Chiều 16/9, sau phiên thảo luận chuyên đề 3, các Nghị sĩ trẻ Việt Nam đã chia sẻ những nội dung quan trọng sau hai ngày chính thức diễn ra Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9.
Vì mục tiêu phát triển bền vững và tôn trọng đa dạng văn hóa
Báo cáo Phiên thảo luận chuyên đề 3 “Thúc đẩy tôn trọng đa dạng văn hóa vì sự phát triển bền vững”, Đại biểu Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thu Hà cho biết, tại phiên thảo luận, các đại biểu tập trung vào các nội dung như: Hợp tác kỹ thuật số dựa trên đạo đức và giảm thiểu tác động không mong muốn của chuyển đổi số đối với quyền riêng tư, bảo mật và hạnh phúc; phát huy vai trò của văn hóa trong các chính sách phát triển tại cấp độ quốc gia, khu vực và quốc tế; cam kết bảo vệ và phát huy sự đa dạng văn hóa; tạo môi trường, hệ sinh thái thuận lợi cho văn hóa và đa dạng văn hóa; Vai trò của văn hóa và đa dạng văn hóa trong phát triển bền vững.
Trên cơ sở các ý kiến trao đổi, thảo luận, hội nghị ghi nhận và đánh giá cao kinh nghiệm và thành tựu của các nước trong xây dựng chính sách, pháp luật, nhằm thúc đẩy đa dạng văn hóa và vai trò của các nghị sĩ trong quá trình này.
Qua phiên thảo luận, Nghị viện các nước cần phát triển cách tiếp cận chung của nghị viện, nhằm thiết lập một khuôn khổ các nguyên tắc, giá trị trong việc ra quyết định, nghiên cứu và phát triển khoa học và công nghệ, chẳng hạn Bộ Quy tắc ứng xử của IPU về đạo đức khoa học và công nghệ, đảm bảo việc phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ được thực hiện có trách nhiệm, có đạo đức vì mục tiêu phát triển bền vững và tôn trọng đa dạng văn hóa.
Bên cạnh đó, Nghị viện các nước cần thiết lập khuôn khổ pháp lý về đạo đức và ứng xử trên không gian mạng để ngăn chặn bạo lực và lạm dụng trực tuyến đối với các nhóm dễ bị tổn thương, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái. Tăng cường luật khung bảo vệ dữ liệu, nhất là dữ liệu cá nhân và thúc đẩy các thuật toán với nguồn mở và minh bạch. Tăng cường lòng tin trên cơ sở thúc đẩy đối thoại liên văn hóa và tôn trọng sự đa dạng văn hóa, kiến thức bản địa với tư cách là một động lực cho sự phát triển bền vững, thịnh vượng và chung sống hòa bình.
Ngoài ra, Nghị viện các nước cần thúc đẩy tôn trọng sự đa dạng văn hóa trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4; thắt chặt sự hợp tác trong đổi mới phương cách vận hành nền kinh tế, tăng mạnh năng suất lao động, tạo các động lực mới cho tăng trưởng kinh tế, đồng thời, giúp các cơ quan nhà nước hoạt động ngày càng minh bạch, hiệu quả hơn trên lộ trình số hóa, nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển và đảm bảo chủ quyền quốc gia cũng như quyền riêng tư cá nhân trên không gian mạng.
Tăng cường hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo
Liên quan đến phiên chuyên đề 2 về Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp, Đại biểu Quốc hội Việt Nam Trần Khánh Thu cho biết: Sau phần trình bày của ông Denis Naughten, Nghị sĩ Quốc hội Cộng hòa Ireland, Chủ tịch Nhóm công tác Khoa học và Công nghệ IPU, các tham luận viên là người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Sky Mavis, Giám đốc HICOOL và các chuyên gia của UNDP, có 18 ý kiến đã được trao đổi và thảo luận của các nghị sĩ các nước.
Đại diện các tổ chức liên kết và quan sát viên tập trung đề cập tới các nội dung sau: Hoàn thiện thể chế, chính sách nhằm tích cực thúc đẩy đổi mới sáng tạo và hệ sinh thái khởi nghiệp (bao gồm cả tinh thần khởi nghiệp của thanh niên) hướng tới phát triển toàn diện và bền vững; kinh nghiệm của Quốc hội trong công tác lập pháp, giám sát và vai trò của nghị sĩ trẻ trong việc thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; phát triển trí tuệ nhân tạo, góp phần thực hiện hiệu quả các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs); đề xuất với các nghị viện về xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, giải pháp nhằm giảm thiểu rủi ro liên quan đến AI.
Qua thảo luận, Việt Nam ghi nhận và đánh giá cao kinh nghiệm của các quốc gia trong việc xây dựng chính sách, pháp luật cũng như những thành tựu của họ trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp cũng như vai trò của các nghị sĩ trong quá trình này.
Việt Nam đề nghị các Nghị viện: Tăng cường hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, bao gồm việc xây dựng và phát triển khung pháp lý cho đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, tăng ngân sách để hỗ trợ các doanh nghiệp do thanh niên lãnh đạo và có sự tham gia của thanh niên, các doanh nghiệp khởi nghiệp và sáng kiến đổi mới của thanh niên. Đồng thời, thúc đẩy các chương trình giáo dục cung cấp các kỹ năng cần thiết cho thanh niên để chuẩn bị cho thế hệ các doanh nhân tiếp theo, tập trung vào hỗ trợ kỹ năng kỹ thuật số; khuyến khích IPU xem xét các giải pháp khả thi trong các cơ cấu hiện có để tham gia vào các vấn đề đổi mới và chuyển đổi kỹ thuật số. Bên cạnh đó, khuyến khích khởi nghiệp và sáng kiến đổi mới trong thanh niên, sinh viên, phụ nữ, đồng thời tăng cường lồng ghép giới, gắn kết họ với SDGs, xây dựng một chương trình riêng cho đổi mới kỹ thuật số và khởi nghiệp.
Đánh giá cao vai trò của nghị sĩ trong việc xây dựng pháp luật, chính sách về chuyển đổi số
Đại biểu Quốc hội Việt Nam Hoàng Minh Hiếu trình bày báo cáo tổng kết Phiên 1 phiên chuyển đổi số.
Trong khuôn khổ Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 tại Hà Nội, Việt Nam từ ngày 14 – 17/9/2023, các đại biểu đã tham gia phiên họp đầu tiên về “Chuyển đổi số” được chủ trì bởi Chủ tịch Quốc hội Vương quốc Tonga Lord Fakafanua, Thành viên Ban lãnh đạo Diễn đàn Nghị sĩ trẻ IPU; ông Mohamed Anouar Bouchouit, Thành viên Quốc hội Nhân dân Algeria, Thành viên Ban Lãnh đạo Diễn đàn Nghị sĩ trẻ IPU. Sau phần trình bày của các nghị sĩ đến từ: Mexico, Việt Nam, Uruguay, Lithuania, Kenya, Nghị viện Châu Âu và Giám đốc YIAGA Châu Phi, đã có 30 ý kiến được các nghị sĩ, đại diện các tổ chức trực thuộc và quan sát viên trao đổi, thảo luận.
Đại biểu Hoàng Minh hiếu cho biết: “Các thảo luận và ý kiến tập trung vào 3 nội dung chính: Hoàn thiện thể chế, chính sách nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi số và tạo thêm cơ hội phát triển kinh tế bền vững; Chia sẻ kinh nghiệm của các nước trong công tác lập pháp, giám sát và vai trò của nghị sĩ trẻ trong thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Chia sẻ những tiến bộ đạt được trong việc số hóa các hoạt động của nghị viện và thúc đẩy kinh tế, xã hội số. Trong đó nhấn mạnh hoàn thiện thể chế cho đổi mới, thử nghiệm các mô hình mới, triển khai các ứng dụng và nền tảng số mới để tăng tốc chuyển đổi số; phổ cập kết nối số thông qua đào tạo, nâng cao nhận thức số, văn hóa số và kỹ năng số cho người dân, đặc biệt là giới trẻ; thu hẹp khoảng cách số và đảm bảo khả năng tiếp cận công nghệ một cách công bằng để không ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình phát triển bền vững môi trường kỹ thuật số.
Dựa trên kết quả thảo luận, Hội nghị ghi nhận và đánh giá cao kinh nghiệm của các nước trong xây dựng luật pháp, chính sách cũng như những thành tựu đạt được trong chuyển đổi số và vai trò của các nghị sĩ.
Đồng thời, đề nghị nghị viện các quốc gia: Cập nhật các quy định và phương pháp làm việc của nghị viện cho phép các nghị sĩ tham gia trực tuyến nhiều hơn, tân dụng các nền tảng tương tác tạo điều kiện giao tiếp trực tiếp toàn diện giữa cử tri và đại biểu, thúc đẩy sự tham gia có ý nghĩa của các nhóm, đặc biệt là giới trẻ. Xem xét việc phát triển hoặc củng cố các cơ quan nghị viện hướng tới tương lai, như Ủy ban tương lai và các cơ chế phù hợp với điều kiện cụ thể của mỗi quốc gia, giúp nghị viện dự đoán và ứng phó với các xu hướng dài hạn hoặc những mối đe dọa, đồng thời đảm bảo rằng thanh niên được tham gia vào tiến trình đó.
Đảm bảo tất cả các nghị sĩ được trang bị kiến thức cần thiết và hỗ trợ kỹ thuật để tham gia đầy đủ vào quá trình; tăng cường sử dụng hỗ trợ trợ lý ảo để hỗ trợ các nghị sĩ; sử dụng các công cụ AI để nâng cao chất lượng công tác lập pháp; phát triển các văn bản quy phạm pháp luật. Ban hành các chính sách để ngăn chặn và ứng phó với bất kỳ hình thức quấy rối và bạo lực nào được hỗ trợ bởi công nghệ đối với các thành viên quốc hội, bao gồm cả bạo lực đối với các nữ nghị sĩ; vận động xây dựng các cơ chế và phương pháp hiệu quả để thu thập thông tin và dữ liệu nhằm giám sát việc thực hiện SDGs và tăng cường trách nhiệm giải trình của Chính phủ; ủng hộ vai trò của Liên hợp quốc trong việc xây dựng các tiêu chuẩn, khung pháp lý về không gian mạng, chuyển đổi số và AI trên cơ sở đồng thuận.