Trong nghiên cứu này, các nhà khoa học đã xác định hơn 11.000 người dương tính với COVID-19 trong hồ sơ bệnh án vào năm 2020 và gần 3.000 người phải nhập viện. Họ đã so sánh với hơn 222.000 người không mắc COVID-19 trong thời điểm đó.
Nghiên cứu chỉ ra rằng những người mắc COVID-19 vào năm 2020, trước khi vắc xin được phát triển, có nguy cơ mắc các biến chứng tim mạch nghiêm trọng – bao gồm đau tim, đột quỵ và tử vong – cao gấp đôi trong ba năm sau khi nhiễm bệnh, so với những người không nhiễm virus này.
Nghiên cứu cho thấy, bệnh nhân COVID-19 phải nhập viện có nguy cơ gặp phải các biến cố tim mạch cao gấp ba lần so với những người không mắc COVID-19.
Hơn nữa, đối với những người phải nhập viện, COVID-19 dường như là một yếu tố nguy cơ đáng kể đối với các cơn đau tim và đột quỵ trong tương lai, tương tự như bệnh tiểu đường hoặc bệnh động mạch ngoại biên (PAD).
Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng hơn 3,5 triệu người Mỹ đã phải nhập viện vì COVID-19 trong khoảng thời gian từ tháng 5 năm 2020 đến tháng 4 năm 2021.
Một phát hiện đáng báo động khác từ nghiên cứu mới nhất cho thấy, nguy cơ mắc các biến cố tim mạch ở những người từng nhiễm COVID-19 không chỉ tăng cao mà còn kéo dài trong thời gian dài.
Tiến sĩ Stanley Hazen, một chuyên gia hàng đầu về tim mạch, cho biết: “Nguy cơ này không hề giảm đi, thậm chí có thể còn tăng lên theo thời gian. Tôi nghĩ đó là một trong những phát hiện ngạc nhiên nhất”.
Tiến sĩ Patricia Best, bác sĩ tim mạch tại Phòng khám Mayo ở Rochester, Minnesota, người không tham gia vào nghiên cứu, nói rằng phát hiện này thật đáng kinh ngạc và dường như chỉ xảy ra ở COVID-19.
Các nhà nghiên cứu cho biết họ vẫn chưa rõ nguyên nhân chính xác khiến COVID-19 có tác động lâu dài như vậy đối với hệ thống tim mạch.
Tuy nhiên, virus corona được cho rằng có thể xâm nhập vào thành mạch máu và làm tổn thương các mảng bám, tăng nguy cơ hình thành cục máu đông và dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như đau tim và đột quỵ.
Theo tiến sĩ Hooman Allayee, giảng viên hóa sinh và di truyền phân tử tại Trường Y khoa Keck, cho biết: “COVID-19 có thể gây ra những tổn thương lâu dài cho hệ thống mạch máu, thậm chí cả sau khi bệnh nhân đã hồi phục”.
Các nhà nghiên cứu cũng tin rằng gen mã hóa nhóm máu có thể liên quan đến việc tăng nguy cơ đau tim và đột quỵ sau COVD-19, nhưng họ vẫn chưa rõ nguyên nhân cụ thể.
Tiến sĩ Hazen nhấn mạnh: “Nếu bạn đã mắc COVID-19, bạn cần đặc biệt chú ý đến việc giảm nguy cơ tim mạch”. Bạn luôn phải kiểm tra huyết áp, cholesterol và có thể là việc uống một viên aspirin mỗi ngày.
Hà Trang (theo CNN)
Nguồn: https://www.congluan.vn/nghien-cuu-cho-thay-covid-19-co-the-lam-tang-nguy-co-mac-benh-tim-trong-suot-3-nam-post316195.html