Sửa luật để thu hút đầu tư hạ tầng, tạo thuận lợi vận tải
Trao đổi với PV Báo Giao thông, lãnh đạo Cục Đường sắt VN cho biết đang đề nghị nghiên cứu bổ sung vào dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi) và các văn bản dưới luật quy định “tuyến đường bộ vào ga đường sắt chỉ phục vụ vận tải đường sắt sẽ do Bộ GTVT quản lý, đầu tư”. Trường hợp phục vụ cả giao thông địa phương thì Bộ GTVT và địa phương thống nhất giao cho một bên quản lý, đầu tư.
Nhấn mạnh đường vào ga đường sắt là hạng mục công trình quan trọng, vừa phục vụ vận tải hành khách, hàng hóa của đường sắt, vừa phục vụ giao thông đường bộ của địa phương, đại diện Cục Đường sắt VN cho biết: Hiện đường bộ vào ga do cả địa phương và doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt (KCHTĐS) quản lý.
Trong số này, có 28 đoạn đường bộ vào ga đường sắt với tổng chiều dài khoảng 6.300m đang giao cho doanh nghiệp kinh doanh KCHTĐS quản lý. Theo quy định của pháp luật đường sắt, đường bộ vào ga không phải là công trình đường sắt và cũng không phải là tài sản KCHTĐS quốc gia. Do đó hàng năm các đoạn đường bộ vào ga này không được bố trí kinh phí quản lý bảo trì. Đó là chưa kể đến việc nhiều vị trí trên đường vào ga bị lấn chiếm. Thực trạng này dẫn đến chất lượng đường kém, ảnh hưởng không nhỏ đến việc đi lại của hành khách, khách hàng, làm giảm tính hấp dẫn của vận tải đường sắt.
Các tuyến đường vào ga do địa phương đầu tư, quản lý lại chia thành 2 loại. Loại thứ nhất là đường trong khu vực đô thị cơ bản chất lượng tốt. Tuy nhiên do chưa có sự phối hợp tốt trong xác định quy mô, nhu cầu đầu tư hoặc do yêu cầu về chống ùn tắc giao thông ở địa phương, nên tại một số tuyến đường, chính quyền địa phương đã hạn chế tải trọng phương tiện ô tô ra vào, hạn chế thời gian phương tiện vào ga giờ cao điểm, gây khó khăn rất lớn cho hoạt động vận tải đường sắt. Điển hình là khu vực ga Đà Nẵng, Giáp Bát, Gia Lâm, Long Khánh, Biên Hòa, Dĩ An, Sài Gòn.
Ngược lại, đường ngoài khu vực đô thị chủ yếu là đường bộ cấp thấp, do ủy ban nhân dân cấp huyện, xã quản lý. Do hạn chế kinh phí, các địa phương chỉ đầu tư phục vụ nhu cầu tối thiểu của địa phương mà chưa quan tâm đến nhu cầu vận tải chung của đường sắt. Một số trường hợp đường bộ vào ga được đầu tư bằng nguồn vốn xã hội hóa. Vì thế kinh phí cho bảo trì hạn chế nên đường bộ xuống cấp, chất lượng kém.
Đặc biệt tại một số ga, người dân, địa phương cấm/hạn chế phương tiện đường bộ ra vào ga, bãi hàng phục vụ xếp, dỡ hàng hóa vận chuyển bằng đường sắt như tại khu ga Quảng Ngãi, ga La Khê (Hà Tĩnh)…
Thiếu tiêu chí, tiêu chuẩn công bố ga liên vận quốc tế
Về tình hình ga liên vận quốc tế, Cục Đường sắt VN cho hay, trên đường sắt quốc gia hiện nay có 8 ga liên vận quốc tế hàng hóa gồm Lào Cai, Yên Viên, Hải Phòng, Hải Phòng cảng, Đồng Đăng, Giáp Bát, Đà Nẵng, Sóng Thần và gần đây bổ sung ga Kép được phép tạm thời khai thác hoạt động liên vận quốc tế.
Trong đó ga Lào Cai và ga Đồng Đăng là hai ga biên giới, đảm nhận việc giao tiếp hàng hóa, phương tiện xuất nhập khẩu bằng đường sắt giữa Việt Nam – Trung Quốc và ngược lại, hoặc xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam quá cảnh qua Trung Quốc đến nước thứ ba và ngược lại, hoặc từ Trung Quốc quá cảnh Việt Nam đi các nước khác và ngược lại.
Các ga Đồng Đăng, Yên Viên, Lào Cai, Hải Phòng và hiện nay là ga Kép có bộ phận hải quan và cơ quan chức năng thường trực phục vụ kiểm tra, khai báo, thực hiện các thủ tục liên quan vận chuyển hàng hóa liên vận quốc tế đường sắt. Các ga còn lại chưa triển khai.
Theo Cục Đường sắt VN, từ hiệu quả khai thác hàng liên vận quốc tế thời gian qua, cần thiết điều chỉnh, tăng số lượng ga liên vận quốc tế nhằm giảm các thủ tục xếp dỡ hàng hóa, giảm thời gian và chi phí logicstics. Tuy nhiên, Luật Đường sắt 2017 và các văn bản hướng dẫn chưa quy định cụ thể về tiêu chí, tiêu chuẩn đối với ga liên vận quốc tế; điều kiện và thủ tục xin phép mở ga liên vận quốc tế.
Ngoài ra, theo quy định hiện hành, để xác định ga liên vận quốc tế, Bộ GTVT phải xây dựng quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Từ đây, cơ quan này đề xuất nghiên cứu phân loại ga đường sắt thành ga đường sắt quốc gia nội địa và ga đường sắt liên vận quốc tế; Bổ sung quy định ga xây dựng mới phải theo quy hoạch ga đường sắt quốc gia trong đô thị, ga đầu mối, ga liên vận quốc tế; điều kiện, thủ tục cấp phép mở ga liên vận quốc tế và quyết định công bố ga đường sắt liên vận quốc tế với ga đường sắt hiện có do bộ trưởng Bộ GTVT quy định.
Theo Cục Đường sắt VN, khi ban hành các quy định này sẽ mang lại nhiều lợi ích. Đối với nhà nước, sẽ kêu gọi được các nhà đầu tư tham gia đầu tư các công trình kinh doanh thương mại tại các ga đường sắt; phát huy lợi ích kép, vừa có đường sắt lại vừa phát triển đô thị.
“Nhà đầu tư – nhà nước – người dân cùng được hưởng lợi do nguồn vốn đầu tư được huy động. Đồng thời tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; là định hướng để các nhà đầu tư đưa ra phương án tham gia các hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực đường sắt. Đối với doanh nghiệp, sẽ có cơ sở pháp lý để tham gia kinh doanh thương mại tại các ga đường sắt”, Cục Đường sắt VN nhấn mạnh.
Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/nghien-cuu-bo-sung-nhieu-quy-dinh-moi-tao-suc-bat-cho-duong-sat-192230928145339413.htm