Liên tục đấu giá và hạ giá nhưng không ai mua
Nhiều năm nay, khuôn viên của Nhà máy ô tô VEAM tại phường Bắc Sơn, thị xã Bỉm Sơn, Thanh Hóa (thuộc Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam) dành một khoảng đất rộng mênh mông để chứa hàng nghìn xe tải tồn kho từ lâu.
Ghi nhận của PV. VietNamNet, hàng nghìn chiếc xe lắp ráp từ khi còn mới tinh nằm phơi nắng mưa nhiều năm, đến nay cỏ dại bao quanh, lô xe rao bán nhiều lần nhưng vẫn chưa thể có chủ mới.
Mới đây, ngày 13/5/2024, Công ty Đấu giá hợp danh Đấu giá Việt Nam lại thông báo đấu giá tài sản 2.177 xe do Nhà máy ô tô VEAM – Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam – CTCP ủy quyền.
Giá khởi điểm là hơn 503 tỷ đồng, giảm đáng kể so với những lần đấu giá trước đây.
Năm 2000, Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) dự định đầu tư một nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô tại Thanh Hoá, số vốn khoảng 350 tỷ đồng. Tuy nhiên, dự án này sau đó điều chỉnh lại bằng việc mua nguyên một nhà máy cũ của Tập đoàn Samsung (Hàn Quốc).
Tập đoàn Samsung có 2 nhà máy sản xuất ô tô con và ô tô tải, đặt tại Hàn Quốc, hoạt động từ năm 1996 và ngừng vào tháng 10/2000 vì khủng hoảng tài chính. Samsung quyết định bán cả 2 nhà máy để trả nợ. Toàn bộ nhà máy sản xuất ô tô con được bán cho cho hãng Reunault (Pháp), còn nhà máy sản xuất ô tô tải bán cho VEAM vào đầu năm 2004.
Theo báo cáo của VEAM ngày 7/5/2019 gửi Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát, tính đến ngày 31/12/2018, tổng vốn đầu tư VEAM chuyển cho dự án nhà máy ô tô này lên đến gần 2.000 tỷ đồng và lỗ lũy kế 343 tỷ đồng.
Hàng tồn kho vào thời điểm 31/12/2018 là 2.950 xe, trong đó xe sản xuất từ 2017 trở về trước là 2.355 (tiêu chuẩn khí thải Euro2) và xe sản xuất từ 2015 về trước là 219 xe.
Lý do lô ô tô ế ẩm nhiều năm
Cũng theo báo cáo ngày 7/5/2019, dự án này có vốn đầu tư 599,59 tỷ đồng. Sau đó, dự án được nâng lên gần 700 tỷ đồng trong khi công suất thiết kế nhà máy không thay đổi. Dự án được quyết toán với số vốn đầu tư 662 tỷ đồng.
Đầu tư sản xuất xe ô tô nhưng báo cáo của VEAM cho thấy số xe sản xuất ra từ nhiều năm trước vẫn nằm trong kho, không bán được.
Tổng số có tới 2.622 xe thương hiệu VEAM tồn, giá vốn lên tới hơn 966 tỷ đồng. Trong đó, có tới 2.221 xe tồn từ 2017 trở về trước với giá vốn là 878 tỷ đồng. Nguy cơ mất vốn lớn đối với xe tồn không thể tiêu thụ hoặc phải giảm giá bán để tiêu thụ.
Báo cáo này cũng chỉ ra một trong những lý do là Nhà máy ô tô VEAM chủ trương đưa ra thị trường xe thương hiệu VEAM. Thực chất, số xe đó được tổ hợp từ các cụm linh kiện khác nhau từ nhiều nhà cung cấp chứ không sử dụng bộ linh kiện đồng bộ. Phương thức này đã dẫn đến VEAM không có đối tác hợp tác về sản xuất sản phẩm.
Trong thông báo đấu giá tài sản lần đầu tiên vào tháng 11/2021, số xe được đưa ra đấu là 2.290 xe, giá khởi điểm là hơn 971 tỷ đồng.
Tháng 2/2022, tại thông báo đấu giá tài sản lần hai, công ty này rao bán đấu giá 2.257 xe với giá khởi điểm hơn 931 tỷ đồng.
Trong lần đấu giá hồi tháng 8/2023 cho 2.122 xe này, công ty đấu giá thông báo giá khởi điểm là hơn 626 tỷ đồng.
Lần thông báo đấu giá gần nhất ngày 13/5/2024, giá khởi điểm cho lô xe chỉ còn 503 tỷ đồng.
Tháng 4/2021, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam 2 bị can là cán bộ của nhà máy ô tô VEAM ở Thanh Hóa, gồm Phó Giám đốc Nguyễn Đức Toàn cùng với Trần Thị Thanh Tâm để điều tra về tội tham ô tài sản theo quy định Điều 353 Bộ luật Hình sự. Trước đó, năm 2020, ông Trần Ngọc Hà, nguyên Tổng giám đốc VEAM, cùng một loạt cựu lãnh đạo đã bị khởi tố, bắt giam. |
Nguồn: https://vietnamnet.vn/nghin-o-to-cua-dai-gia-viet-phoi-mua-nang-o-thanh-hoa-ha-gia-gan-nua-quyet-ban-2289053.html