(MPI) – Ngày 03/4/2024, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông chủ trì cuộc họp về nghiên cứu thực trạng và phát triển chính sách hỗ trợ, quản lý hộ kinh doanh.
Thứ trưởng Trần Duy Đông phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: MPI |
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Trần Duy Đông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan tới hoạt động của hộ kinh doanh và quản lý hộ kinh doanh để phát huy vai trò của khu vực này, đồng thời nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước; bổ sung chính sách cho các hộ kinh doanh hoạt động theo quy định của pháp luật, qua đó xây dựng được cơ sở dữ liệu về hộ kinh doanh và quản lý hộ kinh doanh hiệu quả. Tuyên truyền phổ biến, nâng cao năng lực cho hộ kinh doanh về môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm; đào tạo nâng cao năng lực quản lý, các chính sách thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt; chế độ quản lý kế toán, tài chính phù hợp với quy mô và tính chất hoạt động, …
Bộ Kế hoạch và Đầu tư được Chính phủ giao là xây dựng Đề án hộ kinh doanh. Để phục vụ cho quá trình xây dựng Đề án, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã làm việc với một số địa phương như Thái Nguyên, Thừa Thiên Huế, thành phố Hồ Chí Minh để tìm hiểu về công tác quản lý hộ kinh doanh trên địa bàn; đánh giá thực trạng trong công tác quản lý và thực thi chính sách để đưa ra các đề xuất, khuyến nghị đối với loại hình kinh doanh này. Đồng thời, thực hiện khảo sát các hộ kinh doanh ở các địa phương, nghiên cứu kinh nghiệm về chính sách phát triển hộ kinh doanh ở một số quốc gia trên thế giới; Đánh giá các chính sách và biện pháp hỗ trợ hộ kinh doanh và nghiên cứu đề xuất các khuyến nghị để hoàn thiện công tác quản lý, hỗ trợ hộ kinh doanh.
Nhìn từ khung pháp luật hiện nay, hộ kinh doanh được quy định tại Khoản 1 Điều 79 Nghị định số 01/2021/NĐ-CP ngày 04/01/2021 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp, hộ kinh doanh có một số hạn chế về quyền kinh doanh do không có tư cách pháp nhân như chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của hộ kinh doanh, hạn chế đối tác kinh doanh (không được xuất hóa đơn VAT), không được mở chi nhánh, văn phòng đại diện, giới hạn về một số ngành nghề kinh doanh (tín dụng, ngân hàng, bảo hiểm, bất động sản, …) nhưng nhìn tổng thể hộ kinh doanh đang có lợi thế hơn so với các loại hình doanh nghiệp khác về khía cạnh như đối tượng thành lập; hồ sơ; thủ tục thành lập; tổ chức quản lý; chế độ kế toán; tài chính; nộp thuế; bảo hiểm xã hội; chế độ công bố thông tin; …
Tại cuộc họp, bà Bùi Thu Thủy, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, thực tế, nhiều hộ kinh doanh thiếu tự giác trong đăng ký kinh doanh, khai báo thuế với các hộ thuộc diện bắt buộc phải đăng ký, thay đổi lao động, thay đổi mặt hàng đăng ký kinh doanh, thay đổi địa điểm, chấm dứt hoạt động mà không khai báo với cơ quan chức năng, không thực hiện đầy đủ về bảo hiểm xã hội cho người lao động; không đảm bảo điều kiện về phòng cháy, chữa cháy, điều kiện kinh doanh thực phẩm, …
Về các chính sách hỗ trợ hộ kinh doanh, hiện nay chưa có quy định cụ thể nào hỗ trợ hộ kinh doanh ngoài các quy định về tuân thủ chế độ thuế, kế toán phù hợp với quy mô và tính chất hoạt động của hộ kinh doanh. Đối với chính sách hỗ trợ hộ kinh doanh chuyển đổi lên doanh nghiệp, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và Nghị định số 80/2021/NĐ-CP của Chính phủ đã có những quy định cụ thể nhằm khuyến khích các hộ kinh doanh chuyển đổi lên doanh nghiệp, chủ yếu được hướng dẫn, tư vấn miễn phí về trình tự, thủ tục, hồ sơ thành lập doanh nghiệp, miễn lệ phí môn bài trong 3 năm đầu; hỗ trợ tư vấn, hướng dẫn thủ tục hành chính thuế và chế độ kế toán; hỗ trợ thủ tục đăng ký ngành nghề kinh doanh có điều kiện, … Tuy nhiên, các chính sách hỗ trợ này chưa đủ hấp dẫn để thúc đẩy các hộ kinh doanh có mong muốn chuyển đổi vì thực tế, động lực để duy trì mô hình hộ kinh doanh là do chi phí thực tế tuân thủ thuế, kế toán, thủ tục hành chính đơn giản và thấp hơn mô hình doanh nghiệp.
Toàn cảnh cuộc họp. Ảnh: MPI |
Tại cuộc họp, các đại biểu đã thảo luận, phân tích về hiện trạng hoạt động, quản lý hộ kinh doanh ở Việt Nam, kinh nghiệm quốc tế. Về cơ bản, các quốc gia như Trung Quốc, Thái Lan, Xinh-ga-po, Ma-lai-xi-a, … đều có mô hình pháp lý dành cho cá nhân kinh doanh và mô hình cá nhân kinh doanh được đối xử bình đẳng với các hình thức kinh doanh khác để phát huy và duy trì vai trò quan trọng của khu vực kinh tế này. Cùng với khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa, các nước vẫn có các chính sách hỗ trợ phù hợp, thường được xây dựng theo khung chính sách chung trong khu vực doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ.
Từ đó, các đại biểu đã đưa ra các đề xuất, kiến nghị như sửa đổi, bổ sung các quy định về lao động và bảo hiểm, thuế thu nhập doanh nghiệp,… để phát huy vai trò của hộ kinh doanh; Tăng cường việc quản lý hộ kinh doanh để chính thức đăng ký hoạt động; Sửa đổi, bổ sung các chính sách thúc đẩy hộ kinh doanh phát triển lên doanh nghiệp; Triển khai các chương trình hỗ trợ nâng cao năng lực như chế độ quản lý tài chính, kế toán, phòng cháy chữa cháy, an toàn vệ sinh thực phẩm, … cho hộ kinh doanh./.