Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với tỉnh Lào Cai nghiên cứu, đề xuất việc tổ chức Festival sông Hồng, hoàn thành trong quý I/2025.
Chiều tối 22/12, trong chương trình công tác tại Lào Cai, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác đã làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai, đánh giá tình hình, kết quả triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2024 và phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới.
Trước đó, cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dự lễ khánh thành dự án tái thiết 3 thôn Làng Nủ, Nậm Tông và Kho Vàng; khảo sát phương án xây dựng, hướng tuyến đường sắt Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng kết nối Việt Nam với Trung Quốc; chúc mừng các linh mục, tu sĩ, đồng bào Công giáo tại Giáo xứ Lào Cai và tặng quà một số gia đình giáo dân nhân dịp Giáng sinh; dự lễ khởi công dự án nhà ở xã hội Golden Square Lào Cai tại phường Bắc Lệnh, thành phố Lào Cai.
Tại cuộc họp, các đại biểu đánh giá, với nhiều tiềm năng khác biệt, lợi thế so sánh và cơ hội nổi trội, nguồn lực phong phú, Lào Cai hội tụ đủ các điều kiện thuận lợi “riêng có” để phát triển thành một cực tăng trưởng của vùng biên giới phía bắc và cả nước, trở thành trung tâm kết nối giao thương kinh tế giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam-Trung Quốc.
Lào Cai có vị trí “cửa ngõ xung yếu”, là “phên dậu” của Tổ quốc, là “tiền đồn” trong các hoạt động đối ngoại. Tỉnh là địa bàn có “sông đầu nguồn, núi tuyệt đỉnh”; có cửa khẩu quốc tế lớn; có diện tích rộng và mật độ dân cư thấp.
Tỉnh Lào Cai có các địa danh du lịch nổi tiếng, có thương hiệu (như Sa Pa, đỉnh Phan Xi Păng, Bắc Hà…); có thổ nhưỡng phong phú, giàu tài nguyên khoáng sản với nhiều loại khoáng sản quý, có chất lượng cao và trữ lượng lớn (apatit, sắt, đồng…); hệ thống sông, suối dày với địa hình dốc mang lại lợi thế trong phát triển thủy điện vừa và nhỏ…
Lào Cai có kho tàng văn hóa vật thể, phi vật thể phong phú và độc đáo (trong tốp đầu cả nước về số lượng di sản văn hóa, với 37 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, 02 di sản đại diện nhân loại – Nghi lễ kéo co Tày, Giáy và Nghi lễ thực hành then Tày, Nùng, Thái). Con người Lào Cai đoàn kết, cần cù, chủ động, sáng tạo, đôn hậu, mến khách với khát vọng vươn lên mạnh mẽ.
Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cơ bản đồng tình với các đại biểu về những tiềm năng, cơ hội, lợi thế và những thành tựu, kết quả đạt được của Lào Cai trong năm 2024.
Thủ tướng đánh giá khái quát, từ cuộc làm việc trước (tháng 9/2022) tới nay, Lào Cai đã có nhiều tiến bộ về mọi mặt, nhiều việc làm tốt, đóng góp vào những thành tựu, kết quả chung của cả nước, đặc biệt là đã khắc phục hiệu quả hậu quả cơn bão Yagi, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên, củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước.
Bên cạnh những kết quả rất cơ bản, Thủ tướng chỉ ra một số khó khăn, tồn tại, hạn chế của tỉnh. Theo đó, quy mô nền kinh tế còn nhỏ; chất lượng tăng trưởng kinh tế chưa bền vững. Thiên tai, thời tiết diễn biến phức tạp, sụt lún, sạt lở khó dự báo. Kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông còn bất cập. Tỉ lệ hộ nghèo cao, chênh lệch giàu nghèo giữa vùng đô thị và nông thôn còn cao. An ninh quốc phòng, trật tự, an toàn xã hội một số nơi tiềm ẩn yếu tố phức tạp…
Là một địa phương có điểm mạnh và vị trí lợi thế so sánh đặc biệt cả về an ninh, quốc phòng, kết nối phát triển du lịch, dịch vụ, giao thương quốc tế, nhất là với Sa Pa, kinh tế cửa khẩu, sông Hồng…, Lào Cai cần phát huy mạnh mẽ những tiềm năng, thế mạnh, tinh thần tự lực, tự cường, khai thác hiệu quả không gian rừng, không gian ngầm và không gian vũ trụ, vươn lên mạnh mẽ bằng sức mạnh nội sinh, không trông chờ, ỷ lại, góp phần xây dựng nền kinh tế đất nước độc lập, tự chủ.
Về một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trước hết, Thủ tướng yêu cầu Lào Cai rà soát lại các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, mục tiêu nào chưa đạt thì phấn đấu đạt bằng được, mục tiêu nào đã đạt thì tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả.
Cùng với đó, tiếp tục ưu tiên cho tăng trưởng, làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng), thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới như khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, xây dựng cơ sở dữ liệu của Lào Cai để phát triển trí tuệ nhân tạo và hoạch định chính sách.
Yêu cầu phấn đấu tăng trưởng GRDP đạt khoảng trên 10% trong năm 2025, Thủ tướng nêu rõ, cần huy động tối đa mọi nguồn lực cho phát triển, nâng cao hiệu quả thu hút và sử dụng vốn đầu tư (đặc biệt là vốn FDI và hình thức đối tác công tư).
Gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, đặc trưng của các dân tộc và con người Lào Cai. Triển khai hiệu quả công tác an sinh xã hội, bảo đảm phúc lợi xã hội. Hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi toàn tỉnh (tháng 6/2025), hoàn thành mục tiêu được giao về nhà ở xã hội.
Triển khai hiệu quả các hoạt động đối ngoại, giữ vững an ninh, quốc phòng, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển. Chủ động xây dựng cửa khẩu thông minh và phối hợp cùng các Bộ, ngành xây dựng, triển khai dự án đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng.
Cũng tại cuộc làm việc, sau khi nghe các Lãnh đạo các Bộ, ngành đóng góp ý kiến, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã cho ý kiến về các đề xuất, kiến nghị của Lào Cai để tiếp tục tập trung triển khai và đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng kết nối trọng điểm của tỉnh và quốc gia, quốc tế: Cảng hàng không Sa Pa, đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng, thúc đẩy hoàn thiện tuyến đường bộ cao tốc Hà Nội-Lào Cai 4 làn xe, cầu biên giới Bản Vược-Bá Sái, dự án đường điện 500 KV Lào Cai-Vĩnh Yên (hoàn thành trong 6 tháng)…
Thủ tướng cũng giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với tỉnh Lào Cai nghiên cứu, đề xuất việc tổ chức Festival sông Hồng, hoàn thành trong quý I/2025.
Nguồn: https://bvhttdl.gov.vn/thu-tuong-chinh-phu-nghien-cuu-de-xuat-viec-to-chuc-festival-song-hong-20241223135259539.htm