Sáng 25/5, tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 5, Quốc hội thảo luận tổ về kết quả phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022, kế hoạch năm 2023.
Đánh giá chung về nền kinh tế, đại biểu Trần Văn Lâm – Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách cho rằng sự khó khăn ngày càng gia tăng, thể hiện ở tốc độ tăng trưởng quý I/2023 chỉ ở mức 3,32%. Với tốc độ này để năm nay đạt được mục tiêu tăng trưởng là 6 – 6,5% là thách thức, điều này đòi hỏi một nỗ lực rất lớn cho thời gian còn lại của năm 2023.
Chỉ ra những khó khăn ở quý I/2023, ông Lâm cho biết, nổi lên là những khó khăn sản xuất của doanh nghiệp. Chính vì thế số lượng doanh nghiệp quay trở lại hoạt động giảm, tạm dừng thì tăng. Cùng với đó là thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản gặp khó khăn về dòng tiền, 3 chương trình mục tiêu quốc gia thực hiện không hiệu quả…
Dù khó khăn xong ông Lâm nhấn mạnh chúng ta cũng không thể thể nóng vội vì đầu năm tăng trưởng thấp mà tung ra những chính sách quá nới lỏng về tài chính. Bởi nếu tăng khoản cung tiền cho vay của ngân hàng, tín dụng thì lập tức đẩy chỉ số lạm phát cao. Lạm phát cao thì lập tức lãi suất cao, kéo theo lại phải cho vay cao, lúc đó doanh nghiệp không thể vay được tiền để tái sản xuất.
“Then chốt là phải giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì lạm phát ở mức phù hợp”, ông Lâm nói.
Về giải pháp với riêng chính sách tiền tệ, ông Lâm cho rằng, phải làm sao để doanh nghiệp tiếp cận dòng tiền. Thực tế, hiện nay doanh nghiệp khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn vì lãi suất vẫn cao.
“Trong bối cảnh lạm phát của chúng ta ổn định mà lãi suất ngân hàng ở mức cao thì bất hợp lý. Hiện nay chúng ta đang điều chỉnh nhưng mức điều chỉnh này vẫn là nhỏ giọt. Thực tế có thông tin doanh nghiệp muốn vay thì lãi suất vẫn hơn 13%. Với lãi suất này thì doanh nghiệp lời lãi ở đâu?”, ông Lâm đặt câu hỏi.
Để giảm lãi suất, theo ông Trần Văn Lâm, phải duy trì kinh tế vĩ mô ổn định với lạm phát thấp tương đối, tiếp đến là giảm chi phí của ngân hàng.
“Tức là chênh lệch lãi suất cho vay và đi vay phải về mức hợp lý. Thực tế, vừa qua, doanh nghiệp khó khăn, nhưng các ngân hàng vẫn báo lãi một cách khủng khiếp. Vì sao lại có hiện tượng này, vì chênh lệch lãi suất đi vay và cho vay lớn”, ông Lâm nói.
Dẫn chứng trong báo cáo giám sát nguồn lực cho phòng chống Covid-19 vừa rồi có nêu “trong thời gian dịch Covid-19 thì lãi suất đi vay giảm nhưng giảm chậm hơn lãi suất cho vay”, ông Lâm cho rằng, như vậy là ngân hàng “ăn dày” hơn.
Từ đó, vị đại biểu cho rằng, lợi ích của ngân hàng phải thực sự gắn kết với nền kinh tế, với sự sống còn của doanh nghiệp, chứ không phải “một mình một chợ, độc quyền”.
Đại biểu Trần Văn Khải (đoàn Hà Nam) cũng cho rằng, trong suy thoái kinh tế, người dân và doanh nghiệp khó khăn thì ngân hàng lại lãi rất cao. Điều đáng nói là ngoài việc lãi suất cao rồi thì còn có chuyện “ép” người dân, doanh nghiệp mua bảo hiểm.
“Theo tôi tìm hiểu thì mỗi ngân hàng lãi hàng chục nghìn tỷ từ việc bán bảo hiểm. Điều kiện của họ là muốn vay được là phải mua bảo hiểm, nếu không mua bảo hiểm thì không giải ngân, không cho vay. Để tình trạng này thì ai chịu trách nhiệm?”, ông Khải nêu.
Tại cuộc họp với các bộ ngành và một số ngân hàng thương mại nhà nước về các giải pháp nâng cao khả năng tiếp cận vốn và giảm lãi suất chiều 24/5, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh, ngân hàng và doanh nghiệp “phải đi chung con đường”.
Tuy nhiên, ngân hàng là định chế đặc biệt quan trọng, nên phải đảm bảo an toàn cho hệ thống; việc điều hành thị trường tiền tệ cũng phải tuân thủ các quy luật của thị trường…
Phó Thủ tướng đề nghị Ngân hàng Nhà nước và hệ thống ngân hàng tiếp tục triển khai các giải pháp tiết giảm chi phí hoạt động, hạ lãi suất huy động, để thiết lập mặt bằng lãi suất hợp lý hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn, khắc phục khó khăn, phát triển sản xuất kinh doanh.