(ĐCSVN) – Những năm qua, lãnh đạo huyện Nghi Xuân luôn trăn trở để có những “pháo thảo” về con đường phát triển của huyện. Làm sao khai thác những tiềm năng của một vùng đất xưa nay vẫn được mệnh danh là “địa linh nhân kiệt”, và trên con đường tìm kiếm ấy đã hé mở sức mạnh nội sinh về văn hóa của vùng đất này.
Những khác biệt của vùng đất “địa linh nhân kiệt”
Nghi Xuân với những cảnh đẹp say lòng du khách. |
Là huyện đồng bằng ven biển, huyện Nghi Xuân nằm ở phía Đông Bắc tỉnh Hà Tĩnh, cách trung tâm thành phố Hà Tĩnh gần 50km, tiếp giáp với thành phố Vinh tỉnh Nghệ An.
Lưng dựa vào dãy núi Hồng Lĩnh trùng điệp, nơi mà theo truyền thuyết là cựu đô của Kinh Dương Vương thuở đầu lập nước. Một bên là sông Lam huyền thoại, một bên là biển cả mênh mông. Nghi Xuân có 32 km đường bờ biển bằng phẳng, trải dài từ Cửa Hội (Nghệ An) vào đến Melia Vinpearl Hà Tĩnh (huyện Lộc Hà).
Đây cũng là vùng đất ôm trọn điểm khởi đầu của dòng của sông Lam, khi hội nguồn với sông La trước khi hoà mình vào Biển Đông với bờ Nam là Nghi Xuân, bờ Bắc là Thành phố Vinh – đầu tàu trung tâm kinh tế chính trị của dải đất miền Trung. Với 3 cây cầu kết nối giao thương, điều này đã tạo nên lợi thế rất lớn trong phát triển kinh tế xã hội so với các huyện khác của Hà Tĩnh. Với vị trí địa lý đắc địa ấy, Nghi Xuân có một lợi thế vô cùng lớn để phát triển công nghiệp, dịch vụ, phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng… Nói về du lịch nghỉ dưỡng, sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến bãi biển Xuân Thành từ lâu đã trở thành “từ khóa” tìm kiếm.
Đường bộ thì có quốc lộ 1, quốc lộ ven biển chạy qua, đường thuỷ thì có cảng Xuân Hải, càng Xuân Hội tấp nập tàu thuyền, đường hàng không thì Nghi Xuân chỉ cách cảng hàng không quốc tế Vinh chưa đầy 15 km. Đây cũng là những lợi thế lớn về kết nối trong chuỗi giá trị thời công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Phát huy những thế mạnh của địa phương, lâu nay, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Nghi Xuân đã tập trung đầu tư mũi nhọn vào kinh tế biển, kết hợp phát triển du lịch, dịch vụ gắn với khai thác, nuôi trồng thủy sản nhằm tăng trưởng kinh tế theo hướng nhanh, mạnh và bền vững.
Ngoài tiềm năng vị trí địa lý mang đến, tạo ra “dư địa” phát triển, Nghi Xuân ôm vào lòng “sức mạnh nội sinh” to lớn, đó là văn hóa. Thật vậy, nhắc đến Nghi Xuân, người ta không thể không nhắc đến Đại thi hào Nguyễn Du với tác phẩm Truyện Kiều – tập “đại thành ngôn ngữ” của văn học dân tộc, không thể không nhắc đến Uy Viễn Tướng công Nguyễn Công Trứ, nhà phong thủy Tả Ao – được người đương thời tôn vinh là “Thánh sư địa lý”.
Đây cũng là một trong những “cái nôi” của ca trù – một loại hình nghệ thuật say lòng mặc khách. Hơn thế nữa, Nghi Xuân còn có Di chỉ khảo cổ học Phôi Phối – Bãi Cọi – một di tích quốc gia – nơi giao thoa, hội tụ của các nền văn hóa Sa Huỳnh và văn hóa Đông Sơn, ẩn chứa nhiều bí ẩn chưa được khám phá.
Hay nói cách khác, Nghi Xuân là vùng “địa linh, nhân kiệt”, điểm kết nối lý tưởng với các địa danh du lịch, các địa danh lịch sử của cả tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Mục tiêu trong năm 2024 của huyện là, tập trung cao độ chỉ đạo hoàn thành mục tiêu xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn nâng cao và cơ bản hoàn thành mục tiêu huyện Nông thôn mới kiểu mẫu điển hình về văn hóa gắn với phát triển du lịch.
“Phác thảo” một hướng đi
Theo GS.TS. Trần Đình Hòa- Viện trưởng Viện Khoa học thủy lợi, Nghi Xuân hội tụ nhiều yếu tố, điều kiện về tự nhiên, văn hóa, địa chính trị để có thể nhanh chóng phát triển thành một vùng có sức lan tỏa mạnh không chỉ cho riêng Hà Tĩnh mà còn là của cả nước. Trên cơ sở nghiên cứu, ông đề nghị nên quy hoạch Nghi Xuân theo hướng chuyển đổi mạnh mẽ mô hình phát triển kinh tế của huyện sang hướng phát triển kinh tăng trưởng xanh với mô hình đô thị “cội nguồn văn hóa”.
Hướng đề xuất là lấy nguồn nước làm trung tâm, tái tạo lại các hoạt động lao động, sản xuất và văn hóa lịch sử truyền thống ngày xưa làm điểm đến cho hình thức du lịch văn hóa trải nghiệm.
Vùng đô thị Nghi Xuân có các thế mạnh “đặc biệt” trên có núi Hồng, dưới có sông Lam, địa thế “sơn, thủy hữu tình”. Vùng đô thị này sẽ là điểm nhấn, đối xứng với TP Vinh – Trung tâm văn hóa, chính trị và du lịch của tỉnh Nghệ An qua trục sông Lam.
Một địa điểm du lịch sinh thái ở Nghi Xuân. |
Hiện nay tỉnh Hà Tĩnh đã có chủ trương kêu gọi đầu tư xây dựng khu đô thị trên đảo Xuân Giang và vùng ven sông Lam tiếp giáp với đảo. Quốc lộ ven biển nối tuyến đường ven biển từ Cửa Lò sang Nghi Xuân, qua cầu Cửa Hội đã tạo điểm nhấn cho “phác thảo”.
Theo đề xuất của của các nhà khoa học thủy lợi, địa phương phải lấy việc khôi phục và nâng cấp rào Mỹ Dương làm trung tâm của đô thị mới. Hiện tại, sông Đồng Kèn phần lớn đã bị bồi lấp, về mùa mưa không còn khả năng trữ nước phục vụ sản xuất và cắt lũ.
Trước mắt Nghi Xuân phải phục hồi và mở rộng sông theo phương án mở rộng đoạn Rào Mỹ Dương (thượng nguồn sông) theo hình thức vừa sông (để thoát nước) vừa là hồ để trữ nước. Với dung tích trữ nước vào khoảng 30 triệu m3. Toàn bộ đất lòng hồ được tôn tạo sang 2 bên bờ sông để hình thành các khu làng văn hóa, du lịch.
Theo “phác thảo”, phía tả của sông chạy men theo chân núi sẽ bố trí một số khu nhà vườn mô phỏng đời sống của người dân vùng núi sinh sống bằng nghề đốn củi, săn bắn. Phía bờ hữu của sông bố trí các làng nghề truyền thống (trồng lúa, khoai, lạc,..); xen kẽ bố trí, tái tạo lại các khu văn hóa truyền thống. Khách tham quan vừa có thêm những hiểu biết về lịch sử, văn hóa đặc sắc của vùng đất này, vừa có thể trải nghiệm, tham gia các công việc truyền thống nhà nông (trồng lúa, trồng khoai, lạc, bắt cá,..) đồng thời được thưởng thức các hình thức văn hóa dân gian như xem các lễ hội truyền thống (Lễ hội cầu ngư, lễ hội đánh cá, lễ cầu khoa, lễ Dẫn hoa…), nghe hát dân ca ví giặm..; thưởng thức các món ăn quê dân giã,… Biến vùng này thành các làng du lịch văn hóa, khu nghỉ dưỡng theo mô hình homstay.
Đặc biệt, có thể tái tạo lại các không gian văn hóa truyền thống cùng thời với Danh nhân văn hóa thế giới – Đại thi hào Nguyễn Du; Uy Viễn Tướng công Nguyễn Công Trứ; Thánh sư địa lý Tả Ao,.. theo dòng chảy thời gian để ngược dòng lịch sử của đất nước, tìm về cội nguồn văn hoá con người xứ Nghệ ngày xưa, cũng như lịch sử văn hóa của Việt Nam qua các thời kỳ.
Đây là một hình thức du lịch giới thiệu và tìm về cội nguồn văn hóa dân gian nhiều tiềm năng phát triển. Đặc biệt, khi được kết nối với các điểm du lịch nổi tiếng khác lân cận tại những địa danh nổi tiếng của xứ Nghệ, tin rằng sẽ thu hút được đông đảo du khách trong nước và quốc tế.
Mảnh ghép đô thị “cội nguồn văn hóa” này cùng với các mảnh ghép: đô thị Xuân An, đảo Xuân Giang, cầu dây văng Cửa Hội và hệ sinh thái khu du lịch Xuân Thành với hải sản ngon, bãi biển đẹp, sân golf 18 lỗ… sẽ tạo nên diện mạo đô thị ven biển hòa quyện với những tinh hoa văn hoá của “Núi Hồng Sông Lam”, những nét đặc trưng riêng mà khó vùng đất nào có được.
Bên cạnh đó, với môi trường, địa hình và tiểu khí hậu của vùng này, có thể nghiên cứu thổ nhưỡng, hệ thống cấp nước để hình thành các vùng chuyên trồng và chế biến cây dược liệu, các ngành nghề và sản vật truyền thống nổi tiếng nhằm bổ trợ cho các hình thức du lịch và kinh tế khác.
Kinh nghiệm thế giới, cũng như của các địa phương thành công của nước ta là tận dụng lợi thế của địa phương, tạo ra sự khác biệt với các tỉnh lân cận thì mới kết nối thành chuỗi cung ứng và hấp dẫn khách trong nước và quốc tế./.
Nguồn: https://dangcongsan.vn/xa-hoi/nghi-xuan-ha-tinh-va-phac-thao-do-thi-coi-nguon-van-hoa-682658.html