Trao đổi với bác sĩ, một bệnh nhân cho biết, trưa 29.6, cả 5 người (đều là nam giới – PV) bắt được 0,7 kg bọ xít ở ruộng, sau đó đem rang lên và ăn trong bữa trưa (khoảng 12 giờ).
Đến khoảng 15 giờ cùng ngày, tất cả đều có biểu hiện đau bụng, đi ngoài, cảm giác đau mỏi khắp người, được người nhà đưa đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Ninh Bình.
Trong 5 bệnh nhân, 2 người là bệnh nhân 38 và 39 tuổi ngộ độc rất nặng, bị liệt cơ liên sườn và liệt cơ hô hấp, khó thở, được các bác sĩ của Bệnh viện đa khoa tỉnh Ninh Bình chuyển lên điều trị tại Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội). Trong đó, bệnh nhân 38 tuổi phải thở máy.
Theo TS – BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, 2 bệnh nhân này vào điều trị tại Trung tâm Chống độc trong trạng thái tỉnh nhưng đều có liệt cơ liên sườn, cơ tổn thương rất nặng, tiêu cơ vân (tiêu cơ do chất độc gây tổn thương cơ), liệt cơ hô hấp.
Hai bệnh nhân được điều trị tích cực, truyền thuốc thải độc để tránh bị suy thận. Sau điều trị, 2 bệnh nhân bình phục. Bệnh nhân nặng nhất được ra viện ngày 7.7. Bệnh nhân cùng điều trị đã được ra viện trước đó, ngày 5.7.
“Chắc chúng tôi ăn nhiều, không đếm được, vì bọ xít này nhỏ mà rang tận 7 lạng, chỉ 5 người ăn”, một bệnh nhân thuật lại sau khi bình phục.
Bác sĩ Nguyên cho biết, xác định ban đầu, bọ xít mà các bệnh nhân ăn và bị ngộ độc là bọ xít vải, có tên khoa học là Agonoscelis nubilis. Hiện, chưa xác định được đầy đủ các chất gây độc trong bọ xít này.
5 người bị ngộ độc, liệt cơ sau khi ăn bọ xít rang
Nguy cơ cao côn trùng mang mầm bệnh
Tuy nhiên, các ca ngộ độc nêu trên không phải gặp lần đầu. Năm 2021, Trung tâm Chống độc cũng đã tiếp nhận 6 người trong gia đình tại H.Yên Thủy (Hòa Bình) bị ngộ độc sau khi cùng ăn khoảng 0,5 kg bọ xít rang. Sau ăn, cả gia đình nhập viện do xuất hiện đau bụng, buồn nôn, đau mỏi người.
Theo bác sĩ Nguyên, bọ xít có nhiều loài, trong đó cũng nhiều loài có thể có chất độc mà hiện chưa thể đánh giá hết. Bên cạnh đó, ngay cả khi con vật không có độc nhưng cũng có nguy cơ rất cao mang các mầm bệnh và lây bệnh cho người (như các ký sinh trùng, vi khuẩn, virus).
Thông tin y học về độc tính của các loài sâu, bọ xít hiện nay còn ít. Do đó, có rất ít loài sâu, bọ xít được khoa học chứng minh là an toàn để ăn. Trong cộng đồng cũng như các bác sĩ cũng không thể nhận dạng để xác định loài bọ xít cụ thể và rất dễ nhầm lẫn.
“Trường hợp ăn các loài sâu, bọ xít và bị ngộ độc thì các bác sĩ gặp rất nhiều khó khăn trong chẩn đoán và cứu chữa, đồng nghĩa với số mệnh của bạn gặp nhiều rủi ro”, bác sĩ Nguyên lưu ý.
Chuyên gia chống độc khuyên, để phòng tránh ngộ độc và mắc bệnh, bên cạnh một vài dạng côn trùng đã được biết rõ ràng có thể dùng làm thực phẩm (ví dụ nhộng tằm), người dân không nên sử dụng các sinh vật lạ hoặc không chắc chắn làm thực phẩm dù chế biến bằng bất kỳ cách nào.