuốc, uống theo chỉ định và với liều lượng nhất định. Với các loài cây, con vật, côn trùng, nếu dùng đúng sẽ là vị thuốc hay. Ngược lại, nếu dùng bừa bãi không đúng cách thì sẽ gây độc, nhất là với loài cây, cỏ hoang dã thường có chứa độc tố tác hại lên thần kinh, tim mạch, hô hấp…, thậm chí dẫn đến tử vong.
Bác sĩ Nguyễn Hồng Tốt, Khoa Hồi sức nội và chống độc, Trung tâm Hồi sức (Bệnh viện Trung ương Quân đội 108) lưu ý thêm, ngộ độc methanol rất nguy hiểm, tỷ lệ tử vong cao, đặc biệt là các trường hợp đến muộn. Trong trường hợp nhập viện quá trễ, bệnh nhân có thể tử vong vì suy đa cơ quan và toan chuyển hóa nặng. Một số trường hợp may mắn được cứu sống có thể đối mặt với di chứng thần kinh, thị giác. Do đó, người dân sử dụng rượu có nguồn gốc và cũng nên hạn chế sử dụng rượu, bia để bảo đảm sức khỏe, đặc biệt là không uống rượu, bia khi tham gia giao thông.
Nguồn Hanoimoi