Gần đây, các nghiên cứu đã chứng minh các hợp chất hoạt tính sinh học của gừng có đặc tính chống ung thư đầy tiềm năng, theo trang tin khoa học Science Direct.
Nhiều nghiên cứu cho thấy gừng và các hoạt chất của nó có khả năng chống lại một số tế bào ung thư, bao gồm: ung thư vú, cổ tử cung, đại trực tràng, ung thư máu, gan, phổi, vòm họng, buồng trứng, tuyến tiền liệt và ung thư mắt.
Hợp chất chủ yếu trong gừng là gingerol. Chất này không bền với nhiệt nên khi ở nhiệt độ cao, được chuyển hóa thành shogaol. Cả gingerol và shogaol đều có khả năng kháng khuẩn, chống ung thư, chống oxy hóa, chống viêm và chống dị ứng.
Cách uống gừng để phòng chống ung thư
Sử dụng gừng trong phòng chống ung thư đã được nhiều nghiên cứu chứng minh là có hiệu quả.
Ở Ấn Độ và Singapore, người ta uống nước ép củ gừng và nước sắc củ gừng để phòng ngừa ung thư.
Người Palestine uống nước sắc củ gừng để chống lại ung thư vú. Họ còn dùng một phương pháp điều trị ung thư là dùng nước sắc củ gừng pha với nghệ và mật ong, uống 2 lần mỗi ngày. Hoặc dùng trà gừng pha với hạt thì là và sữa lạc đà, uống 1 ly hằng ngày trước bữa sáng.
Một công thức khác được người Palestine sử dụng để kiểm soát ung thư dạ dày và gan là sử dụng 100 gram bột gừng khô đun sôi với nước, uống 2 lần mỗi ngày sau bữa ăn, theo Science Direct.
Nghiên cứu mới đã phát hiện điều gì?
Nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Heliyon đã phát hiện một loại gừng Đông Nam Á có thể là “vũ khí” tiềm năng trong cuộc chiến chống ung thư, theo trang tin khoa học Science Daily.
Đó là loại gừng Kencur (tên khoa học là Kaempferia galanga L.), còn gọi là củ địa liền, thuộc họ gừng, được trồng chủ yếu ở các nước Đông Nam Á.
Giờ đây, nghiên cứu do giáo sư Akiko Kojima thuộc Đại học Osaka Metropolitan (Nhật Bản), dẫn đầu đã chứng minh chiết xuất của gừng Kencur và thành phần hoạt chất chính của nó, ethyl p-methoxycinnamate, có khả năng ngăn chặn sự phát triển của tế bào ung thư ở cấp độ tế bào và ở động vật.