Nghiên cứu cho thấy vi khuẩn đã bám vào các hạt bụi bay xa khoảng 2.000km nhờ gió, từ những cánh đồng ở khu vực đông bắc Trung Quốc sang Nhật Bản. Các loại gió tương tự như vậy tồn tại trên khắp thế giới.
Theo nghiên cứu, các cơn gió mang theo vi khuẩn và nấm với độ đa dạng đáng kinh ngạc, trong đó có các mầm bệnh đã biết và một số có gene kháng nhiều loại kháng sinh. Đặc biệt, một số vi khuẩn vẫn còn sống sau chuyến hành trình dài như vậy.
Cụ thể, nhóm nghiên cứu đã ghi nhận hơn 300 loại vi khuẩn, khoảng 260 loại nấm và một số loại vi khuẩn chưa được biết đến trong 22 mẫu bụi thu thập trong không khí tại các độ cao từ 1 – 3km ở thủ đô Tokyo của Nhật Bản. Các phân tích cho thấy chúng đến từ Trung Quốc, theo báo Guardian ngày 9-9.
“Khoảng 30-40% trong số các vi khuẩn này có khả năng gây bệnh, có cả các mầm bệnh đã biết đến lẫn các mầm bệnh cơ hội (ảnh hưởng đến người có hệ miễn dịch yếu)”, giáo sư Xavier Rodo, trưởng nhóm nghiên cứu và làm việc tại Viện Nghiên cứu sức khỏe toàn cầu Barcelona (trụ sở tại Tây Ban Nha), cho biết.
Theo nghiên cứu, vi khuẩn đi theo các tuyến gió liên lục địa này không có khả năng gây bệnh trực tiếp cho con người do mật độ vi khuẩn thấp, song chúng có thể gieo mầm bệnh cùng các gene kháng kháng sinh vào môi trường mới nhờ di chuyển theo cách này.
Giáo sư Rodo cho rằng nghiên cứu là “lời cảnh báo chúng ta nên thay đổi quan điểm về không khí”, đặc biệt là quan điểm về việc càng lên cao không khí càng trong lành.
“Chúng ta nên dùng các phương pháp mới để lấy mẫu và xem có gì ở đó. Những vi khuẩn và nấm này thường có khả năng chống chịu cao trước các điều kiện khắc nghiệt của môi trường”, ông Rodo nói thêm.
Nguồn: https://tuoitre.vn/nghien-cuu-phat-hien-vi-khuan-gay-benh-co-the-bay-xa-hang-ngan-km-2024091013012916.htm