Chiều 26/12, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam tổ chức hội thảo công bố Báo cáo nghiên cứu về đánh giá tiếp cận, công bằng giáo dục với trẻ nhập cư ở các khu công nghiệp và khu chế xuất. Tham dự hội thảo có các chuyên gia, nhà khoa học đến từ các trường đại học, các tổ chức trong nước và quốc tế.
Phát biểu tại hội thảo, Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam Lê Anh Vinh cho biết: Tại các khu công nghiệp và khu chế xuất ở Việt Nam, nơi có nhiều gia đình lao động nhập cư sinh sống, vấn đề giáo dục cho trẻ em tiểu học đang phải đối mặt với nhiều thách thức về tiếp cận và công bằng.
Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam Lê Anh Vinh phát biểu tại hội thảo
Trong khuôn khổ Dự án Học tập và Kỹ năng cho trẻ em năm 2024, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc – UNICEF Việt Nam tổ chức Hội thảo nghiên cứu về đánh giá tiếp cận, công bằng giáo dục với trẻ nhập cư là học sinh tiểu học ở các khu công nghiệp và khu chế xuất.
Hội thảo tập trung vào việc chia sẻ kết quả khảo sát, nghiên cứu và thảo luận sâu hơn về tình hình giáo dục cho trẻ em nhập cư, đồng thời đề xuất các giải pháp cải thiện để bảo đảm quyền lợi giáo dục cho nhóm đối tượng này. Đây cũng là dịp để các chuyên gia, nhà khoa học thảo luận về việc xây dựng môi trường giáo dục toàn diện, bình đẳng hơn cho trẻ em tại các khu công nghiệp.
Đại diện nhóm nghiên cứu trình bày báo cáo
Tại hội thảo, nhóm nghiên cứu đã trình bày và ghi nhận nhiều ý kiến trao đổi, thảo luận của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà giáo dục tham dự về các nội dung gồm tổng quan chính sách và thực trạng tiếp cận công bằng trong giáo dục cho trẻ nhập cư tại các khu công nghiệp, khu chế xuất.
Theo báo cáo tổng quan chính sách về công bằng trong tiếp cận giáo dục cho trẻ nhập cư tại các khu công nghiệp, chế xuất ở Việt Nam của nhóm nghiên cứu Tại thành phố lớn trẻ em nhập cư chiếm đến 92% ở nhóm 5 tuổi và 86,4% ở nhóm độ tuổi tiểu học. Điều này làm phát sinh các vấn đề như thiếu hụt nguồn cung cấp dịch vụ hạ tầng – xã hội ở các địa phương nhiều khu công nghiệp (đi lại, nhà ở, y tế, giáo dục…), hạn chế, bất bình đẳng trong tiếp cận giáo dục, chất lượng giáo dục kém và tạo gánh nặng chi phí cho các gia đình.
Đại biểu tham dự hội thảo
Trong khi đó, thực tế việc triển khai đầu tư xây dựng các cơ sở giáo dục theo quy hoạch khu đô thị, khu công nghiệp tại các địa phương còn chưa được đầy đủ và đồng bộ với việc phát triển đô thị, khu công nghiệp, do hạn chế về nguồn lực thực hiện.
Từ nghiên cứu khoa học đến thực tiễn, nhóm nghiên cứu cũng đã đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, bất cập trong tiếp cận công bằng giáo dục với trẻ nhập cư ở các khu công nghiệp và khu chế xuất như tăng cường, đầu tư cơ sở hạ tầng giáo dục, quy hoạch, hỗ trợ tài chính và học phí, đảm bảo đội ngũ giáo viên và chất lượng giảng dạy, chính sách về cư trú cho các gia đình di cư, phát triển các mô hình trường học hòa nhập, phối hợp liên ngành, hợp tác công tư, hoàn thiện thể chế, chính sách gắn với tăng cường phân cấp gắn với trách nhiệm đồng thời thực hiện giám sát và đánh giá.
Nguồn: https://moet.gov.vn/tintuc/Pages/tin-tong-hop.aspx?ItemID=10161