Xây dựng Nghị quyết mới về chuyển đổi số

Chiều 12/9, tại Hà Nội, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Lưu Quang và Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đồng chủ trì Hội nghị “Lấy ý kiến về 3 Đề án trình Bộ Chính trị”.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Ban Kinh tế Trung ương được giao nhiệm vụ chủ trì xây dựng Đề án sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị (khóa XII) về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì xây dựng 2 Đề án trình Bộ Chính trị gồm: Đề án tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 1/7/2014 của Bộ Chính trị khoá XI về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế; và Đề án Nghị quyết mới của Bộ Chính trị về chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số – xã hội số (dự kiến có tên “Nghị quyết của Bộ Chính trị về đẩy mạnh chuyển đổi số, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, đưa Việt Nam vào kỷ nguyên mới”).

bo truong nguyen manh hung 844.jpg
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu định hướng hội nghị. Ảnh: Đức Huy

Người đứng đầu Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện các hội, hiệp hội và doanh nghiệp công nghệ thông tin – truyền thông góp ý 3 Đề án nêu trên, trong đó nhấn mạnh vai trò, tầm quan trọng của cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số đối với sự phát triển đất nước; đường hướng, cơ chế, chính sách phát triển công nghệ số trong 20 năm tới. 

Toan canh hoi nghi.jpg
Hội nghị “Lấy ý kiến về 3 Đề án trình Bộ Chính trị” diễn ra chiều 12/9.

Bàn về tên gọi của Nghị quyết mới, ông Nguyễn Nhật Quang, Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ – Hiệp hội Doanh nghiệp phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) gợi ý nên đặt tên “Nghị quyết về cuộc cách mạng chuyển đổi số”. 

“Ngày 2/9 vừa qua, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước có bài viết rất quan trọng nói về chuyển đổi số, trong đó lần đầu tiên dùng cụm từ “cách mạng chuyển đổi số”, với tinh thần hướng tới kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, vươn mình bằng chuyển đổi số. Ngày trước chúng ta đã “giải phóng” nông nghiệp bằng Nghị quyết 10. Về bản chất, Nghị quyết 10 chỉ có một mục tiêu là sửa đổi thể chế, để hộ nông dân được quyền kinh doanh trên đất của mình, cũng đã tạo được sự đổi mới cho đất nước. Chúng tôi kỳ vọng Nghị quyết về chuyển đổi số cũng sẽ là Nghị quyết của Trung ương giống như Nghị quyết 10”, ông Quang chia sẻ.

Đại diện VINASA kiến nghị, trong phần mục tiêu của Nghị quyết mới cần thêm ý “Xây dựng và kiến tạo thể chế cho phương thức sản xuất mới/phương thức phát triển mới”; trong phần giải pháp hoàn thiện thể chế pháp luật nên ghi “mở rộng thể chế để điều chỉnh các quan hệ trên môi trường số”.

Ong Nguyen Quan.jpg
Nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân: “Trong Nghị quyết mới, nên giao một cơ quan chuẩn bị Đề án về quốc gia số”. Ảnh: Đức Huy.

Đồng quan điểm với đại diện VINASA, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân nhấn mạnh: “Nên kiến nghị ban hành Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương giống như Nghị quyết 10 trước đây.

Khi đó, Nghị quyết mới về chuyển đổi số sẽ có vị thế cao hơn. Có thể tích hợp tất cả chỉ đạo của Trung ương và Bộ Chính trị trong Nghị quyết mới, và văn bản này sẽ trở thành một bộ phận của Văn kiện Đại hội XIV của Đảng. Trong Nghị quyết mới, nên giao một cơ quan chuẩn bị Đề án về quốc gia số”.

Cần thực sự cách mạng về thể chế

Các chuyên gia, đại diện hiệp hội, doanh nghiệp thống nhất quan điểm cần xây dựng Nghị quyết mới về chuyển đổi số có tính cách mạng và đột phá như Nghị quyết 10 trong nông nghiệp để kiến tạo sự phát triển trong tương lai.

Tính cách mạng thể hiện ở nhiều khía cạnh.

“Chúng ta nói về xây dựng hạ tầng số tiên tiến, hiện đại trong cuộc cách mạng chuyển đổi số, công nghệ số, nhưng đầu tư chỉ nói chung chung. Lâu nay cứ khoán để doanh nghiệp bỏ tiền ra làm và tự bươn chải. Tại sao Nhà nước không bỏ ngân sách để làm hạ tầng số? Đã là cách mạng thì phải thay đổi tư duy. Nếu coi hạ tầng số là hạ tầng thiết yếu quốc gia, Nhà nước dứt khoát phải có trách nhiệm, ngân sách phải bỏ ra một mức độ nhất định để đầu tư”, ông Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông thẳng thắn nhìn nhận.

Ong Mai Liem Truc.jpg
Nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông Mai Liêm Trực: “Làm cách mạng thì phải thay đổi tư duy”. Ảnh: Đức Huy

Viện trưởng Viện Khoa học và công nghệ VINASA Nguyễn Nhật Quang lưu ý, bên cạnh tình trạng cát cứ dữ liệu của các bộ ngành, giờ có thêm tình trạng tập quyền dữ liệu. Các bộ làm ra hệ thống, yêu cầu địa phương nhập vào, nhưng địa phương muốn dùng chính những dữ liệu mình nhập vào để quản lý tại địa phương cũng không được, lâu lâu mới được bộ xuất cho file Excel. 

“Nghị quyết cần lưu ý về việc xóa bỏ cát cứ dữ liệu, tập quyền dữ liệu. Muốn xóa bỏ được thì phải có quy hoạch hệ thống các cơ sở dữ liệu, xây dựng các quy chế, quy chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật liên quan dữ liệu… ban hành thống nhất ở mức quốc gia. Bây giờ địa phương muốn “chạy” trước cũng không được. Đầu tư làm hệ thống, 1-2 năm sau, bộ làm hệ thống trùm từ trên xuống, lại bị xóa bỏ luôn. Thống nhất hạ tầng dữ liệu quốc gia là vấn đề rất quan trọng”, ông Quang nói.

Đề cao quan điểm “dữ liệu không chỉ là tài nguyên mà còn là tài sản”, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân quan ngại trước thực trạng vẫn chưa có luật về dữ liệu (quy định cụ thể về quyền của các tổ chức/cá nhân xây dựng cơ sở dữ liệu, các quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia về cơ sở dữ liệu…), dẫn tới vướng mắc trong quá trình khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu cho các hoạt động của nền kinh tế.

“Nếu không có luật về dữ liệu, khó tránh khỏi hiện tượng cát cứ, tập quyền dữ liệu; hạn chế khả năng tích hợp vào cơ sở dữ liệu chung của quốc gia và hướng tới tham gia cơ sở dữ liệu quốc tế”, ông Quân lưu ý. 

Ong Tran Luu Quang.jpg
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Lưu Quang phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: Đức Huy

Ghi nhận các ý kiến đóng góp tại hội nghị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Lưu Quang mong muốn Nghị quyết mới về chuyển đổi số sẽ được xây dựng bài bản, đi vào cuộc sống. 

Ông Quang cho biết, trước mắt sẽ là Nghị quyết của Bộ Chính trị vì thủ tục hành chính để nâng cấp từ Nghị quyết của Bộ Chính trị lên Nghị quyết của Trung ương không đơn giản. Tuy nhiên, trong Nghị quyết của Bộ Chính trị sẽ giao nhiệm vụ để chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo có tỷ trọng nội dung xứng đáng trong Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ XIV.

“Trong Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã ghi: “Năm 2025 phải có 3.000km đường cao tốc; và năm 2030 phải 5.000km đường cao tốc. Nghị quyết Đại hội Đảng có giá trị pháp lý cao nhất. Không làm được coi như không hoàn thành nhiệm vụ. Tới đây, trong Nghị quyết mới cũng sẽ đưa ra những chỉ tiêu cụ thể liên quan chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo”, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương thông tin thêm.