Giá căn hộ đang tăng nhưng chỉ mong bán gấp
Có nhiều kinh nghiệm trong đầu tư bất động sản, ngay từ giữa năm 2021, anh Nguyễn Đức Thiện (Hà Nội) đã quyết định chuyển hướng đầu tư đất nền sang chung cư. Tưởng rằng việc đầu tư của anh khá suôn sẻ nhưng thực tế lại đang rơi vào thế “bán không được, giữ không xong”.
Theo anh Thiện, sau một khoảng thời gian tìm hiểu thị trường chung cư ở Hà Nội, tháng 11/2021, anh quyết định mua một căn hộ tại một dự án chung cư ở huyện Thanh Trì. Thời điểm đó, dự án chung cư này đã được xây dựng xong phần thô và dự kiến hoàn thiện, bàn giao căn hộ cho khách hàng vào tháng 6/2022.
Và cũng ở thời điểm này, anh Thiện bị hấp dẫn bởi chính sách bán hàng tại dự án, khi người mua được vay tới 70% giá trị căn hộ và được ân hạn nợ gốc 6 tháng và lãi suất khoản vay 0% trong vòng 12 tháng.
“Sau khi tính bài toán sử dụng đòn bẩy tài chính triệt để từ chính sách bán hàng trên. Tôi chốt mua căn hộ diện tích 95,9m2, 3 phòng ngủ với giá 2,6 tỷ đồng, tương đương 27,5 triệu đồng/m2″, anh Thiện chia sẻ và cho biết, dù phải vay 1,8 tỷ đồng (70% giá trị căn hộ) từ ngân hàng nhưng lúc đó, anh rất tự tin và chỉ chờ tăng giá để bán.
Cũng theo anh Thiện, ở thời điểm hiện tại, giá căn hộ vẫn liên tục tăng, một số căn hộ có diện tích, vị trí tương tự đang có giá bán 33-35 triệu đồng/m2 (tăng 6,5 triệu đồng/m2, tăng hơn 600 triệu đồng so với giá lúc mua). Tuy nhiên, anh đang phải tự bỏ tiền túi để trả gốc và lãi khoản vay sau khi các chính sách bán hàng trước đó hết hạn.
“Từ tháng 11 năm ngoái, tôi đã phải trả gốc và lãi của khoản vay mua căn hộ này lên tới 35 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, lãi suất liên tục biến động và neo mức cao khiến bài toán sử dụng đòn bẩy tài chính của tôi gặp khó khăn”, anh Thiện nói và cho biết đang rao bán căn hộ này.
Tương tự như trường hợp của anh Thiện, thời gian qua, có cả người mua ở và nhà đầu tư đã rơi vào tình trạng “vỡ kế hoạch” trả góp căn hộ khi lãi suất tăng cao.
Anh Nguyễn Văn Quyết – một môi giới bất động sản tại Hà Nội – cho biết, gần đây tình trạng bán căn hộ chung cư tại một số khu đô thị tăng cao. Họ cũng chia sẻ nguyên nhân là cần bán gấp để trả nợ ngân hàng, do thu nhập đang bị ảnh hưởng. Cùng đó, lãi suất ngân hàng neo cao, cá biệt có nơi tới 14%/năm.
“Thời điểm mua, người mua chỉ cần trả trước 30%, tương đương khoảng vài trăm triệu đồng là có thể vào ở. Khi đó, nhiều người công việc vẫn ổn định và được ân hạn lãi suất trên 1 năm. Bây giờ, thời điểm thanh toán đã tới nhưng không có tiền đóng thêm nên số nợ sẽ chuyển sang trả góp mua nhà với mức lãi suất thả nổi khiến họ không chịu được lãi suất. Do đó, đành phải bán nhà”, anh Quyết nói.
Tuy vậy, theo môi giới này, mặt bằng giá căn hộ đã có tăng, nhưng việc bán căn hộ lúc này cũng không phải dễ do thanh khoản trên thị trường vẫn ở mức yếu. Bên cạnh đó, với mức lãi suất như hiện nay, không có người dám vay để mua. Ngược lại, một số người có mức tài chính ổn định lại đang đợi giá nhà tiếp tục giảm mới xuống tiền.
Người đang chịu áp lực trả lãi vay không dễ dàng bán cắt lỗ
Thực tế, khi lãi suất còn thấp (khoảng trước năm 2022), mức vay 50-70% giá trị tài sản để đầu tư bất động sản khá phổ biến. Nhưng hiện nay, mức vay 50-60% giá trị tài sản có thể khiến nhà đầu tư gặp khó khăn khi lãi suất tăng cao. Do đó, không ít nhà đầu tư đang phải cơ cấu lại tỷ trọng vốn vay theo hướng giảm xuống mức thấp nhất có thể.
Chia sẻ về vấn đề này, đại diện của DKRA Vietnam cho rằng, những năm trước, khi thị trường bất động sản sôi động, lãi suất ở mức thấp, nhiều nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính, sau đó không có khả năng trả nợ sẽ bán ra, chấp nhận lỗ là bán được. Tuy nhiên, hiện nay, thanh khoản trên thị trường thứ cấp sụt giảm, đa số nhà đầu tư bị kẹt hàng. Cá biệt, những người đang chịu áp lực trả lãi vay không dễ dàng bán cắt lỗ.
Còn theo bà Dương Thùy Dung – Trưởng bộ phận Định giá, nghiên cứu thị trường và tư vấn phát triển CBRE Việt Nam, ước tính, khoảng trên 50% nhà đầu tư đang bị mắc kẹt trong việc vay vốn đầu tư bất động sản, nếu tiếp tục vay thì chi phí vốn tăng cao, còn muốn bán thì lại không bán được.
Theo bà Dung, nhà đầu tư có lựa chọn cuối cùng là trả lại sản phẩm cho chủ đầu tư, nhưng chi phí phạt từ chủ đầu tư còn lớn hơn chi phí họ tiếp tục gồng để đi vay tiếp. Đây là điểm tắc nghẽn và hậu quả là buộc phải bán sản phẩm dưới giá đã mua, khi đó thị trường sẽ giảm giá.
Chuyên gia bất động sản khuyến cáo, nhà đầu tư nên cơ cấu khoản vay về mức 30% giá trị tài sản, việc sử dụng đòn bẩy tài chính phải cân đối trong khả năng dòng tiền ổn định, có thể trả lãi và nợ gốc ngân hàng hàng tháng. Ngoài ra, nhà đầu tư cần tăng khoản dự phòng trong tình hình lãi suất tăng cao, kinh tế khó khăn.