Moscow nêu thương vong của VSU ở Bakhmut và Novodruzhesk, Hungary nói về người di cư từ láng giềng… là một số tin tức đáng chú ý về xung đột Nga-Ukraine.
Hungary khẳng định sẽ không dẫn độ người di cư Ukraine về nước. (Nguồn: AFP) |
* Ukraine mất 230 người ở Bakhmut và Novodruzhesk trong tuần qua: Ngày 12/9, viết trên Telegram, người đứng đầu lâm thời do Nga bổ nhiệm tại Cộng hòa Nhân dân Lugansk (LPR) tự xưng cho biết: “Trong tuần qua, Các lực lượng vũ trang Ukraine (VSU) đã thực hiện một số nỗ lực vượt qua phòng tuyến, song không thành công. Những nỗ lực của họ nhằm đột phá vào các vị trí tiền phương của chúng tôi ở Novodruzhesk-Grigorovka và Bakhmut-Khreshchenivka đã kết thúc với tổn thất lên tới 230 nhân sự”.
Quan chức này cũng cho biết, các đơn vị súng trường cơ giới, được hỗ trợ bởi máy bay không người lái (UAV) và các đơn vị pháo binh, đã tấn công và tiêu diệt 22 pháo và súng cối, hơn 15 súng không giật, ATGM, súng máy và súng phóng lựu, 2 xe bọc thép, 8 xe Humvee và 8 kho đạn dược.
Hệ thống tác chiến điện tử và phòng không đã đẩy lùi 28 nỗ lực vượt qua không phận LPR và bắn hạ 40 UAV VSU.
Phía Ukraine chưa phản hồi về thông tin trên.
* Hungary sẽ không dẫn độ người Ukraine trốn nghĩa vụ quân sự: Ngày 12/9, phát biểu trên truyền thông Hungary, Phó Thủ tướng nước này Zsolt Schemien khẳng định: “Tất cả những người di cư Ukraine có thể coi mình là người tự do ở Hungary và độc lập quyết định xem nên ở lại, đi sang phương Tây hay quay trở lại (Ukraine)…
Chúng tôi không tiến hành điều tra đối với bất kỳ người di cư Ukraine nào để tìm hiểu xem họ có bị gọi đi nghĩa vụ quân sự hay không. Hungary không dẫn độ họ về Ukraine”.
Theo thống kê của Hungary, trong một năm rưỡi qua, hơn 1 triệu người Ukraine đã di cư tới Hungary, song phần lớn trong số họ đã đến các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) khác.
Hiện có một số thông tin cho biết Áo cũng từ chối dẫn độ những người Ukraine trốn nghĩa vụ quân sự, trong khi Ba Lan bắt đầu dẫn độ những người này theo yêu cầu từ Kiev.
* Liên hợp quốc quan ngại về đạn chùm tại Ukraine: Ngày 12/9, tại cuộc họp Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ), Phó Tổng thư ký kiêm Đại diện cấp cao của LHQ về các vấn đề giải trừ quân bị Izumi Nakamitsu nhấn mạnh: “Các báo cáo liên quan đến việc vận chuyển và sử dụng đạn chùm trong xung đột khiến chúng tôi rất quan ngại. Tổng thư ký LHQ đã nhiều lần kêu gọi cần chấm dứt ngay lập tức việc sử dụng đạn chùm. Những loại vũ khí như vậy cần phải bị xóa bỏ”.
* Mỹ đã chi hơn 100 tỷ USD cho Ukraine: Ngày 12/9, chính quyền Mỹ xác nhận đã viện trợ tổng cộng hơn 100 tỷ USD cho Kiev kể từ xung đột Nga-Ukraine bùng phát.
Cụ thể, trả lời yêu cầu của đảng Cộng hòa ở Thượng viện về việc hạch toán khoản hỗ trợ của Washington dành cho Kiev đã muộn tới 7 tháng, Nhà Trắng đã chuyển một bảng tính chi tiết gần 101,2 tỷ USD viện trợ đã gửi hoặc đã cam kết.
Ngoài ra, Washington cũng dự kiến chi thêm 9,8 tỷ USD cho Kiev, song song với khoản viện trợ mới 24 tỷ USD mà ông Biden yêu cầu từ Quốc hội vào tháng trước.
Phản ứng trước thông tin này Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa J.D. Vance của bang Ohio cho biết: “Chúng ta phải ngừng lún vào hố sâu của Ukraine”.
Trước đó, ông Vance và hàng chục nhà lập pháp đảng Cộng hòa khác đã yêu cầu Nhà Trắng thông tin về chi tiêu cho Ukraine vào tháng 1 và đặt ra thời hạn trả lời là ngày 7/2 năm nay.
Shalanda Young, Giám đốc Văn phòng Quản lý và ngân sách Nhà Trắng, đã bảo vệ việc chi tiêu quá mức trong một lá thư hồi đáp.
Bà viết: “Sự hỗ trợ này rất quan trọng đối với sự thành công của Ukraine trên thực địa, cũng như khả năng chịu đựng của người dân Ukraine trong những điều kiện khắc nghiệt”.
Washington hiện là nhà tài trợ lớn nhất cho Kiev. Trong khi đó, theo Viện Kinh tế thế giới Kiel, tính đến đầu mùa Hè này, tổng viện trợ của phương Tây dành cho Ukraine lên tới 165 tỷ Euro (177 tỷ USD).
Cho đến nay, các nhà lập pháp Mỹ đã phê duyệt 113 tỷ USD viện trợ cho Ukraine. Nước này cũng đã dẫn đầu một chiến dịch trừng phạt quốc tế nhằm vào Nga liên quan tới cuộc xung đột.