Ngày 15-7, tại Hà Nội, Bộ VHTT-DL tổ chức Hội nghị nghiên cứu, quán triệt nội dung cuốn sách “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Cuốn sách Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng do Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp Bộ VHTT-DL, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, Tạp chí Cộng sản, Thông tấn xã Việt Nam và các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức biên soạn, xuất bản.
Cuốn sách gồm 928 trang, tuyển chọn 92 bài viết, bài phát biểu, bài nói, lược ghi, trả lời phỏng vấn, thư… của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam, trong đó bài viết sớm nhất là năm 1968.
Nội dung các bài phát biểu, bài viết thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Tổng Bí thư đối với việc xây dựng, giữ gìn, phát triển nền văn hóa Việt Nam với các yếu tố truyền thống và hiện đại, bản sắc và hội nhập; tạo nguồn lực nội sinh, huy động sức mạnh của văn hóa, con người Việt Nam trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Tại hội nghị, các ý kiến cho rằng, cuốn sách không chỉ là sản phẩm trí tuệ, tâm huyết của Tổng Bí thư, mà quan trọng hơn là một công trình khoa học có tính chất hệ thống, tập hợp những tư tưởng, quan điểm chỉ đạo, những phát biểu, bài viết của người đứng đầu Đảng ta về bản chất và đặc trưng của văn hóa Việt Nam, về vai trò, sứ mệnh của văn hóa như nguồn lực nội sinh cho phát triển – sự gắn kết của văn hóa với kinh tế, chính trị, xã hội; về giữ gìn giá trị văn hóa truyền thống và cách mạng, về phát triển văn hóa trong thời kỳ mới…
Các bài viết trong cuốn sách góp phần quan trọng, làm giàu thêm những vấn đề lý luận và thực tiễn về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Nhiều nội dung được làm sáng tỏ, góp phần lan tỏa những nội dung cốt lõi của cuốn sách tới đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức ngành văn hóa.
Phát biểu tổng kết hội nghị, Bộ trưởng Bộ VHTT-DL Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, cán bộ văn hóa cần coi cuốn sách của Tổng Bí thư là cẩm nang làm nghề; đồng thời yêu cầu các cán bộ ngành văn hóa nghiêm túc ghi nhớ, ứng dụng những lý luận của Tổng Bí thư nêu trong sách vào đời sống thực tế.
Hoạt động này giúp nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò quan trọng của văn hóa đối với sự phát triển bền vững của đất nước và ý thức trách nhiệm của những người làm công tác văn hóa trong triển khai thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, quan điểm chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư về xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
MAI AN
Nguồn: https://www.sggp.org.vn/nghien-cuu-quan-triet-noi-dung-cuon-sach-cua-tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-ve-van-hoa-viet-nam-post749457.html