Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị nghiên cứu mô hình nhà xây nén, đô thị nén, nhưng trong nhà có vườn cây, trong thành phố có rừng ở trung tâm Hà Nội.
Chiều 13/6, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì họp thẩm định nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.
Ông Hà đề nghị TP Hà Nội hoàn thiện dự thảo quyết định của Thủ tướng về phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô. Thành phố chọn tổ chức tư vấn lập quy hoạch nổi tiếng, uy tín và chuyên gia phản biện hàng đầu để xác định tầm nhìn, mục tiêu và động lực phát triển. Hà Nội sẽ ngang tầm với thủ đô các nước phát triển trong khu vực và thế giới.
“Thành phố cần tổ chức các cuộc thi ý tưởng sáng tạo về quy hoạch Thủ đô, lấy ý kiến nhân dân”, ông Hà gợi ý và nhấn mạnh quy hoạch cần đặc biệt quan tâm đến không gian ngầm và hạ tầng ngầm; mở rộng không gian phát triển đô thị mới theo trục sông Hồng, vành đai 4, 5 và trục hướng tâm.
Mạng lưới giao thông của Hà Nội sẽ đa dạng gồm đường bộ, đường sắt đô thị, hàng không, đường thủy, đảm bảo kết nối và định hướng tuyến phát triển khu đô thị mới, thành phố vệ tinh.
Quy hoạch cần đặt ra tiêu chí, nguyên tắc với việc xây dựng, chỉnh trang, cải tạo ở các khu đô thị hiện hữu; phát triển đô thị mới phù hợp với hình thái quy hoạch – kiến trúc đặc trưng của Hà Nội; xác lập vành đai nông thôn, thành thị đúng bản sắc, phù hợp với cảnh quan thiên nhiên. “Quy hoạch dẫn dắt phát triển hạ tầng giao thông. Giao thông dẫn dắt phát triển đô thị. Đô thị dẫn dắt nguồn lực thực hiện quy hoạch”, ông Hà nói.
Theo Phó chủ tịch TP Hà Nội Dương Đức Tuấn, mục tiêu quy hoạch Hà Nội sẽ thành đô thị hiện đại, thông minh, tạo hiệu ứng lan tỏa, liên kết vùng; thành trung tâm, động lực phát triển vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước. Người dân Hà Nội có mức sống, chất lượng cuộc sống cao.
Hà Nội sẽ thúc đẩy phát triển các đô thị vệ tinh, thành phố trực thuộc; quản lý chặt chẽ phát triển nhà ở cao tầng ở khu vực trung tâm; cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị; phát triển không gian ngầm đô thị; xây dựng nông thôn hài hòa với đô thị, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống, bảo vệ môi trường, tạo sự bền vững.
Sau khi nhiệm vụ quy hoạch được phê duyệt, thành phố sẽ lựa chọn tổ chức tư vấn lập quy hoạch; lập nhóm chuyên gia, nhà khoa học phản biện; đánh giá thực trạng, thu thập, chuẩn hóa số liệu.
Khái niệm đô thị nén được đưa ra từ năm 1973 và phổ biến tại châu Âu, Bắc Mỹ. Đô thị nén là mô hình đô thị tập trung được xây dựng với mật đô cao, có chức năng sử dụng đất hỗn hợp. Đây là xu hướng phát triển đô thị chung trên thế giới khi tài nguyên đất có hạn.
Đô thị nén không chỉ tập trung phát triển theo chiều dọc, chiều cao, chiều sâu để bù đắp chiều rộng mà còn giải quyết đồng bộ cả vấn đề giao thông, năng lượng, làm việc, tiện nghi. Đô thị nén cần có giao thông công cộng để giảm xe cá nhân mà vẫn đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.
Nhiều thành phố trên thế giới đã áp dụng thành công mô hình đô thị nén như Curitiba (Brazil), Singapore, Tokyo (Nhật Bản)…