Ngành Giáo dục hiện có hơn 40.000 cơ sở giáo dục, với gần 1,6 triệu cán bộ, nhà giáo và người lao động (CBNGNLĐ), trong đó nữ chiếm tỷ lệ khoảng 83%. Với số lượng nữ CBNGNLĐ đông đảo, vai trò của nữ đã đóng góp quan trọng vào công cuộc đổi mới giáo dục và đào tạo. Vì vậy, phong trào thi đua trong nữ CBNGNLĐ, đặc biệt phong trào thi đua “Giỏi việc trường – Đảm việc nhà” được Công đoàn Giáo dục (CĐGD) Việt Nam chú trọng chỉ đạo, hướng dẫn và triển khai sâu rộng.
Là một trong những phong trào tiêu biểu, mang đặc thù giới rõ nét nhất của ngành Giáo dục, Phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” được Công đoàn Giáo dục cụ thể hoá thành phong trào “Giỏi việc trường, đảm việc nhà” được các đơn vị, trường học tích cực triển khai thực hiện, được đông đảo nữ CBNGNLĐ tích cực hưởng ứng tham gia, ngày càng có chiều sâu, phát huy được phẩm chất tốt đẹp và tiềm năng to lớn của nữ trong các hoạt động giáo dục, đào tạo, quản lý, nghiên cứu khoa học, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, góp phần phát triển kinh tế xã hội và thực hiện mục tiêu bình đẳng giới, ngày càng khẳng định được vị thế của đội ngũ nữ trong sự nghiệp trồng người.
Trong giai đoạn 2021-2025, phong trào thi đua “Giỏi việc trường, đảm việc nhà”, gắn với các phong trào thi đua, cuộc vận động của Ngành, như: “Lao động giỏi, Lao động sáng tạo”, “Đổi mới, sáng tạo trong quản lý, giảng dạy và học tập”, “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” gắn với tuyên truyền “Phụ nữ tích cực học tâp, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, “Rèn luyện phẩm chất đạo đức Tự tin – Tự trọng – Trung hậu – Đảm đang”, “Phụ nữ vun đắp giá trị tốt đẹp gia đình Việt Nam” và “Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới” gắn với việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
Theo lãnh đạo Công đoàn Giáo đục, với hai nội dung “Giỏi việc trường” và “Đảm việc nhà”, phong trào thi đua đã tạo động lực để phụ nữ ngành Giáo dục phấn đấu thi đua, phát huy mọi khả năng trí tuệ, tâm huyết của mình để hoàn thành nhiệm vụ được giao, đồng thời đảm nhiệm tốt vai trò của người phụ nữ trong gia đình và xã hội. Đặc biệt từ phong trào này, việc học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn nghiệp vụ được phụ nữ tích cực thực hiện nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, đào tạo.
Nhiều chị được đề bạt, bổ nhiệm cán bộ quản lý tại các địa phương, đơn vị; trường học và phát huy được vai trò, khẳng định vị thế. Nhiều chị luôn tích cực đổi mới công tác nghiên cứu, tham gia xây dựng các chương trình, dự án phát triển giáo dục và nguồn lợi thu về từ các công trình nghiên cứu do nữ làm chủ đề tài, tham gia đề tài là rất lớn, có tác động tích cực tới ngành, tới đời sống xã hội và phát triển đất nước. Bên cạnh đó phong trào đã khích lệ, động viên phụ nữ toàn ngành xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc, chăm sóc, nuôi dạy con một cách khoa học và tích cực tham gia các hoạt động xã hội.
Các chị đều xác định đúng trách nhiệm của mình trong việc xây dựng gia đình, luôn giữ gìn và vun đắp tổ ấm, chăm sóc và nuôi dạy các con ngoan, học giỏi. Hầu hết nữ nhà giáo đều có con chăm ngoan, học giỏi, trong đó có rất nhiều cháu đạt các danh hiệu học sinh giỏi Quốc gia, Quốc tế. Vai trò, vị thế của nữ CBNGLĐ ngay càng được khẳng định rõ nét, được xã hội ghi nhận, tôn vinh. Nhiều chị được các cấp khen thưởng; được Đảng, Nhà nước nước trao tặng danh hiệu cao quý: Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú…
Để có được thành tựu đó, lãnh đạo Công đoàn Giáo dục đã tranh thủ sự quan tâm lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự phối hợp chặt chẽ của chuyên môn và các ban, ngành, đoàn thể để vận dụng linh hoạt vào tình hình thực tế của từng đơn vị, trường học; đặc biệt các cấp công đoàn cần làm tốt công tác tham mưu, sáng tạo trong triển khai thực hiện phong trào thi đua, phát huy vai trò, trách nhiệm của các tập thể, cá nhân. Chú trọng công tác tham mưu đề xuất, nắm tình hình cơ sở.
Cùng với đó, công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của nữ CBNGNLĐ về ý nghĩa, tầm quan trọng phong trào thi đua, gắn với biểu dương, tôn vinh và khen thưởng rất được quan tâm. Công đoàn các cấp cũng coi trọng việc phát hiện, xây dựng các điển hình tiên tiến để bồi dưỡng và nhân rộng; tăng cường sử dụng các kênh thông tin, sự kiện truyền thông, trang mạng xã hội… để tuyên truyền tạo sự lan tỏa mạnh mẽ trong ngành, cộng đồng và xã hội. Đồng thời, Công đoàn Giáo dục cũng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết phong trào thi đua; công tác thi đua khen thưởng và biểu dương phải kịp thời, đảm bảo công khai, minh bạch và chính xác, đồng thời góp ý, chấn chỉnh những tập thể, cá nhân thực hiện chưa tốt để có biện pháp khắc phục kịp thời; quan tâm củng cố và kiện toàn đội ngũ cán bộ nữ công để tham mưu có hiệu quả cho BCH công đoàn về công tác nữ.
Đặc biệt, nội dung, hình thức tổ chức phong trào thi đua ngày càng đổi mới, bám sát nhiệm vụ chính trị của Ngành, của công đoàn và phù hợp với đặc điểm tình hình hoạt động của đơn vị trong từng thời kỳ, từng chủ đề năm học và cụ thể hóa thành các tiêu chí để đánh giá phong trào có chất lượng và hiệu quả. Tại nhiều công đoàn cơ sở, các Câu lạc bộ nữ công được thành lập và có nhiều hoạt động hấp dẫn, tạo môi trường để nữ CBNGNLĐ có cơ hội giao lưu, chia sẻ.
Trong thời gian tới, để phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” trong nữ công nhân, viên chức, lao động ngày càng phát triển và sát với thực tiễn, lãnh đạo Công đoàn Giáo dục đề xuất Ban Nữ công, Tổng LĐLĐ Việt Nam xem xét, chỉnh sửa và bổ sung 1 tiêu chí khen thưởng cá nhân, đó là: Nữ CBCCNLĐ có 1 sáng kiến chuyên đề “Giỏi việc nước – Đảm việc nhà” được công nhận hoặc 1 đề tài khoa học, đề án khoa học, công trình khoa học và công nghệ đã được nghiệm thu. Kết quả sau khi được công nhận, nghiệm thu được áp dụng hiệu quả trong phạm vi từ cơ sở trở lên
Bên cạnh đó, Công đoàn giáo dục cũng đề xuất Ban Nữ công cũng nghiên cứu quy định tăng cường tỷ lệ khen thưởng, nhất là với phong trào thi đua mang tính đặc thù giới để động viên, khích lệ phong trào ngày càng có hiệu quả; có quy định cụ thể về giấy chứng nhận nữ “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” bằng hình thức phù hợp để các ngành, địa phương cụ thể hóa và vận dụng hợp lý, có ý nghĩa đối với phong trào thi đua.
Nguồn: https://phunuvietnam.vn/nghien-cuu-tang-ty-le-khen-thuong-cho-phong-trao-thi-dua-mang-tinh-dac-thu-gioi-cua-cong-doan-20241214132545727.htm