Trong trường hợp khởi động lại các dự án điện hạt nhân ở Việt Nam, việc ứng dụng các công nghệ hạt nhân tiên tiến và đảm bảo tiêu chuẩn an toàn cao nhất là rất quan trọng.
Chiều 17-10, Bộ KH-CN tổ chức họp báo thường kỳ quý 3-2024. Tại đây, ông Phạm Quang Minh, Phó Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (thuộc Bộ KH-CN), đã nêu quan điểm về việc tái khởi động dự án điện hạt nhân tại Việt Nam.
Theo ông Minh, trong bối cảnh chống biến đổi khí hậu và cân bằng CO2 theo các cam kết tại COP26 và COP28, chuyển đổi xanh trong cơ cấu nguồn điện là rất cần thiết. Xu thế của nhiều nước hiện nay là phát triển điện hạt nhân kết hợp cùng với năng lượng tái tạo.
Điện hạt nhân có vai trò quan trọng trong phụ tải nền, tạo ra sự tin cậy và ổn định cho hệ thống điện. Bên cạnh đó, điện hạt nhân là nguồn điện hầu như không phát thải CO2 (phát thải tương đương thủy điện và điện gió), sẽ là nguồn điện quan trọng trong cơ cấu nguồn điện của nhiều nước thời gian tới.
Việc khởi động lại dự án điện hạt nhân để phục vụ phát triển kinh tế – xã hội tại Việt Nam được thể hiện trong bối cảnh các chính sách phát triển năng lượng bền vững, đảm bảo an ninh năng lượng và cam kết giảm phát thải carbon, đạt được mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050.
“Điện hạt nhân được xem là một giải pháp quan trọng để đảm bảo an ninh năng lượng cho Việt Nam trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ điện gia tăng mạnh. Bên cạnh các nguồn năng lượng tái tạo, điện hạt nhân có thể giúp cân bằng nguồn cung năng lượng, đảm bảo ổn định cho nền kinh tế và xã hội trong dài hạn,” ông Minh cho biết.
Ông Minh cho rằng, trong trường hợp khởi động lại các dự án điện hạt nhân, việc ứng dụng các công nghệ hạt nhân tiên tiến và đảm bảo tiêu chuẩn an toàn cao nhất là rất quan trọng. Mặt khác, phát triển điện hạt nhân sẽ tạo ra đội ngũ nguồn nhân lực chất lượng cao để phát triển đất nước.
Đây cũng là cơ hội để thúc đấy mạnh mẽ KH-CN, đặc biệt là thúc đẩy ứng dụng kỹ thuật hạt nhân, công nghệ bức xạ trong các lĩnh vực y tế, nông nghiệp, công nghiệp và tài nguyên môi trường lên tầm cao mới; thúc đẩy các ngành công nghiệp nền tảng để phát triển đất nước (cơ khí chế tạo, đo lường, tự động điều khiển, công nghệ hóa học, vật liệu thép luyện kim…).
“Theo Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, việc nghiên cứu và xem xét khởi động lại các dự án điện hạt nhân để phục vụ phát triển kinh tế – xã hội là quan trọng và cần thiết trong giai đoạn hiện nay”, ông Minh nhấn mạnh.
Tại cuộc họp báo, ông Trần Anh Tú, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ cao, Bộ KH-CN, đã chia sẻ những giải pháp, đóng góp cụ thể của Bộ KH-CN để thực hiện thành công Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050 do Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành.
Theo đó, Bộ KH-CN sẽ phối hợp với các bộ, ngành, các tổ chức, doanh nghiệp để tháo gỡ các khó khăn, tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam. Đồng thời, tăng cường hợp tác quốc tế về khoa học công nghệ trong lĩnh vực bán dẫn.
Đặc biệt, thông qua mạng lưới các văn phòng đại diện khoa học và công nghệ ở một số quốc gia và vùng lãnh thổ, Bộ KH-CN sẽ thúc đẩy hỗ trợ tìm kiếm đối tác, công nghệ để kết nối, chuyển giao công nghệ. Bộ KH-CN sẽ tiếp tục tổ chức các hội nghị, hội thảo khoa học, các hoạt động có liên quan đến lĩnh vực bán dẫn để tăng cường kết nối, thu hút các nhà khoa học, các diễn giả trong và ngoài nước tham gia chia sẻ, nghiên cứu chung và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực bán dẫn.
Ông Trần Anh Tú cũng cho biết, Bộ KH-CN đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2030 (Quyết định số 157/QĐ-TTg ngày 1-2-2021). Đồng thời, Bộ đã ban hành Thông tư số 04/2024/TT-BKHCN quy định quản lý Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2030. Bộ KH-CN sẽ ưu tiên, tập trung triển khai Chương trình sản phẩm quốc gia, trong đó có sản phẩm vi mạch bán dẫn.
TRẦN BÌNH
Nguồn: https://www.sggp.org.vn/nghien-cuu-xem-xet-khoi-dong-lai-du-an-dien-hat-nhan-o-viet-nam-post764122.html